Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin bất động sản 24/5: Giá nhà đất sẽ hạ nhiệt khi nguồn vốn vào bất động sản bị kiểm soát

Những thông tin đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề xuất cách chặn phân lô bán nền; Đồng Nai dự kiến đấu giá 105 khu đất ở, thương mại dịch vụ, giá khởi điểm 12.900 tỷ…

Giá nhà đất sẽ hạ nhiệt khi nguồn vốn vào bất động sản bị kiểm soát

Siết vốn, sốt đất sẽ hạ nhiệt?

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), tính đến hết quý I/2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,24% so với đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng trên 5% dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế. Tốc độ tăng dự nợ tín dụng bất động sản đã chậm lại sau nhiều năm, là kết quả của việc kiểm soát, thắt chặt nguồn tiền đổ vào ngành này.

Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tài trợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản hiện tại chỉ chiếm khoảng 35% - tương đương 0,78 triệu tỷ đồng, phần lớn là các khoản cho vay mua và sửa chữa nhà ở. 

"Như vậy, nguồn vốn tín dụng ngân hàng dành cho kinh doanh bất động sản (đầu tư các dự án bất động sản) không chỉ giảm tốc, mà còn giảm cả về tỷ trọng. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản muốn duy trì tốc độ tăng trưởng bình thường, buộc phải tìm các nguồn vốn khác.

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những lựa chọn hàng đầu nhưng các doanh nghiệp bất động sản sẽ không còn tự do phát hành trái phiếu như trước, bởi sự can thiệp hủy bỏ kết quả phát hành là điều khó dự đoán. Đồng thời, mục đích phát hành đang được các cơ quan chức năng kiểm soát gắt gao, tránh những hệ lụy có thể ảnh hưởng đến nhà đầu tư cá nhân", Hiệp hội nhận định.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2021 và đầu năm 2022, nguồn cung bất động sản tại các địa phương trên cả nước đều hạn chế và có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong khi giá nhà ở bất động sản đã tăng cao so với thu nhập trung bình của người dân. 

Tình trạng lệch pha cung cầu thể hiện rõ nét trong hai năm gần đây, khi loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021 (0%), trong lúc nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, dẫn đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và thị trường bất động sản chưa tương xứng với tiềm năng.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề xuất cách chặn phân lô bán nền

HoREA cho biết, từ năm 2017 đến nay tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng cò đất lần gây ra các cơn sốt ảo giá đất đi liền với tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Việc này tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan giúp nhà đầu tư thoả mãn nhu cầu
Ảnh minh họa.

Theo Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng nguyên nhân của tình trạng này có thể bắt nguồn từ bất cập của một số quy định dưới luật cho phép tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Do đó, rất cần sửa đổi một số quy định của các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Đồng thời bổ sung vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để các văn bản dưới luật sát với thực tiễn hơn. Pháp luật về đất đai cần quy định cơ chế, điều kiện để giải quyết nhu cầu của người dân muốn được tách thửa đất đối với đất nông nghiệp nằm xen kẽ với đất ở trong cùng thửa đất, hoặc là thửa đất độc lập tại đô thị, điểm dân cư nông thôn.

Việc quy định rõ để vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, vừa đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ và phù hợp với quy hoạch.

Luật Đất đai 2013 quy định đối với các trường hợp giao đất ở khác thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên, khi thực hiện quy định đấu giá công khai các lô đất ở đã xảy ra tình trạng nhiều người trúng đấu giá không phải là người dân tại xã đó mà là người từ đô thị hoặc các địa phương khác tranh mua, nhưng không có nhu cầu thực Mua đất cất nhà để ở mà chỉ nhằm mục đích bán lại kiếm lời. Từ đó giới đầu nậu, cò đất gây ra các cơn sốt ảo giá đất tại địa phương.

Do vậy, cần bổ sung quy định đối tượng tham gia hộ đấu giá các lô đất ở phải là người trong xã. Nếu người dân trong xã không tham gia mới cho phép người ngoài xã tham gia đấu giá đất.

Đồng Nai dự kiến đấu giá 105 khu đất ở, thương mại dịch vụ, giá khởi điểm 12.900 tỷ

Đồng Nai: Dự kiến đấu giá 105 khu đất ở
Đồng Nai dự kiến đấu giá 105 khu đất ở, thương mại dịch vụ (Ảnh minh họa)

Theo đó, các khu đất sắp đấu giá đa số có quy hoạch là đất ở và đất thương mại dịch vụ thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án.

Hầu hết những khu đất “vàng” của Đồng Nai dự tính sẽ được đem ra đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới được quy hoạch và khai thác từ những vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh đã, đang và sắp được mở ra.

Theo dự tính, nguồn vốn thu được từ đấu giá các khu đất lợi thế sẽ sử dụng đầu tư các công trình giao thông tạo thuận lợi cho các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều khu đất “vàng” của Đồng Nai không phải là những khu đất có sẵn mà được các địa phương cũng như cấp tỉnh tạo ra khi mở mới các tuyến đường giao thông kết nối với các vùng phụ cận.

Dự tính từ nay đến năm 2025, Đồng Nai sẽ thu về từ đấu giá đất hàng chục ngàn tỷ đồng, số tiền này được sử dụng đầu tư các dự án giao thông quan trọng của tỉnh như: đường ven sông Đồng Nai, đường ven sông Cái, đường trung tâm TP. Biên Hòa, đường vành đai 1, đường liên cảng, các tuyến đường tỉnh…

TP Quy Nhơn sẽ có khu đô thị 2.300 tỷ đồng

https://cdn.vietnammoi.vn/1881912202022777/images/untitled-20220523104034996.png?width=813
1 góc TP Quy Nhơn hiện nay. (Ảnh: Báo Bình Định)

Theo Báo Bình Định, UBND tỉnh vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất Khu đô thị Vân Hà (khu phố 2, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn).

Dự án có diện tích khoảng 50 ha, là khu đô thị mới kết hợp chỉnh trang đô thị (nhà ở thấp tầng, nhà ở cao tầng hỗn hợp); các công trình thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục. Quy mô dân số dự kiến khoảng 14.000 người.

Sơ bộ chi phí thực hiện dự án hơn 2.303 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất). Tiến độ thực hiện toàn bộ dự án không quá 5 năm kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được công nhận làm chủ đầu tư dự án.

Việc đầu tư khu đô thị Vân Hà nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: