Mặc dù từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sữa học đường, trong đó có yêu cầu Bộ Y tế xây dựng các tiêu chuẩn sữa cụ thể. Tuy nhiên, cho đến nay, quy chuẩn mà các doanh nghiệp và các bậc phụ huynh chờ đợi, các nhà trường kỳ vọng vẫn chưa thực sự rõ ràng, hay nói cách khác là vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn nào được ban hành.
Ban hành quy chuẩn sữa học đường, chậm trễ do đâu?
Năm học mới lại sắp bắt đầu, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp và các bậc phụ huynh đều đang rất mong mỏi sẽ sớm có quy chuẩn cho Sữa học đường.
Căn cứ theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Trong đó quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế là “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Theo đó, đến tháng 9/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Căn cứ theo nội dung Quyết định này, Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học. Quyết định trên cũng nêu rõ Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30/6/2017.
Tuy nhiên, phải đến ngày 6/7/2017, Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới có Công văn 351/VDD-DHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm kèm theo báo cáo kỹ thuật đề nghị tăng cường ít nhất 5 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào sữa học đường.
Gần 1 năm trôi qua, tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế mới đăng tải công khai trên website về Dự thảo Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020… Từ đó đến nay, đã có nhiều hội thảo góp ý về quy chuẩn đối với sữa tươi tham gia chương trình sữa học đường.
Được biết, sau đó Bộ Y tế tiếp tục ban hành Dự thảo 9.7 Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7.
Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, năm học mới cũng sắp bắt đầu, với nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa có thông tin Dự thảo 9.7 này khi nào sẽ được ký ban hành thì chưa ái dám trả lời.
Thực tế trên khiến dư luận thắc mắc: Vì sao việc ban hành thông tư quy định đối với sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường đến nay vẫn chậm trễ?
Doanh nghiệp sữa đồng thuận, vì sao Bộ Y tế chưa ban hành?
Tại cuộc họp góp ý Dự thảo Quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường do Bộ Y tế chủ trì diễn ra vào giữa tháng 6 vừa qua, một số doanh nghiệp sữa như: TH True milk, Vinamilk, Dalatmilk, Sữa Ba Vì, Nutifood, Cô gái Hà Lan đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh tầm quan trọng của việc cần sớm có quy chuẩn đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk cho biết: “Về dự thảo Quyết định tiêu chuẩn sữa tươi, quan điểm của TH sử dụng sữa tươi tiệt trùng để dùng trong chương trình và các loại vi chất sẽ sử dụng các vi chất mà Viện Dinh Dưỡng khuyến cáo, về nguyên liệu sữa đầu vào cần tuân thủ theo chất lượng quy định tại thông tư 29 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Ông Nguyễn Hòa - Phó Chủ tịch HĐQT NutiFood cũng chia sẻ: “Dự thảo quyết định lần này được biên soạn bám sát Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Về vi chất, thống nhất nên để vi chất bắt buộc, không để vi chất khuyến khích, nên chú ý khung hàm lượng vitamin vì vitamin sẽ bị giảm theo thời gian”.
Góp ý tại dự thảo, các công ty sữa đều thống nhất về việc bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường. Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc điều hành Nghiên cứu và phát triển của Vinamilk đưa ra ý kiến: “Công ty Vinamilk hiện đang quản lý hơn 50% số lượng đàn bò trên toàn quốc nên đáp ứng được nhu cầu sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, quan điểm của Vinamilk là sữa nào tốt nhất sẽ dành cho trẻ em, với kinh nghiệm triển khai Chương trình Sữa học đường và các tài liệu quốc tế sản phẩm đưa vi chất vào là tốt, tuy nhiên cần bắt buộc đưa vào chứ không chia ra bắt buộc hay không bắt buộc, như vậy doanh nghiệp dễ thực hiện. Về vi chất, theo Quyết định 1340 đề cập đến 4 mục tiêu do đó để đáp ứng các mục tiêu này thì phải bổ sung toàn bộ 21 vi chất”.
Ngoài ra, ông Khánh cũng nhấn mạnh và đưa ra các ý kiến cụ thể góp ý cho dự thảo: “Trong dự thảo quyết định cũng nên thống nhất một cách ghi tại mục 2.1 và 2.2 để tạo sự rõ ràng, tránh sự hiểu lầm. Một vấn đề về việc quản lý sữa hiện nay chúng tôi đang chịu sự quản lý của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương và Bộ Y tế, điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về quy chuẩn của sữa tươi nguyên liệu đầu vào theo thông tư 29 để quản lý nguyên liệu đầu vào chứ không dùng để truy xuất nguồn gốc. Về vấn đề ghi nhãn, hiện trong dự thảo quyết định ghi theo Nghị định 43, đề nghị bổ sung thêm thông tư 43 ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế về quản lý thực phẩm chức năng. Trong điều 3 của dự thảo quyết định nên bổ sung Viện Dinh dưỡng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. Đây là chương trình nhân văn nên đề nghị tổng kết sớm chương trình để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo đáp ứng được nhu cầu của người dân”.
Ông Nguyễn Thanh Đề - Quyền Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đơn vị chúng tôi là đơn vị thụ hưởng, đồng quan điểm cái gì tốt nhất thì dành cho trẻ em, sau hơn 3 năm thực hiện trên toàn quốc mới có khoảng 20 tỉnh triển khai, trong đó có tỉnh mới chỉ xây dựng kế hoạch. Vấn đề thực tiễn triển khai chương trình rất khó khăn, theo ý kiến cá nhân, các vi chất đưa vào phải bắt buộc, quan điểm tốt nhất dành cho trẻ em là bổ sung 21 vi chất”.
Phụ huynh băn khoăn
Lắng nghe các ý kiến của nhiều công ty sữa, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: “Tất cả các doanh nghiệp đã thống nhất về các loại sữa tươi tham gia Chương trình sữa học đường gồm 2 loại: sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và Sữa tươi tiệt trùng, không đưa vào chương trình sữa tươi nguyên chất thanh trùng và sữa tươi thanh trùng do tình hình thực tiễn khí hậu, hạn sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, không đảm bảo an toàn thực phẩm… Về các vi chất dinh dưỡng, Bộ Y tế sẽ giao viện dinh dưỡng đề xuất các loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường nêu trên để Bộ Y tế quyết định, giao Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em và Cục An toàn thực phẩm rà soát danh mục các vi chất do Viện Dinh dưỡng đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ”.
Hiện Hà Nội và một số tỉnh, thành đang triển khai chương trình sữa học đường và bước đầu được các phụ huynh đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, quy chuẩn mà phụ huynh chờ đợi, nhà trường kỳ vọng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế mới đưa ra quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường (ban hành năm 2017). Quy định này cũng chưa cụ thể về các vitamin, khoáng chất bổ sung vào sữa.
Nhiều bậc phụ huynh cũng tỏ ra rất hoang mang khi chưa có quy chuẩn chính thức. Chị Nhung (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Không có quy định tiêu chuẩn chung về Chương trình Sữa học đường nên tôi cũng băn khoăn và vô cùng hoang mang, không rõ loại sữa học đường mà con tôi uống sẽ được kiểm tra theo quy chuẩn nào và được bổ sung bao nhiêu vi chất, điều này rất dễ xảy ra việc mỗi nơi sẽ một kiểu riêng. Mong sao sớm có một quy chuẩn chung để chúng tôi bớt hoang mang”
Chị Thu Hà (Quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Sau khi Bộ GD&ĐT Hà Nội công bố lựa chọn Vinamilk làm nhà cung cấp sữa học đường, tôi đặt niềm tin vào các hãng sữa lớn có uy tín chắc chắn sẽ cung cấp những loại sữa đảm bảo cho trẻ. Tuy nhiên, khi chương trình sữa học đường ngày càng phủ rộng trong các nhà trường, trong từng bữa ăn của hàng triệu học sinh Việt Nam, tôi và nhiều phụ huynh khác đều mong mỏi sớm công bố một quy chuẩn chung để kiểm soát chất lượng sữa, sản phẩm sữa”.
Nhóm PV
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng