Bánh giá Chợ Giồng không chỉ là món ăn bình dân, mà nó còn được hiện diện trang trọng trong các bữa tiệc thịnh soạn (cưới hỏi, tân gia, giỗ chạp...) ở vùng Gò Công, Tiền Giang.
Bánh giá Chợ Giồng không chỉ là món ăn bình dân, mà nó còn được hiện diện trang trọng trong các bữa tiệc thịnh soạn (cưới hỏi, tân gia, giỗ chạp...) ở vùng Gò Công, Tiền Giang.
Ảnh: Lưu Hường
Câu ca dao: “Một mai em gái theo chồng/Còn đâu bánh giá Chợ Giồng mời anh” đã khẳng định sức “mê hoặc” của một món ăn khoái khẩu và là đặc sản chợ Giồng. Có dịp đến Gò Công, đừng quên ghé lại hàng bánh dung dị bên đường để thưởng thức món này.
Muốn làm bánh giá phải chuẩn bị các nguyên liệu như: thịt heo nạc, tôm đất, giá, nấm rơm, nấm mèo (mộc nhĩ), cải bắc thảo, bột gạo, bột đậu nành, óc heo, dầu thực vật. Để bánh được ngon, giòn phải tẩm chung bột gạo với đậu nành theo tỷ lệ 1:1 và óc heo rồi đem ủ khoảng 2-3 giờ, sau đó mới đem chiên. Xong phần pha chế bột, người ta bắc chảo dầu lên bếp than đun cho dầu sôi. Kế tiếp, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào vá và nhúng vá ấy vào chảo đến khi chiếc bánh có màu vàng sậm là vừa chín tới. Mỗi chảo chiên từ 4-5 vá. Người làm bánh phải thật khéo léo thì con tôm sẽ luôn nằm trọn vẹn trên mặt bánh đỏ au, trông rất bắt mắt.
Ăn kèm với bánh giá có bún, rau sống và nước mắm tỏi ớt. Rau sống xắt nhỏ cho vào tô, từng cọng bún được gỡ rời ra, kế đến bánh giá xé hoặc cắt nhỏ ra xếp lên trên cùng, rưới nước mắm tỏi ớt cho vừa ăn. Khi ăn trộn đều bánh, bún, rau sống cho thấm đều nước mắm. Cái giòn béo của bột năng, bột gạo, vị ngọt của tôm, vị béo của gan heo, cái dai của giá chín, mùi thơm của rau sống cộng với vị chua cay, mặn ngọt... của nước mắm tỏi ớt quả thật là một món ăn rất khoái khẩu.
Lưu Hường
Theo Thanhnien