Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin bất động sản 9/5: Thị trường BĐS rục rịch nguồn cung mới, báo tín hiệu tốt lành

Những thông tin đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; tâm điểm thị trường bất động sản đang dồn về phân khúc nào?; nở rộ bất động sản sân golf bắc miền Trung…

Chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản

Bộ Tài chính vừa ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành về việc chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS).

https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2022_05_09_435_42536534/3a2183211264fb3aa275.jpg
Ảnh minh họa.

Theo đó, đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường đã có giá theo bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, Bộ Tài chính đề nghị UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất (trong đó bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất) nhằm tạo điều kiện cho công tác tính thuế theo quy định nêu trên.

Đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường chưa có giá tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành kịp thời quyết định điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất cụ thể đối với từng vị trí, đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thực tế trên thị trường và giá bán ra của chủ đầu tư. Trường hợp chưa ban hành thì yêu cầu chủ đầu tư trên địa bàn công khai giá bán theo quy định và thông báo cho các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện các giao dịch về BĐS hình thành trong tương lai cũng như khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng BĐS.

Đối với trường hợp hồ sơ chuyển nhượng BĐS nộp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế rõ vị trí, đường phố, cách xác định và áp dụng cụ thể giá của từng loại BĐS để tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng BĐS.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu giá giao dịch từ chuyển nhượng BĐS làm căn cứ để tham mưu UBND cấp tỉnh xác định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường BĐS nhằm tránh thất thu thuế.

Thị trường BĐS rục rịch nguồn cung mới, báo tín hiệu tốt lành

Ghi nhận cho thấy, bước sang đầu quý 2/2022, thị trường BĐS tiếp tục có nguồn cung mới ra thị trường, chủ yếu là các dự án đã có thời gian truyền thông trước đó, giới thiệu để khách mua chọn căn.

Chẳng hạn như, ngày 8/5, Thang Long Real Group đã chính thức công bố dự án FIATO Premier ra thị trường quy mô hơn 400 căn hộ. Cùng khu vực, dự án Westgate của An Gia cũng đang được triển khai tại trung tâm hành chính Bình Chánh, quy mô hơn 2.000 căn hộ đang chào thị trường trong quý 2/2022.

Tại khu vực Bình Dương, trong đầu quý 2 này, thị trường TP. Dĩ An đón thêm nguồn cung là tổ hợp căn hộ Diamond Connect ngay mặt tiền Quốc lộ 1K. Dự án có giá từ 36 triệu/m2, hiện đã xây đến tầng 19, dự kiến bàn giao vào cuối năm nay.

Bước sang đầu quý 2/2022, thị trường BĐS lại rục rịch nguồn cung mới, báo tín hiệu tốt lành - Ảnh 1.

Đầu tháng 5/2022, Tập đoàn Kavi cũng công bố dự án Tân Uyên Central Point ra thị trường. Dự án này có tổng diện tích 40.937,8 m2, phát triển khoảng 225 lô đất nền, dùng để xây dựng các nhà phố liền kề với diện tích dao động từ 70 – 170 m2.

Dự án Mega Royal City (Đồng Xoài, Bình Phước) mới đây cũng thực hiện nghi thức kick-off dự án, cung cấp nguồn cung mới ra thị trường trong quý 2/2022.

Báo cáo thị trường BĐS tháng 4/2022 của DKRA Vietnam cho thấy, nguồn cung mới tiếp tục tập trung tại Tp.HCM và Bình Dương, trong đó Tp.HCM chiếm đến 77% tổng nguồn cung và 81% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường trong tháng. Hầu hết các dự án tại Bình Dương mở bán trong tháng có thời gian booking ngắn (từ 2 – 3 tháng), lượng sản phẩm mở bán khiêm tốn, dao động từ 100 đến dưới 200 căn ở mỗi dự án.

Theo DKRA Vietnam, sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục đà phục hồi, đặc biệt là tại thị trường Tp.HCM. Các sự kiện mở bán, training, kick-off sales được triển khai trở rầm rộ trở lại, góp phần gia tăng hiệu quả bán hàng ở các dự án.

Riêng tại thị trường Tp.HCM, nguồn cung mới tập trung tại khu Đông (TP. Thủ Đức), chiếm 64% nguồn cung và 70% lượng tiêu thụ mới trong tháng. Phân khúc căn hộ hạng B giữ vị trí chủ đạo, chiếm 71% nguồn cung và 69% lượng tiêu thụ mới.

Nở rộ bất động sản sân golf bắc miền Trung

Picture 5
Nở rộ bất động sản sân golf bắc miền Trung.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp giàu và siêu giàu, golf – môn thể thao gắn liền với giới thượng lưu, ngày càng phổ biến tại Việt Nam nói chung và ở các tỉnh bắc miền Trung nói riêng. Trải dài theo bãi biển dọc các tỉnh bắc miền Trung, những điểm đến quen thuộc như Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An), Xuân Thành (Hà Tĩnh) Đồng Hới (Quảng Bình), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế)… đã chứng kiến cuộc “đổ bộ” của hàng loạt nhà đầu tư với các quần thể nghỉ dưỡng, sân golf tầm cỡ.

Tại Thanh Hoá, vào năm 2014, Tập đoàn FLC đã đầu tư hơn 12.088 tỷ đồng xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái (gồm sân golf 18 hố dạng links, khu nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp FLC Luxury Resort Samson, bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam…) trên diện tích gần 300ha thuộc địa phận thị xã Sầm Sơn. Tại Nghệ An, Công ty Cổ phần Golf Biển Cửa Lò đã đầu tư xây dựng dự án The Golf Village Cửa Lò trên diện tích 133ha tại bãi biển Cửa Lò. Đây là quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trong đó sân gold Cửa Lò có quy mô 18 hố.

Tại Hà Tĩnh, năm 2019, tập đoàn Vabis cũng đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng quần thể sân golf nghỉ dưỡng trên diện tích hơn 121ha tại bãi biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân. Với tên gọi Hoa Tiên PARADISE, Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành – Vabis Group đã xây dựng một sân golf 18 hố với diện tích khoảng 100ha. Tương tự, tại Quảng Bình, FLC đã đầu tư xây dựng sân golf FLC Quảng Bình Golf Links trên diện tích 1.000ha thuộc địa phận xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.000 tỷ đồng…

Golf không chỉ thu hút những người đam mê chơi môn thể thao này mà còn hấp dẫn cả giới đầu tư, khi mô hình biệt thự nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf đang trở thành “miếng bánh” hấp dẫn trên thị trường bất động sản

Nhắc đến mảng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf những năm vừa qua, không thể không nhắc đến các công ty lớn như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn T&T… Hiện nay, FLC đang sở hữu hệ thống 29 sân golf hoạt động trên cả nước, bao gồm FLC Ha Long Golf Club, FLC Sam Son Golf Links, FLC Quy Nhon Golf Links. Tập đoàn Vingroup đang đầu tư hệ thống Vinpearl Golf tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Tâm điểm thị trường bất động sản đang dồn về phân khúc nào?

Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2022 của Bộ Xây dựng cho thấy giao dịch trên thị trường có sự sụt giảm ở nhiều phân khúc so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, ở phân khúc căn hộ, cả nước có tổng lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 45,5% so với quý 4/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tại TP. HCM chỉ có 1.172 giao dịch thành công trong quý vừa qua.

Đáng chú ý, phân khúc đất nền lại có lượng giao dịch tăng đột biến. Cụ thể, lượng giao dịch đất nền trong quý đạt 153.537 giao dịch thành công. Tổng lượng giao dịch bằng khoảng 242% so với quý IV/2021. Khu vực miền Nam ghi nhận tới 90.089 giao dịch đất nền thành công. 

Nhìn chung, giá đất nền trong quý vừa qua có biên độ tăng cao, bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước. Đặc biệt, thời điểm cuối tháng 3/2022, tại một số địa phương như vùng ven Hà Nội và TP HCM, các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh. Một số nơi mức giá tăng 15 – 20% so với cuối năm 2021, tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II năm 2021, tuy nhiên mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn.

Tâm điểm thị trường bất động sản đang dồn về phân khúc nào? - Ảnh 1.

Theo báo cáo quý I/2022 của Batdongsan.com.vn, đất nền được tìm kiếm nhiều hơn thời điểm trước dịch COVID-19, tuy nhiên giảm so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là loại hình bất động sản phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát.

Loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng ở nhiều tỉnh thành. Lượt tìm kiếm đất nền trong quý I vẫn tăng 4% so với đợt năm 2019, nhưng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tại miền Bắc, mức độ quan tâm đến đất thổ cư tại một số khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng,... có sự sụt giảm nhưng giá rao bán vẫn tăng lần lượt 35%, 16% và 29% so với mức giá trung bình cả năm 2021. Giá rao bán đất thổ cư cũng tăng đồng loạt tại các huyện vùng ven Hà Nội như Chương mỹ (74%), Quốc Oai (26%), Gia Lâm (21%), Đông Anh (20%)…

Trái lại, đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14%, một số địa phương như Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận ghi nhận tăng mạnh lần lượt 58%, 48%, 44%. Mặt bằng giá rao bán đất nền cũng ghi nhận tăng so với năm ngoái, trong đó, Thanh Hóa tăng 35%, Khánh Hòa tăng 26% và Bình Thuận tăng 13%.

Còn tại phía Nam, mức độ quan tâm đến đất nền ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái ở nhiều nơi như TP HCM (15%), Cần Thơ (40%), Bình Dương (13%), Đồng Nai (13%), Bà Rịa - Vũng Tàu (16%),... Tuy nhiên, giá rao bán vẫn tăng 27% tại Bình Dương, 23% tại Bình Phước, 13% tại Long An, 7% tại Đồng Nai,...

Từ năm 2021, rất nhiều dòng vốn được rút ra từ các lĩnh vực kinh tế khác để chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư hiệu quả như bất động sản. Do đó, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0 hay còn gọi là các nhà đầu tư tay ngang.

Thủ tướng yêu cầu triển khai tốt và mở rộng mô hình Khu kinh tế Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ cũng nghe báo cáo về phương án quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình tới năm 2030, phương án lấn biển...; khảo sát khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế Thái Bình. Thủ tướng cho biết, Trung ương rất quan tâm tới việc phát triển Khu kinh tế Thái Bình và chuyến công tác, khảo sát này nhằm "lắng nghe hơi thở cuộc sống" để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc, các kinh nghiệm, bài học rút ra.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc hiện tại, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, khó khăn lớn là tỉnh chưa có kinh nghiệm trong triển khai khu kinh tế, khó khăn về quy định hiện hành và khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi đất chật người đông. "Nếu không có sự vào cuộc của người dân thì trong vòng từ 6 -8 tháng, không thể giải phóng mặt bằng được hơn 500 ha", ông Hải nói thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng thông báo, hiện Khu công nghiệp Liên Hà Thái tại Khu kinh tế Thái Bình đã có 4 nhà đầu tư lớn của nước ngoài hoạt động và đang có nhiều nhà đầu tư khác quan tâm. Đây là khu kinh tế rất quan trọng với Thái Bình, đưa tỉnh phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển. Thủ tướng gợi ý, Khu kinh tế Thái Bình mới chủ yếu phát triển trên đất liền nên cần phát triển theo hướng khai thác không gian biển.

Thủ tướng yêu cầu triển khai tốt và mở rộng mô hình Khu kinh tế Thái Bình ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình, huyện Thái Thụy. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, muốn phát triển được khu kinh tế này cần xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, hạ tầng môi trường.

Phân tích kỹ hơn về yêu cầu phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh dồn lực nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng kết nối khu kinh tế, trong đó trước hết là dự án đường ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của Hải Phòng. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương.

Người đứng đầu Chính phủ cũng gợi ý về các phương án triển khai xây dựng khu kinh tế, trong đó đó có mô hình đầu tư công-quản trị tư. Quản trị công là xây dựng thể chế, quy hoạch, chiến lược, xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào khu kinh tế…, còn quản trị tư là giao cho nhà đầu tư lớn vận hành, kêu gọi, thúc đẩy các nhà đầu tư khác. Nhiều tỉnh đã làm tốt mô hình này.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình phải xác định người dân phải được hưởng lợi từ Khu kinh tế chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án ở nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.

Qua đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh triển khai tốt việc xây dựng Khu kinh tế Thái Bình để rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình này.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: