Trong mấy ngày vừa qua, do nắng nóng kéo dài, tại các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh đã liên tiếp xảy ra cháy rừng. Gây hậu quả nặng nề nhất phải kể đến vụ cháy ở khu vực rừng thông tiểu khu 92A thôn 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vào khoảng 13h chiều 28/6/2019.
Hàng nghìn người cùng các phương tiện đã tham gia chữa cháy, nhưng do thời tiết nắng nóng gay gắt, lá thông dễ bắt lửa, cộng với gió Lào thổi mạnh nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát và lan rộng khiến việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê ban đầu, vụ cháy khiến hơn 30 ha rừng thông, keo, bạch đàn đã bị thiêu rụi.
Liên quan đến vụ cháy này, hiện Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Đình Thành (46 tuổi, trú xã Xuân Hồng) về tội Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, theo điều 313 Bộ luật Hình sự 2015.
Cũng trong ngày 28/6/2019, tại tại khu vực núi Bụt, xóm Làng Hội, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xảy ra cháy lớn. Do nắng nóng gay gắt, cộng thêm lớp thực bì dày, gió thổi mạnh nên đám cháy lan rất nhanh, khó dập tắt.
Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng huyện Can Lộc cùng người dân địa phương đã tiến hành các biện pháp chữa cháy. Phải đến 16h30’ cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được khống chế. Ước tính thiệt hại gần 3ha, chủ yếu là tràm, thông.
Cháy rừng ở Hà Tĩnh
Trước đó, ngày 27/6 tại huyện Hương Sơn, vào lúc 11h 30 phút, lửa bùng phát tại đồi keo ở khu vực thôn Trung Mỹ, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn sau đó lan rộng sang rừng thông gần khu vực đông dân cư. Phát hiện vụ việc, Hàng chục cảnh sát PCCC Công an huyện Hương Sơn cùng xe chuyên dụng phối hợp với chính quyền địa phương tiếp cận đám cháy triển khai phương án khống chế ngọn lửa. Do gió lớn cùng với địa hình đồi núi dốc, hẹp nên phải đến 18 giờ cùng ngày (27/6), các lực lượng mới khống chế được ngọn lửa với khu dân cư.
Hoặc mới đây nhất, vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 8/7/2019, tại khu vực núi Nầm thuộc địa phận xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh xuất hiện một đám cháy rừng. Do trời nắng nóng, gó thổi mạnh nên đám cháy rừng nhanh chóng lan rộng lên khu vực đỉnh Núi Nầm. Khu rừng bị cháy được xác định là rừng keo và thông.
Nhận được thông tin, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân, kiểm lâm và người dân đã được huy động dập lửa. Ngoài ra, nhiều xe chữa cháy của lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh được điều động đến hiện trường để dập lửa. Tuy nhiên, do nắng nóng và gió mạnh nên việc dập lửa gặp nhiều khó khăn.
Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, mặc dù đã có lệnh cấm đốt thực bì (đối với các khu rừng ở mức cảnh báo cháy rừng cấp 4 đến cấp 5), nhưng vẫn có hiện tượng người dân lén lút đốt thực bì. Mặt khác, không ít người dân lén lút khai thác mật ong rồi không chủ động dập tắt hẳn nguồn lửa. Cũng có trường hợp bất cẩn khi đốt phụ phẩm nông nghiệp tại những đồng ruộng giáp ranh với rừng.
Còn tại Nghệ An, trưa ngày 25/6/2019, người dân phát hiện khói, lửa bốc lên từ rừng thông ở Rú Thiên (gần chân núi Đại Huệ, thuộc địa bàn xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn). Cán bộ và người dân xã Nam Xuân đã dùng các phương tiện lên chữa cháy. Tuy nhiên, do trời nắng nóng gay gắt khiến lửa cháy lan nhanh. Phải đến 20 giờ cùng ngày, đám cháy mới được khống chế.
Cũng ở huyện Nam Đàn, vào chiều 30/6/2019, khi các đơn vị chức năng cùng người dân đang nỗ lực chữa cháy rừng khu vực xã Nam Kim, bà Nguyễn Thị Hoa sinh năm 1964 ở xóm Yên Vực bị tử vong khi đưa nước cho con trai dập lửa tại khu rừng nhà nhận trồng.
Công tác chữa cháy còn nhiều hạn chế
Theo số liệu thống kê, trong vòng 40 năm qua, trên cả nước đã xảy ra hơn 47.000 vụ cháy rừng lớn nhỏ, thiệt hại khoảng 633.000 ha rừng, thiệt hại về tiền ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, cháy rừng không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nó còn làm tăng nguy cơ lũ lụt, hạn hán, nhiều vùng sản xuất bị thiếu nước trầm trọng, tác động không nhỏ đến đời sống của con người.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm các loại: rừng thông, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng tràm, rừng phi lao… Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường đang làm nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng và cháy lớn ngày càng nghiêm trọng.
Ông Thành bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vì vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy
Có nhiều nguyên nhân các vụ cháy rừng xảy ra ở Việt Nam, nhưng phần lớn là do con người, chiếm xấp xỉ 90%. Trong đó, chủ yếu là do ở một số địa phương, người dân vẫn còn giữ thói quen đốt nương làm rẫy để lửa cháy lan; sử dụng lửa bất cẩn khi bắt ong; đốt thực bì, cỏ khô, rơm rạ để làm nương rẫy gần rừng... Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác gây cháy rừng như vật liệu cháy – tầng thảm mục dày, đặc biệt các vật liệu cháy tinh (nhỏ, dễ bắt lửa), nhiệt độ khô hanh kết hợp với gió làm cho ngọn lửa bùng phát và lan nhanh. Ở một số địa phương,
Trong các vụ cháy rừng, công tác chữa cháy thường gặp rất nhiều khó khăn là bởi phần lớn các vụ cháy xảy ra trên núi cao, địa bàn hiểm trở, xa nguồn nước, các phương tiện và lực lượng tiếp cận khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác cứu hỏa. Mặt khác, do việc trồng rừng thuần loài để phát triển kinh tế, quá trình trồng rừng không chú trọng đến việc xây dựng các đai xanh hoặc đai trắng để cản lửa cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho công tác chữa cháy.
Qua việc cháy rừng ở Hà Tĩnh, Nghệ An trong mấy ngày vừa qua cho thấy công tác phòng cháy còn nhiều hạn chế mà tồn tại bấy lâu nay như: Cả khu rừng rộng lớn bao quanh nhà dân, khu dân cư, cây xăng mà không có hệ thống băng đai xanh hoặc băng trắng phòng cháy; chữa cháy vẫn dùng phương tiện thô sơ để dập lửa như cành cây, dao phát, can đựng nước, máy thổi gió cộng với thời tiết khô nóng, gió lào làm ngọn lửa bùng phát và lan nhanh không kiểm soát nổi; một mặt vừa chữa cháy vừa phải di dời dân sống xung quanh ra khỏi khu vực cháy và sau 03 ngày chữa cháy huy động khoảng 15.000 người, đám cháy mới được khống chế, ước thiệt hại khoảng vài chục ha.
Nâng cao công tác phòng, chống cháy rừng
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện nay, tại các địa phương có rừng thuộc khu vực tây Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ vẫn đang trong thời kỳ cao điểm của đợt nắng nóng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cảnh báo, trên cả nước, nhiều địa phương có rừng đang có nguy cơ cháy rừng cao, trong đó rừng tại các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc có nguy cơ cháy rừng. Đồng thời, đề nghị các chủ rừng, chính quyền các địa phương thực hiện ngay biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Cần xóa bỏ thói quen đốt nương làm rẫy
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách. Trong đó, cần kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.
Đặc biệt, các địa phương phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng; cử Lãnh đạo và cơ quan chức năng xuống hỗ trợ các địa phương ứng trực và chỉ huy chữa cháy rừng... Còn Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng trong thời kỳ cao điểm.
Theo Công lý