Sự kiện hot
12 năm trước

Bánh bình tinh Quảng Ngãi

Có dịp về thăm vùng núi Ấn sông Trà, bên cạnh món kẹo gương đậu phụng, kẹo mạch nha... chắc chắn du khách không khỏi bất ngờ khi được nhâm nhi những chiếc bánh bình tinh với màu sắc nhẹ nhàng, quyến rũ.

Có dịp về thăm vùng núi Ấn sông Trà, bên cạnh món kẹo gương đậu phụng, kẹo mạch nha... chắc chắn du khách không khỏi bất ngờ khi được nhâm nhi những chiếc bánh bình tinh với màu sắc nhẹ nhàng, quyến rũ.


Bánh bình tinh với đủ sắc màu - Ảnh: Thanh Ly

Từ lâu cây bình tinh  đã gần gũi, gắn bó với người dân Quảng Ngãi. Ở vùng nông thôn Quảng Ngãi nhà nào ít thì trồng vài bụi, nhiều thì cả một khoảnh vườn lớn. Củ bình tinh có thể luộc để ăn với vị bùi bùi ngọt ngọt. Thời kinh tế còn khó khăn, người Quảng Ngãi dùng bột bình tinh làm món ăn dặm cho trẻ nhỏ. Những hôm bụng hơi đói, nếu nhà có sẵn bột bình tinh bắc nồi nấu thành những chén bột chín rồi ngồi nhâm nhi thì không gì ngon bằng.

Để làm được mẻ bánh bình tinh thơm ngon, giữ nguyên hương vị và vẹn màu trắng tinh phải chuẩn bị khá công phu từ khâu làm bột. Người ta đào củ bình tinh, chọn những củ già rồi xay thành bột, đem về lọc với nước giếng, ngâm một đêm cho tinh bột lắng xuống, kết tinh lại dưới đáy, bà con đem bột đi phơi nắng để dành dùng dần.

Mỗi vùng miền, mỗi địa phương trên đất nước ta đều có rất nhiều món ngon quà vặt, riêng Quảng Ngãi bánh bình tinh chính là đặc sản riêng có khiến ai đến rồi đi đều cố tìm để được một lần thưởng thức.

Mỗi lần làm bánh phải mang bột phơi sương, sau đó cho bột vào bao cột kín, cứ 3 lần phơi sương như thế bột mới trắng như sữa, sờ vào mát mịn cả da tay và khi làm bánh bột dễ kết dính, bánh in ra mịn và đẹp. Sau đó là rang bột với lá dứa, chọn khóm lá dứa xanh tươi nhất, rửa sạch cắt đoạn ngắn (chừng 20 cm), cho vào chảo cùng với bột bình tinh, rang nhỏ lửa (nếu rang với lửa quá lớn thì bột dễ bị cháy khét, ngả màu vàng sẽ mất đi hương thơm tự nhiên của bình tinh).

Tay đảo đều cho đến khi lá dứa chuyển màu xanh rêu, hương lá dứa thơm nồng  là lúc bột chín. Đợi bột nguội, dùng rây lược bỏ lá dứa.

Nhiều du khách ưa bánh bình tinh ở dáng hình và màu sắc. Khi làm bánh, những người thợ khéo tay vắt nước cốt dừa, cho vào một lượng đường vừa đủ nhấc lên bếp thắng sệt lại. Nước cốt dừa đã thắng với đường chia làm hai, một phần để nguyên, phần còn lại trộn với nước lá dứa để tạo màu xanh. Muốn có bánh màu hồng, cam... có thể trộn với màu thực phẩm. Sau khi trộn với màu, phải cẩn thận nấu nước dừa sôi lên lần nữa trước trộn bột làm bánh.

Đặc trưng của bánh bình tinh Quảng Ngãi là có vị mát của bột, ngọt dịu của đường và hương lá dứa cứ thoang thoảng khi miếng bánh tan chảy nơi đầu lưỡi. Quyết định đặc điểm trên phần nhiều phụ thuộc vào công đoạn trộn bột. Cho bột vào nước dừa đã phân, nhồi trộn bột từ từ từng ít một, để bột vừa đủ độ ẩm, không được ướt hoặc khô quá, như vậy bánh sẽ không chắc và khó kết dính (theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, bột nắm chặt lại sau đó mở tay ra nếu thấy khối bột kết dính, không bị vỡ là đạt yêu cầu).

Thường người ta in bánh bằng khuôn gỗ hoặc nhôm, bên trong khắc những hình thù khác nhau. Cho bột vào đầy các lỗ khuôn, ém chặt bột, úp ngược mặt khuôn xuống và gõ nhẹ đáy khuôn để lấy bánh ra.

Khi thành phẩm, những chiếc bánh bình tinh có bề mặt khô ráo, hoa văn đẹp, cấu trúc bánh chắc. Bẻ một miếng bánh bình tinh cho vào miệng nhai và nuốt đến đâu cảm giác vị ngọt, thanh lan tỏa đến đó. Thật thú vị! Có lẽ cũng bởi thế nên dù chỉ là chiếc bánh đồng quê bình dị, dân dã nhưng bánh bình tinh luôn là niềm kiêu hãnh của người dân "quê mía xứ đường" này.

Thanh Ly
theo TTO

Từ khóa: