Bản tin thị trường bất động sản ngày 15/3 nổi bật với các thông tin sau đây: thu thuế bất động sản có chống được đầu cơ, giúp bình ổn thị trường; “cò đất” có thực sự là nhóm đứng sau cơn sốt đất,thổi giá tăng lên từng ngày;…
Cò đất có thực sự là nhóm đứng sau cơn sốt đất, thổi giá tăng từng ngày?
Tình trạng đẩy giá đất, tạo cơn sốt ảo diễn ra tại nhiều địa phương được cho rằng nguyên nhân chính đến từ đội ngũ cò mồi, môi giới. Chính điều này làm ảnh hưởng, nhiễu loạn thị trường.
Ông Phương Ngô, lãnh đạo của công ty bất động sản Đà Nẵng thừa nhận rằng, kịch bản tạo sốt đất những năm gần đây tương tự nhau. Đó là lý do mà những cơn sốt đất, tăng giá chỉ ra trong chu kỳ rất ngắn, 1 tuần rồi hết. Tuy nhiên, ông Phương Ngô cho rằng, "thủ phạm" tạo nên cơn sốt giá đến chính từ đội ngũ "cá mập" - những người có tiềm lực tài chính mạnh, có thể ôm được nhiều lô đất. Họ sử dụng đội ngũ nhân viên môi giới để cùng tạo sốt đất bằng việc thu gom, gọi điện tạo hiệu ứng cầu nhiều, đẩy giá.
Còn theo ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Winhousing, thực tế, môi giới đơn thuần sẽ không thể tạo sốt đất vì họ chỉ kết nối giữa người bán và người mua. Người đứng sau những cơn sốt đất là đội ngũ cá mập mới là nhóm có nhiều tiền, mua đất, ôm đất và tạo sốt đất cùng các chiêu trò.
Nhận định về tình trạng nhiễu loạn thị trường hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, cần có phương án xử lý kịp thời tình trạng gây nhiễu loạn thị trường từ "đầu nậu", "cò đất, cò nhà", doanh nghiệp "bất lương" để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản cho rằng, tình trạng sốt ảo diễn ra ở nhiều địa phương nhưng thực tế tình trạng giao dịch thấp. Dù môi giới đẩy giá lên nhiều lần song các nhà đầu tư hiện tại đã thông thái, biết đánh giá, phân tích thị trường và định giá sản phẩm. Đó là lý do nếu như giá quá cao so với giá trị thực, nhà đầu tư cũng không xuống tiền.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, khu vực ăn theo hoặc chỉ tăng giá dựa trên thông tin chung thì không nên được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá đất. Sự tăng giá này chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực.
Việc mua đi bán lại không đem lại kết quả cuối cùng, hoạt động mua đi bán lại diễn ra lúc chờ tăng giá như vậy sẽ không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường và rồi sẽ bị dừng lại, như những gì đã diễn ra trước đây.
Sửa đổi 4 Nghị định về thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ vướng mắc bất cập
Tại buổi làm việc với Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ tổng kết, xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc rà soát các quy định pháp luật và lắng nghe ý kiến các địa phương về những vướng mắc bất cập.
Trên cơ sở đó, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Bộ đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BTNMT về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai nhằm góp phần giải phóng nguồn lực đất đai, tháo gỡ các vướng mắc ở các địa phương.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai chính sách, pháp luật đất đai ở địa phương vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ xây dựng Dự thảo Nghị định nhằm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện chính sách đất đai.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Tổ trưởng Tổ Biên tập Nghị định bà Đoàn Thị Thanh Mỹ thông tin, trên cơ sở tổng hợp các khó khăn vướng mắc của các Bộ ngành, địa phương, Tổ đã xây dựng Dự thảo Nghị định, trong đó tập trung vào sửa đổi 4 Nghị định thi hành Luật Đất đai là Nghị định 43/2014/NĐ-CP; Nghị định 44/2014/NĐ-CP; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP và Nghị định 148/2020/NĐ-CP.
Thêm 4 dự án được Quảng Nam phê duyệt.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh đợt 1/2022 gồm ba dự án nhà ở thương mại và một nhà ở tái định cư.
Cụ thể, Khu dân cư thương mại dịch vụ Kiểm Lâm có quy mô 13,64 ha, thuộc xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên; Khu dân cư Duy Trinh (KDC Phù Dưỡng) có quy mô 10,27 ha, thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên; Khu dân cư thương mại dịch vụ Tây Cầu Chìm ở huyện Duy Xuyên. Các khu dân cư này sẽ bao gồm nhà ở liền kề, biệt thự theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500.
Còn tái định cư Châu Hiệp giai đoạn 1 rộng 2,33 ha, nằm ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Dự án này gồm sản phẩm nhà ở liền kề theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500.
UBND tỉnh giao UBND huyện Duy Xuyên, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, lập đề xuất thực hiện dự án và triển khai các quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành của pháp luật và hướng dẫn của UBND tỉnh.
UBND huyện Duy Xuyên căn cứ danh mục dự án nói trên để thực hiện các hồ sơ, thủ tục về đất đai theo đúng quy định.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn phát triển nhà ở cho giai đoạn này khoảng 21.192 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn làm nhà ở thương mại chiếm 15.771 tỷ đồng.
Trong đó, Quảng Nam sẽ phát triển nhà ở thương mại theo chỉ tiêu trong dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị với tổng diện tích 632 ha. Trong đó, Điện Bàn, Tam Kỳ, Đại Lộc, Duy Xuyên,... là những địa phương dẫn đầu về diện tích đất ở trong dự án nhà ở thương mại.
Tiến Hoàng (Tổng hợp)
Theo KTDU