Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Dự kiến sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vào năm 2023; xử lý nghiêm trường hợp trục lợi thông qua việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư; phân khúc bất động sản nào sẽ trở thành 'nơi trú ẩn' an toàn?...
Dự kiến sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vào năm 2023
Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trong đó, về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đối với dự án Luật này đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, sửa đổi Luật Đất đai là yêu cầu rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc này cũng tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Về hai dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, nhiều chính sách mà Chính phủ trình trong hồ sơ đề nghị xây dựng hai dự án luật này có nội dung liên quan chặt chẽ đến các chính sách trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
theo dự kiến, ba luật có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản Việt Nam là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ cùng được thông qua trong năm 2023.
Chấn chỉnh hoạt động đấu giá các khu đất vàng trên cả nước
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân vừa ký Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay. Một trong những vấn đề Bộ đưa ra là hoạt động đấu giá đất.
Bộ TN-MT đánh giá, việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại một số nơi còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất ở
Trước thực trạng trên, Bộ TN-MT đề nghị các địa phương chấn chỉnh thoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất. Nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của nhà nước để chống thất thu cho ngân sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Bộ TN-MT đề nghị các địa phương trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải quy định rõ điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá (năng lực về tài chính, kỹ thuật, ký quỹ, nguồn vốn của chủ đầu tư, thời gian đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ nếu trúng đấu giá…); làm tốt công tác xác định giá khởi điểm bảo đảm giá khởi điểm phù hợp với giá thị trường.
Đồng thời, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc trong các cuộc đấu giá.
Các tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể để thu nghĩa vụ tài chính đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất. Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất để tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đất cụ thể, bảo đảm tính đúng, tính đủ theo quy định.
Xử lý nghiêm trường hợp trục lợi thông qua việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và UBND các xã, phường, thị trấn, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án bồi thường, bố trí tái định cư; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi thông qua việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư.
Các địa phương chủ động, kịp thời xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm trong công tác giải phóng mặt bằng như: Tự ý xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án bồi thường, bố trí tái định cư các dự án được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính, Sở Xây dựng, theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết về cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường cây trồng, vật nuôi, bồi thường tài sản, công trình, vật kiến trúc; chủ động xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền khi phát hiện các hành vi vi phạm, trục lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng và công an cấp huyện, cấp xã, tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, trục lợi thông qua việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo môi trường đầu tư, giữ vững an ninh trật tự.
Phân khúc bất động sản nào sẽ trở thành 'nơi trú ẩn' an toàn?
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu "đảo chiều" trước những động thái siết vốn tín dụng từ phía ngân hàng. Nhìn chung, phân khúc đất nền, liền kề, biệt thự, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang bị ảnh hưởng đầu tiên, nhiều nhà đầu cơ đã phải rút lui vì không còn được mở van tín dụng dễ dàng như trước.
Trong khi đó, phân khúc nhà ở thực, các dự án chung cư giá hợp lý nằm ở trung tâm các khu vực đang phát triển và được hưởng lợi từ các dự án siêu hạ tầng lại ít bị tác động khi ngân hàng siết hoặc khóa van tín dụng.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com, phân khúc chung cư tại các đô thị lớn vẫn đang trên đà tăng giá. Giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội và TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng lần lượt là 9% và 3,4% so với trung bình giá cả năm 2021.
Song song đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lại ngày một rõ nét. DKRA Việt Nam cho biết, trong tháng 4/2022, tại TP.HCM và một loạt các tỉnh giáp ranh như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh…, nguồn cung căn hộ chưa chạm tới mốc 2.500 căn, chỉ bằng khoảng 69% cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, trong quý I vừa qua, tại Hà Nội không có dự án mới, mà toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của 6 dự án. Số lượng giao dịch giảm, giá bán tăng, thị trường nhà ở Hà Nội vẫn duy trì tích cực với nguồn cầu cao.
Theo một chuyên gia bán hàng kỳ cựu tại thị trường TP.HCM, trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng dần siết chặt, nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn phân khúc căn hộ chung cư vì đây là kênh đầu tư an toàn, nộp tiền theo tiến độ, tỷ suất lợi nhuận cho thuê căn hộ cao.
Trước những rủi ro tiềm tàng, người mua có tâm lý nhanh tay sở hữu nhà trước khi tăng giá do khan hiếm nguồn cung và chính sách tài khoá siết chặt.
Về phần mình, giới chuyên gia cũng cho rằng đây là thời điểm thị trường đang mất thanh khoản, do đó trừ khi có nhu cầu ở thật, người dân chỉ nên đầu tư dài hạn.
Tam Nông, Phú Thọ sắp đấu giá 19 lô đất, khởi điểm từ 420 triệu đồng/lô
Đơn vị có tài sản là UBND huyện Tam Nông. Đơn vị tổ chức đấu giá là Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản - Sở Tư pháp Phú Thọ, điện thoại: 0210 3844 209.
Vị trí khu đất đấu giá bao gồm một lô đất ở tại khu 6, thị trấn Hưng Hóa; một lô tại khu Gò Lầm, xã Lam Sơn; một lô tại Xứ Đồng Đa Cộc, khu 12, xã Hương Nộn và 16 lô đất ở tại khu 6, Xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Các lô đất có diện tích từ 120 m2 đến 293,8 m2/lô, giá khởi điểm mỗi lô từ 420 triệu đồng đến 995,85 triệu đồng/lô. Tiền đặt trước từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/hồ sơ tham gia đấu giá.
Hiện trạng đất đã được UBND huyện Tam Nông thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chuyển mục đích sử dụng thành đất ở.
Xem tài sản trong hai ngày 24 và 25/5. Khách hàng liên hệ với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản - Sở Tư pháp Phú Thọ hoặc phòng Tài chính kế hoạch – UBND huyện Tam Nông để được hướng dẫn xem tài sản.
Bán hồ sơ tham gia đấu giá từ nay đến ngày 9/6 tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản - Sở Tư pháp Phú Thọ và phòng Tài chính kế hoạch – UBND huyện Tam Nông.
Khách hàng nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá cùng phiếu trả giá gửi qua đường bưu chính bằng hình thức gửi bảo đảm đến địa chỉ Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản hoặc phòng Tài chính kế hoạch – UBND huyện Tam Nông từ nay đến ngày 9/6.
Đấu giá theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp theo phương thức trả giá lên vào lúc 7h30 ngày 12/6 tại Hội trường Trung tâm hội nghị huyện Tam Nông.
Tiến Hoàng/KTDU