Những nội dung đáng chú ý trong bản tin bất động sản 21/3: Sắt thép, xi măng đưa nhau “phi mã” khiến nhà thầu xây dựng điêu đứng; FLC đề xuất đầu tư 2 dự án hơn 1.360 ha ở Củ Chi;…
Giá thép, xi măng tăng chóng mặt
Từ ngày 15/3, hàng loạt công ty thép thông báo tăng giá thép cuộn và thép cây các loại. Có thể kể đến: Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức tăng thêm 600.000 đồng/tấn thép, giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên... cũng tăng giá bán mỗi tấn thép thêm 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, hàng loạt công ty xi măng cũng thông báo tăng giá xi măng bao và rời từ ngày 20/3.
Công ty Cổ phần Vissai Ninh Bình thực hiện điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao và rời do Công ty sản xuất thêm 100.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT). Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long tăng giá bán xi măng PCB40 các loại lên thêm 120.000 đồng một tấn. Riêng Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group tăng giá bán các loại xi măng bao và rời (cả đường thủy và đường bộ) mang thương hiệu Thành Thắng và Thịnh Thành lên đến 150.000 đồng một tấn.
Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) cũng tăng giá bán xi măng bao và xi măng bao jumbo thêm 100.000 đồng mỗi tấn. Mức điều chỉnh trên sẽ áp dụng từ ngày 23/3.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, trong nửa cuối tháng 3 có đến 14 doanh nghiệp thông báo tăng giá sản phẩm. Mức tăng phổ biến là 100.000 đồng một tấn.
FLC đề xuất đầu tư 2 dự án hơn 1.360 ha ở Củ Chi
Hai dự án do FLC đề xuất sẽ hình thành một Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp đô thị đầy đủ tiện ích, giúp bổ sung hạ tầng du lịch cũng như hạ tầng đô thị đồng bộ cho Củ Chi.
Tại buổi báo cáo kế hoạch đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi ngày 18/3, Lãnh đạo CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) đã báo cáo chi tiết về đề xuất nghiên cứu đầu tư hai dự án gồm: Dự án Công viên Sài Gòn Safari (hơn 456 ha) và dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (hơn 910 ha).
Theo đề xuất của doanh nghiệp, dự án gồm 5 phân khu: Khu dịch vụ tổng hợp, khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu vườn thú mở, khu Safari, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp.
Bên cạnh đó, nhiều hạng mục tiện ích cao cấp lần đầu xuất hiện tại Củ Chi sẽ được quy hoạch như: Công viên chủ đề theo mô hình Disneyland, vườn thú mở, khu Safari, công viên nước, khu trò chơi mạo hiểm, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao,... phục vụ nhu cầu đa dạng từ vui chơi giải trí đến nghỉ dưỡng sinh thái.
Kiên quyết xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai
Ngày 17-3, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy báo cáo kết quả xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng vẫn xảy ra. Các hành vi chủ yếu gồm: Thi công công trình không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép được cấp, vi phạm quy hoạch được duyệt; thi công vi phạm các quy định gây nứt, lún, hư hỏng công trình lân cận. Ngoài ra, còn một số vi phạm về kinh doanh bất động sản. Nguyên nhân dẫn đến các vi phạm do ý thức chấp hành quy định pháp luật của chủ đầu tư chưa tốt; quy định pháp luật về xử lý vi phạm trật tự xây dựng chưa phát huy hiệu quả; một số địa phương thiếu quan tâm, chưa xử lý kịp thời các vi phạm.
Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai; kiên quyết xử lý, cưỡng chế khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với các hành vi vi phạm; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm để kịp thời xử lý hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.
Dân khổ vì những đại dự án… treo
Ông Lê Thanh, 61 tuổi, ở làng biển Mỹ Thủy của xã Hải An, huyện Hải Lăng, có 6 con người sinh sống trong mái nhà cấp bốn xập xệ. Nhà ông Thanh cách khu đất quy hoạch xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy tầm 200m. Ông Thanh cho biết, họ làm lễ khởi công xây dựng rầm rộ, rồi để hoang đã 2 năm rồi.
Không phải riêng dự án này, nhiều dự án khác trong Khu Kinh tế Đông Nam cũng vậy. Hậu quả, địa phương không có nguồn kinh phí đền bù để giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân, còn dân phải sống trong cảnh quy hoạch treo suốt nhiều năm mà không được giải quyết.
“Đi không được, ở không xong, là tình cảnh nhiều gia đình 2-3 thế hệ những năm qua phải sống chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 chật hẹp đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không được phép cải tạo, cơi nới ở vùng Hải An này. Con cái lấy vợ, lấy chồng có nhu cầu ra riêng làm nhà mới cũng không được. Phần lớn đất đai, ao hồ phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trước đây, nhiều năm qua phải bỏ hoang, do vướng phải quy hoạch, bà con không ai dám mạo hiểm đầu tư”, ông Thanh nói.
Tiến Hoàng/KTDU