Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin bất động sản 15/4: giá đất vùng ven “vượt mặt” đất nội đô

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay (15/4): Đà Nẵng chốt tiến độ một loạt dự án trọng điểm; giá đất vùng ven “vượt mặt” đất nội đô.

Đà Nẵng chốt tiến độ một loạt dự án trọng điểm

https://media.baodautu.vn/Images/phuongthanh02/2022/04/12/Tuy%C3%AAn%20S%C6%A1n%20-%20T%C3%BAy%20Loan.jpg

Trước thực trạng các dự án động lực trọng điểm chậm tiến độ so với kế hoạch, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh mới đây đã ký văn bản về tiến độ triển khai cụ thể các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2011 - 2025 từ nguồn vốn ngân sách.

Chủ tịch TP. Đà Nẵng giao người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc; đôn đốc, triển khai, giám sát tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân. Đặc biệt, nghiêm túc rút ngắn thời gian trong công tác thẩm định, xử lý các thủ tục hồ sơ liên quan đến dự án…

Theo đó, tuyến đường Trục I Tây được tăng vốn thêm hơn 273 tỷ đồng. Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 692 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng từ năm 2014, nhưng đến nay chưa hoàn thành. Dự án bị chậm tiến độ do chậm giải phóng mặt bằng, dẫn đến chi phí đền bù tăng vượt mức đầu tư được duyệt.

Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận Đà Nẵng) và nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang cũng được điều chỉnh tăng vốn hơn 214 tỷ đồng. Sau điều chỉnh, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2024.

Ngoài ra, tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ Khu tái định cư Phước Lý 6 đến đường Hoàng Văn Thái) cũng điều chỉnh tăng vốn từ hơn 95 tỷ đồng lên hơn 127 tỷ đồng (tăng hơn 32 tỷ đồng) thực hiện trong giai đoạn 2021-2024.

Giá đất vùng ven “vượt mặt” đất nội đô

Thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội mấy năm trở lại đây liên tục sốt cao. Đặc biệt là giá đất tại các huyện sắp lên quận như là Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng những năm gần đây liên tục tăng nóng.

Tốc độ tăng giá đất vùng ven “vượt mặt” đất nội đô
Ảnh minh họa

Theo khảo sát tại huyện Gia Lâm, lô đất thổ cư tại xã Đông Dư nằm ở mặt đường của thôn có diện tích 50m2, trước Tết được rao bán ở mức 2 tỷ đồng, tương đương 40 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên 2,2 tỷ đồng, tương đương 44 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, giá đất thuộc khu vực Trâu Quỳ (Gia Lâm) ở thời điểm hiện tại có thể lên tới hơn 200 triệu đồng/m2, dao động ở mức trung bình từ 80 - 90 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Ngô Xuân Quảng cách đây mấy năm được chào giá từ 100-120 triệu đồng/m2 nay giá rao bán là 180 - 220 triệu đồng/m2.

Đất mặt tiền Kiêu Kỵ, đường rộng hai ô tô tránh nhau, giá chào bán 40 -70 triệu đồng/m2, tăng gấp 2 - 3 lần so với năm 2019.

Tại các xã lân cận như Đông Dư, Đa Tốn, Đặng Xá, giá đất cũng từ 40-50 triệu đồng/m2, tương đương tăng gấp đôi cách đây 3 năm.

Trong khi đó, khu vực tuyến phố Thạch Cầu (quận Long Biên), người dân cho biết giá đất đang có dấu hiệu tăng nóng, chênh khoảng 20 - 55 triệu đồng/m2 so với hồi cuối năm 2021.

Tại huyện Đông Anh, giá đất thổ cư nằm ở mặt ngõ rộng khoảng 2,5m dao động từ 25 - 35 triệu đồng/m2. Những mảnh đất nằm ở mặt đường rộng khoảng 4m, ô tô có thể di chuyển vào được dao động từ 45 - 55 triệu đồng/m2. Đặc biệt, những mảnh đất nằm ở đường lớn, mức giá đã dao động từ 100 - 150 triệu đồng/m2, tùy vị trí, ngang ngửa với những vị trí đẹp tại trung tâm Hà Nội.

Tại thị trường bất động sản tại Thanh Trì khi đón nhận thông tin lên quận đã có sự gia tăng, giá đất Thanh Trì tại khu vực xung quanh tăng ở mức 10 - 20% theo từng năm.

Khảo sát cho thấy, giá đất trung bình tại Thanh Trì dao động trong khoảng từ 60 – 70 triệu đồng/m2 và thay đổi tùy theo từng vị trí. 

Thị trường bất động sản trông đợi điểm tựa pháp lý

Ảnh minh họa

Nhu cầu sửa đổi các luật liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản đang trở nên cấp bách không chỉ với doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân mà ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng đặt nhiều kỳ vọng.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, nhằm phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5 - 7% mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Theo đó, quý I năm 2022, GDP ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của cùng kỳ năm trước và dự kiến đạt mức 6% vào quý IV năm nay.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam quý I ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức cao nhất trong 6 năm qua cho thấy tín hiệu tích cực, là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Đặc biệt, bất động sản tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong số các ngành về thu hút FDI, chiếm 30% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh nhận xét, quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội trong việc tạo động lực bằng gói kích thích kinh tế và tháo gỡ những điểm nghẽn chính sách là tín hiệu tích cực, giúp nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng có thêm điểm tựa để phục hồi và phát triển.

Sự quyết liệt trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn chính sách sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản tự tin hơn với kế hoạch kinh doanh năm 2022, nhất là sau 2 năm hứng chịu “cú sốc” COVID-19, từ đó tạo tác động lan tỏa ra nhiều ngành kinh tế khác.

Xây dựng 7 dự án nhà ở xã hội và công nhân

https://image.bnews.vn/MediaUpload/Org/2022/02/08/img-6826-20220208120440.jpg
Viglacera khởi công xây dựng KCN Thuận Thành và 2.000 căn nhà ở cho công nhân. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

 cho biết, qua rà soát một số địa phương tính từ thời điểm sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, đã có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp khởi công xây dựng với tổng số khoảng 23.965 căn; trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội gồm 20.765 căn.

Trong số 5 dự án nhà ở xã hội thì Bình Dương có tới 4 dự án với 20.000 căn và Kiên Giang có 1 dự án gồm 765 căn. Tổng số 2 dự án nhà ở công nhân gồm 3.200 căn thì Quảng Ninh có dự án với 1.000 căn, đáp ứng 5.500 chỗ ở và Bắc Ninh 1 dự án gồm 2.200 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở. Trong quý III và IV/2022, Hà Nội dự kiến khởi công 2 dự án nhà ở xã hội gồm 1.860 căn.

Sang quý II, Bộ Xây dựng khẳng định tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp trên địa bàn; khẩn trương lập kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; trong đó lập danh mục các dự án nhà ở có liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Để bình ổn và phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất đưa 2 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: