Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: hủy 12 dự án khu dân cư tại huyện Long Thành; giá bất động sản liên tục leo thang, có sự phân hóa rõ rệt khi mua; phê duyệt quy hoạch khu đô thị Cù lao Bến Đình…
Hủy 12 dự án khu dân cư tại huyện Long Thành
Theo UBND H.Long Thành, HĐND tỉnh đã ban hành quyết định hủy bỏ 12 dự án khu dân cư trên địa bàn huyện đã được đưa vào danh mục thu hồi đất nhưng quá thời hạn 3 năm chưa triển khai.
Những dự án trên đa số thuộc địa bàn các xã: Long An, Long Phước, Phước Bình, Tam An và TT.Long Thành, có tổng diện tích gần 220ha. Trong đó, một số dự án khu dân cư có diện tích đất lớn bị hủy bỏ là: khu đô thị dịch vụ cao cấp hơn 50ha ở xã Tam An, khu dân cư An Thuận mở rộng giai đoạn 2, 3 thuộc xã Long An có diện tích gần 100ha, khu dân cư Cầu Xéo ở TT.Long Thành gần 30ha.
Những dự án quá hạn không triển khai và HĐND tỉnh đã có quyết định hủy bỏ phải công bố rộng rãi cho người dân trong khu vực dự án biết và địa phương phải tiến hành thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ trên thửa đất cho người dân theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 nếu như họ có nhu cầu.
Các dự án khu dân cư bị hủy bỏ trên đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhiều năm nhưng không được nhà đầu tư triển khai thực hiện theo đúng lộ trình đã cấp phép.
Phê duyệt quy hoạch khu đô thị Cù Lao Bến Đình
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 1208/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị Cù lao Bến Đình (TP Vũng Tàu).
Khu đô thị có diện tích khoảng 110,77 ha, quy mô dân số dự kiến 17.000 người. Khu vực lập quy hoạch thuộc địa phận các phường 5, 9, Thắng Nhì (TP Vũng Tàu).
Tính chất quy hoạch là khu đô thị mới hiện đại với chức năng hỗn hợp gồm nhà ở - dịch vụ thương mại - văn phòng, bảo đảm kết nối đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Không gian đô thị được chia thành các khu chức năng chính như: khu trung tâm là tổ hợp, khu dịch vụ du lịch tại phía Tây Bắc, khu công trình công cộng dịch vụ, khu công viên cây xanh, khu dân cư...
Giá bất động sản liên tục leo thang, có sự phân hóa rõ rệt khi mua
Theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản của JLL, tại TP. HCM 3 tháng đầu năm thường là quý thấp điểm trong năm do các đợt nghỉ lễ và Tết Nguyên đán kéo dài. Theo đó, nguồn cung mới trong quý chỉ đạt 1,518 căn hộ, giảm 76,6% so với quý trước.
Citi Grand ở Quận 2 là dự án duy nhất mở bán mới trong quý này với tổng 666 căn. Nguồn cung còn lại đến từ các dự án đang được mở bán, tập trung ở phân khúc Cao cấp trở lên như dự án Grand Marina và Thảo Điền Green.
Nhu cầu dịch chuyển tương đồng với nguồn cung mới, trong đó tổng lượng bán trong quý I/2022 đạt 1.507 căn, giảm 74,1% so với quý trước. Thị trường ghi nhận phân hóa nhu cầu giữa nhóm khách mua đầu tư và khách ở do động thái siết tín dụng cho vay bất động sản của ngân hàng nhà nước. Trong khi chính sách vay mua nhà hạn chế có tác động nhất định đến nguồn cầu đầu cơ và kể cả để ở, các chương trình ưu đãi hấp dẫn của chủ đầu tư vẫn thu hút sự chú ý của nhóm khách đầu tư dài hạn từ vốn nhàn rỗi.
Mặt bằng giá tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới Trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường TP. HCM ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm vào khoảng 11,8% theo năm trong bối cảnh nguồn cung dẫn dắt nhu cầu. Sự cải thiện về chất lượng của nguồn cung trước bối cảnh nhu cầu ngày càng yêu cầu cao giúp cải thiện mặt bằng giá ở thị trường sơ cấp, đạt mức 2.927 USD/m2.
Quỹ đất ngày càng khan hiếm cũng góp phần thúc đẩy vào xu hướng tăng giá bán căn hộ. Tại KĐT Thủ Thiêm, sự kiện đấu giá đất vào tháng 12/2021 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của người mua vào khu vực này, khiến giá bán sơ cấp trung bình tại KĐT tăng 3,0% theo quý, cao hơn 2,5% so với mức tăng cùng kỳ quý trước. Tuy nhiên, để giữ nhịp nhu cầu trong bối cảnh giá bán tăng mạnh, các ưu đãi về phương thức thanh toán và chương trình chiết khấu vẫn được các Chủ đầu tư áp dụng rộng rãi.
JLL dự báo, sự gia nhập của nhiều dự án phân khúc Sang Trọng như Heritage West Lake (Tây Hồ) hoặc Siêu Sang như The Grand (Hoàn Kiếm) được dự đoán sẽ đẩy giá bán sơ cấp trên toàn thị trường tiếp tục tăng.
Trong bối cảnh ngân hàng siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, nguồn cung và cầu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Đối với các chủ đầu tư nhỏ lẻ, việc khó tiếp cận nguồn vốn có thể khiến dự án bị chậm tiến độ, giảm quy mô xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ bán hàng và tốc độ hoàn vốn. Trong khi đó, nguồn cầu từ nhóm khách mua đầu tư sẽ giảm và nhóm khách mua ở thực cần sử dụng đòn bẩy tài chính để mua căn hộ cũng gặp phải khó khăn trong thời gian tới.
Thái Nguyên: Chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu dân cư Bách Quang
Dự án Khu dân cư Bách Quang được phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định số: 84/QĐ-UBND của UBND thành phố Sông Công ngày 14/01/2019.
Việc UBND tỉnh Thái Nguyên cấp chủ trương đầu tư cho Dự án Khu dân cư Bách Quang là nhằm mục tiêu huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng một khu nhà ở có vị trí thuận lợi, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, không gian cảnh quan đẹp, hài hòa và thân thiện với môi trường. Đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, nâng cao thu nhập và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo Quyết định, dự án có quy mô dự kiến sử dụng trên 134.480 m2. Trong đó, đất ở quy hoạch mới với trên 54.078 m2; đất công trình công cộng trên 4.670 m2; đất cây xanh công viên, cảnh quan với gần 7.200 m2; đất cây xanh cách ly hành lang điện là 3.520 m2. Đặc biệt, dự án dành 62.000 m2 để xây dựng đường giao thông và trên 2.970 m2 đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Dự kiến tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) là trên 292,100 tỷ đồng. Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án phải huy động nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án theo quy định (trong đó vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án). Dự án được hoạt động trong 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Địa điểm thực hiện dự án: Phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2022 đến hết năm 2024./.
Thanh Hóa: Điều chỉnh quy hoạch đô thị ven biển Diêm Phố
Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc và Minh Lộc. Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 2.504 ha (bao gồm toàn bộ diện tích xã Ngư Lộc, Hưng Lộc và Đa Lộc) và nghiên cứu thêm khoảng 250 ha diện tích mặt nước biển.
Đô thị ven biển (Diêm Phố), được quy hoạch theo Quyết định số 1828/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ký ngày 30/5/2016.
Khu đô thị là đô thị loại V, là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội với chức năng phát triển kinh tế biển, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 70.000 người.
Nội dung đồ án Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung đô thị Ven Biển (Diêm Phố), huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045 được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, trong đó cần phân tích và làm rõ cơ sở hình thành phát triển của đô thị; nghiên cứu về mô hình, cấu trúc phát triển không gian; định hướng kiến trúc, cảnh quan môi trường phù hợp với tính chất, chức năng của đô thị; xác định các giai đoạn 4 phát triển, kế hoạch thực hiện, các dự án có tính chất tạo động lực hình thành phát triển đô thị mới và mô hình quản lý phát triển đô thị.
Giải pháp hệ thống công trình bảo vệ cũng như quy mô kết cấu đối với các hạng mục công trình trong quy hoạch phù hợp để đảm bảo ổn định, an toàn trong quá trình thi công và khai thác sử dụng (do khu vực quy hoạch dự án có phần cửa sông, bãi biển thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió, bão, nước biển dâng).
Lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai vào nội dung của quy hoạch quy định tại Điều 16 Luật Phòng chống thiên tai trong đó chú trọng giải pháp phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ biển, cảnh báo nước dâng, sóng thần.
Tiến Hoàng/KTDU