Tôi hỏi anh bạn người Phan Rang (Ninh Thuận) chính gốc, món ngon ở đây là gì. Không cần suy nghĩ, anh quả quyết trả lời ngay hai chữ: bánh căn.
Tôi hỏi anh bạn người Phan Rang (Ninh Thuận) chính gốc, món ngon ở đây là gì. Không cần suy nghĩ, anh quả quyết trả lời ngay hai chữ: bánh căn.
Ảnh: Tấn Trực
Một đêm cuối mùa xuân, chúng tôi bước vào khu ẩm thực chợ trung tâm. Những hàng bánh căn đông đầy khách. Người đến ngồi xúm xa xúm xít lau đũa, lau muỗng, múc mắm chờ ăn bánh nóng. Đều đặn mỗi lượt bánh chín là một đĩa dọn lên bàn cho khách, bánh bốc hơi thơm phưng phức, khách ăn mãi đến lúc bụng no mà vẫn chần chừ chưa muốn ra về.
Hỏi về cách chế biến, cô chủ quán vui vẻ cho hay nguyên liệu để làm loại bánh này là gạo hạt tròn, loại gạo cũ thì bánh sẽ dẻo thơm. Gạo ngâm rồi xay nhuyễn, khi xay bột thường trộn thêm vào một ít cơm nguội phơi khô để cho bánh được giòn, thêm ít nghệ để bánh có màu vàng tươi nếu thích, rồi cách pha bột cũng phải đúng kỹ thuật...
Bánh căn có nhiều loại, tùy theo sở thích của từng người mà chủ quán sẵn sàng chiều ý. Nếu ai ngán thịt, tôm, mực, chỉ thích ăn bánh thì trong vòng vài phút có ngay đĩa bánh chỉ đúc bột với ít dầu có pha thêm ít hẹ. Loại bánh này có ưu điểm là bình dân nhưng ngon, người ăn sẽ cảm giác được hương thơm của gạo, mùi vị đặc trưng của bánh căn từ truyền thống và nguồn gốc hình thành của ngày xưa.
Nếu ai thích ăn bánh căn tôm, mực hay thịt, trứng thì chủ quán cũng nhanh tay phục vụ. Ăn bánh căn Phan Rang ta cảm nhận được độ giòn nhẹ của vỏ bánh, độ mềm mịn của lớp bột bên trong, cái béo ngọt của tôm mực, của trứng cùng mùi thơm, cay nhẹ của nước chấm, vị chua của xoài xanh...
Đào Tấn Trực
Theo TNO