Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin nông sản 6/8: Kỳ vọng đột phá với nông nghiệp công nghệ cao

Những nội dung chính có trong bản tin hôm nay: Đa dạng thị trường tiêu thụ nhãn tươi; dự báo, xuất khẩu rau quả sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2022; giá sầu riêng tăng trở lại…

Kỳ vọng đột phá với nông nghiệp công nghệ cao

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao khiến nông dân “phát sốt“ | VOV.VN

Tỉnh Đồng Nai là địa phương cung ứng số lượng lớn nông sản cho thị trường phía Nam và cả nước. Hiện địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu Đồng Nai đặt ra là không chỉ tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng mà còn góp phần đưa ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh theo hướng hiện đại và bền vững.

Là một trong những nông dân của tỉnh Đồng Nai giàu lên nhờ sớm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, ông Lâm Thanh Đức (chủ trại gà Thanh Đức, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã xây dựng và phát triển trang trại của mình theo mô hình hoàn toàn khép kín từ khâu cho ăn đến thu hoạch, xử lý và đóng gói. Trang trại của gia đình ông Đức đã đầu tư hệ thống tự động thu gom phân gà để chế biến thành phân vi sinh, xử lý được mùi hôi thối và khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

“Với quy mô chăn nuôi hơn 270.000 con gà theo dây chuyền khép kín, trang trại của gia đình tôi chỉ cần 15 lao động, trong khi nuôi theo cách truyền thống cần hơn 80 người. Tôi chỉ cần kiểm tra phần mềm máy tính gắn với mạng lưới camera giám sát là nắm được mọi hoạt động của trang trại, kể cả lượng nước uống, thức ăn tiêu thụ hằng ngày của vật nuôi. Sản phẩm của trang trại hiện tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang Nhật Bản”, ông Lâm Thanh Đức nói.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) Nguyễn Quang Phương cho biết, từ nay đến năm 2030, huyện Vĩnh Cửu sẽ triển khai 15 dự án trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nên huyện đã quy hoạch quỹ đất để phát triển với diện tích gần 750ha thuộc các xã: Trị An, Bình Lợi… Trong đó, có 5 dự án nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu…

Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) Nguyễn Thị Cát Tiên chia sẻ, để kêu gọi các dự án nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến, huyện thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi với nhà đầu tư, đối tác liên kết. Đặc biệt, huyện chú trọng quy hoạch các vùng phát triển khu công - nông nghiệp công nghệ cao tại các xã: Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hòa… từ đó mời gọi được nhiều “doanh nghiệp lớn” tham gia như: Tập đoàn VinGroup dự kiến đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao 200ha tại xã Xuân Trường và thị trấn Gia Ray; Công ty Việt Úc đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao gần 500ha tại xã Xuân Tâm…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ, địa phương sẽ tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án sản xuất, chế biến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song song đó là tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các dự án cánh đồng lớn để liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ nông dân, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đa dạng thị trường tiêu thụ nhãn tươi

Quả nhãn Việt tìm cách xuất ngoại thời COVID-19

Bước vào vụ thu hoạch năm nay, nhiều nhà vườn ở thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) phấn khởi vì nhãn được mùa. Bác Bùi Xuân Tám, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên cho biết: “Năm nay, các vườn nhãn ở trong thôn đều được mùa lớn. Gia đình tôi trồng gần hai mẫu nhãn cho thu hơn 13 tấn quả tươi. Nhưng phấn khởi nhất là nhãn đầu vụ đang được giá, gia đình tôi bán mỗi ngày hơn hai tạ quả tươi, giá 35 nghìn đồng/kg. Mặc dù vậy, các nhà vườn cũng đang lo lắng bởi nhãn chính vụ chuẩn bị thu hoạch rộ, không biết giá nhãn sẽ còn giữ được hay giảm sâu?”.

Thành phố Hưng Yên là “thủ phủ” của giống nhãn lồng đặc sản với diện tích hơn 1.000ha và được trồng ở nhiều địa phương. Theo Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên Cao Cường, sản lượng nhãn năm nay của thành phố đạt khoảng 13.000 tấn, tăng hơn 30% so với vụ nhãn năm trước. Theo đánh giá, việc tiêu thụ nhãn năm nay có nhiều thuận lợi do diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP lớn, những giống nhãn ngon như: nhãn cùi, nhãn đường phèn… được trồng ngày càng nhiều nên các doanh nghiệp, tư thương đến đặt hàng mua. Hơn nữa, việc bán hàng trực tuyến và trên sàn giao dịch điện tử… cũng đang được bà con nông dân quan tâm thực hiện nên giảm áp lực đầu ra hơn rất nhiều so với những niên vụ trước.

Huyện Sông Mã là địa phương có diện tích trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Sơn La với gần 7.500ha, trong đó có 6.000ha đang cho quả, dự kiến sản lượng vụ này khoảng 60.000 tấn. Để bảo đảm quả nhãn tươi được tiêu thụ tốt, huyện đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ. Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lò Văn Sinh cho biết: “Cây nhãn đang từng bước khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực trên địa bàn.

Dự báo, xuất khẩu rau quả sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2022

Xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm giảm 17%

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong quý II/2022 đạt 830,2 triệu USD, giảm 2,2% so với quý trước, giảm 21,7% so với quý II/2021. Trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,68 tỷ USD, giảm 17,1% so với năm 2021.

Tháng 7/2022 xuất khẩu rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp, ước đạt 260 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 6/2022, nhưng giảm 1,8% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu rau quả đạt ước 1,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động thông quan mặt hàng rau quả qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc thuận lợi hơn.

Cục Xuất Nhập khẩu nhận định, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng sang thị trường này, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, bởi nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Giá sầu riêng tăng trở lại

Cập nhật giá sầu riêng hôm nay 2020 (Mới nhất) | Bản Tin Đắk Lắk

Theo Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc, giá sầu riêng dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và địa bàn, tăng hơn tháng trước khoảng 10.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, mỗi ha chuyên canh sầu riêng thu hoạch đúng thời điểm hiện nay cho nông dân nguồn thu từ 1,1 - 1,2 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận đạt khoảng 60% tổng nguồn thu.

Ông Huỳnh Tấn Lộc đánh giá, sầu riêng có giá trở lại nhờ điểm nghẽn về lưu thông hàng hóa được tháo gỡ; cuối vụ thu hoạch nên nguồn cung có hạn trong khi nhu cầu thị trường cao; nỗ lực địa phương trong xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa nói chung và trái sầu riêng nói riêng đang mang lại kết quả nhất định…

Nông dân Ngô Thành Trung (ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp) canh tác 7.000 m2 sầu riêng giống RI6 và Mong Thong cho biết, tuy giá sầu riêng đang lên nhưng diện tích cho thu hoạch ở vùng chuyên canh không nhiều bởi thời điểm này, sầu riêng tại Tiền Giang đã vào cuối vụ thu hoạch chính vụ. Đa phần nông dân đang xử lý cho vụ nghịch dự kiến đến gần cuối năm mới cho thu hoạch rộ. Khu vườn của ông Trung đang xử lý, mới ra hoa và sẽ thu hoạch rộ vào khoảng tháng 10 âm lịch tới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có trên 16.000 ha sầu riêng, tập trung ở các huyện, thị vùng kiềm soát lũ phía Tây với sản lượng thu hoạch vào khoảng 300.000 - 320.000 tấn/quả năm, là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao; trong đó, lượng sầu riêng xuất khẩu chiếm đến 70% tổng sản lượng, còn lại tiêu thụ ở các thị trường chính là Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc và khu vực TP Hồ Chí Minh.

Tiến Hoàng/KDTU

Từ khóa: