Sự kiện hot
13 năm trước

Bảo đập Sông Tranh 2 an toàn là... rất lạ!

GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi với tư cách là chuyên gia độc lập lại nói: Tôi có thể khẳng định đập Sông Tranh 2 không an toàn. Nước chảy ầm ầm như vậy mà bảo an toàn tôi thấy rất lạ!

GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi với tư cách là chuyên gia độc lập lại nói: Tôi có thể khẳng định đập Sông Tranh 2 không an toàn. Nước chảy ầm ầm như vậy mà bảo an toàn tôi thấy rất lạ!

Sáng 18/5, đoàn công tác của Vụ khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đã có cuộc kiểm tra sự cố tại hồ chứa nước đập thuỷ điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam…

Đoàn công tác của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường dẫn đầu đã cùng lãnh đạo các bộ ngành liên quan và các nhà khoa học khảo sát, tiến hành giám sát công trình thuỷ điện Sông Tranh 2.

 
Những vết trám trét bằng xi măng ở trên bề mặt đập thượng lưu hồ chứa Sông Tranh 2.

Báo cáo với đoàn giám sát, đại diện EVN vẫn khẳng định đập Sông Tranh 2 an toàn. Mặc dù, nước vẫn tuôn chảy phía hạ lưu thân đập chính.

Các thành viên trong đoàn giám sát cho biết, nước trên hồ chứa đập Sông Tranh 2 đã rút xuống cao trình 156,8 m. Nghĩa là lượng nước trên lòng hồ giảm gần đến mực nước chết. Thế nhưng tại các khe nứt trên thân đập vẫn còn nhiều điểm chảy nước thành dòng.

Ông Phan Xuân Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng và chủ đầu tư giải trình những bất cập cũng như sự cố nứt thấm. Đoàn giám sát cũng đã yêu cầu làm rõ qui chuẩn trong quá trình thi công thuỷ điện Sông Tranh 2, nhất là việc thi công đập bằng công nghệ đầm lăn.

Đặc biệt, đoàn giám sát đã yêu cầu đánh giá tuổi thọ của công trình sau khi khắc phục sự cố. Vấn đề đặt ra hiện nay là do biến đổi khí hậu, có thể sẽ sinh lũ bất thường. Vậy phương án xử lý để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đập chính Sông Tranh 2, tránh thiệt hại cho vùng hạ lưu là gì?


Nước vẫn tuôn chảy từ thân đập chính ở bề mặt hạ lưu đập Sông Tranh 2.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị cần có đánh giá tổng thể về sự cố đập Sông Tranh 2 như chất lượng bê tông, sự cố nứt, chảy do nguyên nhân nào? Chủ đầu tư cần minh bạch hoá thông tin về sự cố để giúp an dân.

Ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng cần thiết thành lập đoàn chuyên gia độc lập để xác định có hay không việc có vết nứt trong thân đập.

'Cần phải có luận chứng khoa học để khẳng định đập Sông Tranh 2 an toàn hay không an toàn!' - ông Nhân yêu cầu.

Trong khi đó, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đặt câu hỏi: Khi xảy ra sự cố đập, tại sao chủ đầu tư không tìm ra nguyên nhân mà vội vã xử lý?

Với tư cách là chuyên gia về thuỷ lợi, GS Nguyễn Thế Hùng (ĐH Bách khoa Đà Nẵng, thành viên đoàn giám sát) cho rằng, vấn đề thiết kế đập Sông Tranh 2 có vấn đề, chưa hợp lý. Cần phải có nghiên cứu đầy đủ về thiết kế, thi công để đánh giá một cách toàn diện về sự cố nứt đập chảy nước.

GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi với tư cách là chuyên gia độc lập lại nói: Tôi có thể khẳng định đập Sông Tranh 2 không an toàn. Nước chảy ầm ầm như vậy mà bảo an toàn tôi thấy rất lạ!

Từ đó, ông Hồng yêu cầu cần phải đánh giá một cách toàn diện và mời chuyên gia nước ngoài đánh giá tổng thể tuổi thọ của công trình. Trước mắt, cần phải có các phương án, trong đó phương án di chuyển dân để đề phòng sự cố là vô cùng cần thiết hiện nay.

Vũ Trung
theo VietnamNet

Từ khóa: