Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin bất động sản 10/5: Không có lý do để giá nhà giảm xuống từ nay đến cuối năm...

Bản tin hôm nay sẽ có những nội dung đáng chú ý sau đây: Nghệ An phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chấn chỉnh việc sử dụng đất không đúng mục đích tại Hòa Bắc; không có lý do nào để giá nhà quay đầu giảm xuống từ nay đến cuối năm…

Nghệ An phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

UBND tỉnh Nghệ An vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

nghe an phe duyet quy hoach xay dung vung huyen quynh luu thoi ky 2021 2030 tam nhin den nam 2050
Một góc đô thị thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Theo đó, tại Quyết định số 1168/QĐ-UBND ngày 29/4, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quỳnh Lưu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng quy hoạch đảm bảo tính chất, chức năng là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm phía Bắc của tỉnh Nghệ An.

Quy hoạch định hướng phát triển vùng huyện Quỳnh Lưu là sự phát triển thống nhất về không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với phát triển chung vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và vùng duyên hải tỉnh Nghệ An; phát triển hài hòa giữa các vùng đô thị và nông thôn, các vùng chức năng với các vùng miền. Tôn trọng tự nhiên, ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Quy hoạch vùng huyện Quỳnh Lưu được xây dựng đảm bảo tính chất, chức năng là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm phía Bắc của tỉnh Nghệ An, cùng với Hoàng Mai trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Là vùng phát triển với các chức năng đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch biển và sinh thái, khai thác chế biến thủy hải sản, nông lâm nghiệp... Là khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng.

Quy hoạch đã định hướng phát triển không gian vùng, định hướng phát triển không gian đô thị, phát triển nông thôn, phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, quy hoạch định hướng phân thành 3 vùng phát triển không gian theo hướng vừa kết nối với tổng thể phát triển chung của tỉnh Nghệ An, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa bàn khu vực.

Cụ thể, vùng phía Tây (vùng bán sơn địa) gồm 7 xã: Tân Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Tân và Ngọc Sơn; Vùng trung tâm (vùng đồng bằng) gồm thị trấn Cầu Giát và 16 xã: Quỳnh Hoa, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Diễn, Quỳnh Hưng, Quỳnh Giang, Quỳnh Bá, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, An Hoà, Quỳnh Thạch, Quỳnh Đôi, Quỳnh Yên, Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Văn và Quỳnh Thanh; Vùng Đông Nam (vùng ven biển) gồm 9 xã: Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Sơn Hải, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ và Quỳnh Long.

Về phát triển không gian đô thị được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2030, toàn huyện có 6 đô thị: Đô thị Cầu Giát (mở rộng phạm vi ranh giới đô thị thêm các xã: Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu và một phần xã Quỳnh Bá, Quỳnh Hưng); đô thị Sơn Hải - Quỳnh Nghĩa được hình thành từ đô thị Sơn Hải và các xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh; mở rộng đô thị Tuần và đô thị Quỳnh Bảng, hình thành đô thị Tân Thắng và đô thị Quỳnh Văn. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,90%. Giai đoạn 2030-2050, toàn huyện có 6 đô thị: Cầu Giát, Sơn Hải - Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng, Tuần, Tân Thắng và Quỳnh Văn. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 56,20%.

Chấn chỉnh việc sử dụng đất không đúng mục đích tại Hòa Bắc

Ngày 8-5, ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng cho biết, Ban vừa chủ trì buổi giám sát chuyên đề liên quan đến tình hình quản lý đất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

https://filesdata.cadn.com.vn/filedatacadn/media/800/2022/5/9/110-an-1.jpg

Theo ông Tiến, những năm qua hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Hòa Bắc chịu tác động nhiều yếu tố tự nhiên, biến đổi khí hậu, đất nông nghiệp bị hoang hóa ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc quản lý rừng có chuyển biến tích cực, nhất là trong phối hợp tuần tra, truy quét các điểm phức tạp về khai thác lâm, khoáng sản trái phép. Riêng khu vực mỏ vàng Khe Đương được kiểm soát tốt kể từ khi thực hiện chủ trương đánh sập.

Đặc biệt, Hòa Bắc đã ý thức giữ gìn đảm bảo an ninh nguồn nước cho nhà máy nước Hòa Liên. Tuy nhiên, qua giám sát, công tác quản lý đất đai tại Hòa Bắc vẫn tồn tại một số bất cập. Cụ thể như tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp để hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch trái phép; hoạt động chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa đúng đối tượng, chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Kết luận giám sát chỉ rõ, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại Hòa Bắc ngày càng nhiều, sản xuất kém hiệu quả, các loại nông sản chủ lực của địa phương như cây mía không tiêu thụ được, thanh niên thất nghiệp ngày càng cao. Cũng qua giám sát, xuất hiện một số mô hình phát triển du lịch sinh thái, tự ý dựng các lều sạp, trang trí các tiểu cảnh trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ cho việc tổ chức sinh hoạt vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú.

Cụ thể như khu A Lăng Như tại tôn Giàn Bí, khu Heart Organic Farm tại thôn Phò Nam, khu Làng Coco tại thôn Lộc Mỹ, khu Làng Mê tại thôn Nam Yên, khu Yên Retreat tại thôn Nam Yên. Các khu du lịch sinh thái này chưa phù hợp với các quy định pháp luật. Ngoài ra, một số khu vực chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang hình thức tự phát theo mô hình phát triển du lịch sinh thái dọc tuyến đường từ Tà Lang, Giàn Bí đến đèo Mũi Trâu… chưa đúng quy định.

Không có lý do nào để giá nhà quay đầu giảm xuống từ nay đến cuối năm

Nhìn bối cảnh này, hầu hết những người trong cuộc cùng chung nhận định, giá BĐS khó giảm vì nhiều lý do, nhất là khi nguồn cung không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ có 22 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành ở 3 miền Bắc, Trung, Nam với 5.217 căn hộ. Số lượng dự án này bằng khoảng 47% so với quý cuối năm 2021 và bằng khoảng 54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, miền Bắc có 13 dự án, miền Trung 5 dự án và miền Nam chỉ có 4 dự án.

Cả nước có 1.216 dự án đang xây dựng, bằng khoảng 116% so với quý 4/2021 và bằng 88% cùng kỳ năm trước. Trong đó, miền Nam có 689 dự án với 70.411 căn hộ, miền Bắc 288 dự án với gần 160.000 căn hộ và miền Trung 239 dự án với 104.860 căn hộ.

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm nay, có tổng số 39 dự án bất động sản được cấp phép mới với hơn 18.600 căn hộ, trong đó miền Bắc có 21 dự án với 6.103 căn, miền Trung 7 dự án với 3.077 căn và miền Nam 11 dự án với 9.480 căn.

Không có lý do nào để giá nhà giảm xuống - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Những số liệu này cho thấy, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý đầu năm vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 41%, trong đó số căn hộ của các dự án bằng khoảng 49% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn cung ít là một trong số các nguyên nhân khiến giá nhà tăng mà không giảm. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác khiến tất cả đều được cộng vào giá nhà.

Tại một hội thảo về thị trường BĐS mới đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng rất khó giảm giá nhà vì các yếu tố đầu vào của bất động sản đều đang tăng rất cao.

Theo các chuyên gia, giá nhà tăng là khó tránh. Thậm chí, giá ở một số vị trí giá đã tăng gấp 2-3 lần trong vòng 1-2 năm qua, gây bất ngờ. Đơn cử, căn hộ cao cấp tại một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm ở Tp.HCM có mức giá chào bán rất cao, như dự án Thảo Điền Green tại TP Thủ Đức có giá khoảng 100 triệu đồng/m2... Đặc biệt, dự án Empire City - The Monarch tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) có giá chào bán lên tới 200 triệu đồng/m2

Những năm gần đây, ách tắc thủ tục pháp lý khiến nguồn cung ra thị trường nhỏ giọt khiến giá nhà tăng. Dự án hoàn thành, doanh nghiệp thu hồi được vốn để triển khai dự án mới, nhưng vì ách tắc phải dừng lại, dự án kéo dài dẫn đến tăng chi phí, từ đó tăng giá thành BĐS. Hạn chế về nguồn cung trong khi cầu cao, cũng tất yếu đẩy giá BĐS tăng.

Thủ tục nhà đất đã gần như ách tắc gần 2 năm qua nên nhu cầu nhà ở tại những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM… luôn trong tình trạng cung không đủ cầu nên giá nhà đất luôn tăng là lẽ đương nhiên.

Hiện Tp.HCM có hơn 100 dự án nhà ở chờ gỡ vướng. Sau khi các doanh nghiệp lên tiếng kêu cứu việc 64 dự án nhà ở bị vướng mắc thủ tục không triển khai được, mới đây 29 doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM tiếp tục đồng loạt đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc 38 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư bị "giậm chân tại chỗ" đã nhiều năm.

Những điều cần biết khi mua bất động sản để không bị hớ

Tại talkshow với chủ đề "Đầu tư bất động sản thời giá lên" do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Đinh Quang Tuấn, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, có nhiều yếu tố để xác định được mức giá hợp lý của dự án bất động sản, trong đó cần lưu tâm 3 yếu tố chính, đó là nhu cầu thị trường ở khu vực dự án, động lực tăng giá, mặt bằng giá đang được giao dịch ở khu vực dự án.

"Cá nhân tôi chứng kiến triển khai các dự án ở quanh khu vực Hà Nội có giá bán tăng gấp đôi trong vòng 2 năm", ông Đinh Quang Tuấn cho biết.

Ngoài ra, các dự án của những chủ đầu tư lớn với hạ tầng, tiện ích và chất lượng tốt dễ có được sự tin tưởng của nhà đầu tư và người mua để ở.

"Sự hấp thụ tốt ở một số dự án là bởi khách hàng đầu tư lâu nay kiếm được lợi nhuận từ việc đầu tư vào dự án của những chủ đầu tư lớn, có tiếng. Nên cứ sản phẩm nào có hạ tầng giao thông, tiện ích tốt do chủ đầu tư lớn phát triển thì họ sẵn sàng mua đầu tư", ông  Đinh Quang Tuấn cho hay.

Về chuyện định giá bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần G-Home lưu ý, giá bất động sản hiện nay là sự phản ánh kỳ vọng giá trị của nhà đầu tư vào sản phẩm đó. Nếu kỳ vọng được đáp ứng, giá bất động sản còn tăng.

"Vấn đề là chủ đầu tư khi định giá sản phẩm phải định giá đúng giá trị trong tương lai. Nếu chủ đầu tư định giá thấp hơn giá trị kỳ vọng tương lai thì họ sẽ bán rất nhanh, nhưng bị hớ và không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng; còn nếu định giá bằng đúng giá kỳ vọng thì đây là phương án tối ưu giúp họ vừa bán nhanh, vừa thu lợi nhuận như kỳ vọng. Trong trường hợp định giá cao hơn giá trị kỳ vọng của nhà đầu tư F0 trong vòng 5 năm tới, thì sớm muộn cũng bị thị trường quay lưng, thậm chí nhà đầu tư F0 sẽ bán cắt lỗ", ông Nguyễn Hoàng Nam nêu.

Đại diện G-Homes nhấn mạnh, để quyết định đầu tư, nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức nhất thiết phải cân nhắc đến hai yếu tố: cảm xúc và niềm tin.

Đầu tư bất động sản cần biết điều này để không bị mua hớ - Ảnh 1.

Điều này được phản ánh qua thực tế rằng, có những dự án tương đồng, thậm chí sát vách, nhưng do các chủ đầu tư ít tên tuổi hơn phát triển, thì có mức giá rẻ hơn nhiều so với giá bán của dự án do chủ đầu tư lớn phát triển.

Bởi lẽ, bên cạnh đội ngũ bán hàng và truyền thông dự án, các chủ đầu tư lớn chiếm được niềm tin của nhà đầu tư và người mua về năng lực triển khai dự án và phát triển dịch vụ và tiện ích dự án theo cam kết. Đó chính là điểm khác biệt cũng là cơ sở quyết định giá bán ở mức khác biệt.

Nâng cao chất lượng nhà tạm cư

https://img.nhandan.com.vn/Files/Images/2022/05/09/q7-1652106509559.jpg

Thực hiện kế hoạch di dời người dân khỏi các nhà nguy hiểm trên địa bàn quận Ba Đình, từ năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã bàn giao hơn 160 căn hộ tạm cư tại Khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy), phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và nhà CT1 Khu đô thị Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) cho Ủy ban nhân dân quận Ba Đình. Đến nay, quận Ba Đình đã bàn giao hơn 100 căn hộ tạm cư cho người dân tại Khu đô thị Yên Hòa và Khu đô thị Thành phố giao lưu; đồng thời có kế hoạch bố trí quỹ nhà tạm cư còn lại cho các hộ dân. Nhưng do các căn hộ này đã lâu không sử dụng, cho nên một số hạng mục hư hỏng khiến người dân lo lắng, chưa nhận nhà.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, ngoài các chung cư nguy hiểm cần di dời khẩn cấp để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, trên địa bàn quận còn nhiều chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đồng bộ trong thời gian tới, cho nên cần quỹ nhà tạm cư rất lớn. Phần lớn quỹ nhà tạm cư hiện nay là chung cư tái định cư, được xây dựng đã lâu, lại không được bảo trì thường xuyên, sửa chữa kịp thời các hư hỏng, cho nên xuống cấp, khiến người dân không yên tâm khi nhận nhà, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.

Khu nhà CT1A, CT1B Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai được bố trí tạm cư cho những hộ dân sống tại biệt thự số 107 phố Trần Hưng Đạo bị sập năm 2015, hiện cũng bị xuống cấp. Chị Nguyễn Thị Hà, người dân sinh sống tại đây cho biết, được thành phố bố trí nhà tạm cư để ổn định cuộc sống là điều mơ ước đối với các hộ dân. Các căn hộ được xây dựng khép kín, rộng rãi, khác hẳn với điều kiện sinh hoạt chật chội tại nơi ở cũ. Tuy nhiên, các hạng mục chung của tòa nhà như cầu thang máy, bóng điện thắp sáng bị hỏng thì rất chậm được sửa chữa, khắc phục.

Khu vực bên ngoài tòa nhà nhếch nhác, không được dọn dẹp thường xuyên, gây mất mỹ quan khu đô thị. Chưa kể, tòa nhà xa trung tâm, không thuận lợi cho việc sinh hoạt của người dân. Đường vào khu đô thị chật hẹp, thường xuyên ùn tắc giao thông khiến việc đi lại rất khó khăn... Đây có thể là những hạn chế khiến tòa nhà tạm cư dù đưa vào hoạt động nhiều năm, nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 20 căn hộ bị bỏ trống.

Tình trạng nhà tạm cư xuống cấp cũng xảy ra tại nhà A1, A2 Phú Thượng (quận Tây Hồ), được đưa vào sử dụng từ năm 2006. Sau thời gian dài sử dụng, lớp sơn bên ngoài tòa nhà bị bong tróc, ẩm mốc. Tại khu nhà để xe, nhiều mảng tường đã bong tróc. Theo người dân sinh sống tại đây, mỗi khi mưa lớn, khu vực nhà xe thường xuyên xảy ra thấm dột. Nước mưa chảy lênh láng.

Theo đại diện đơn vị quản lý nhà tạm cư, người dân sinh sống tại nhà tạm cư không phải trả tiền thuê nhà hằng tháng và nguồn kinh phí bảo trì tòa nhà cũng do ngân sách thành phố cấp, cho nên việc bảo trì, sửa chữa các hạng mục của tòa nhà phải thực hiện theo kế hoạch. Nhiều hư hỏng không được sửa chữa, khắc phục kịp thời, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: