Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay, nước ta có khoảng 60 triệu người sử dụng internet, trong đó có 58 triệu người sử dụng mạng xã hội. Tỷ lệ trẻ em dùng internet chiếm khoảng 30% tổng số người dùng internet, mạng xã hội tại Việt Nam.
Đây là kênh thông tin khá hữu dụng với tất cả mọi người, là cầu nối để giới trẻ kết nối bạn bè, mở mang tri thức. Phần lớn trẻ em sử dụng internet ở nước ta do tự tìm hiểu hoặc tìm hiểu từ bạn bè (chiếm 85%).
Việc tiếp cận với internet giờ đây cũng rất đơn giản, chỉ cần có một chiếc smartphone và một kết nối wifi là trẻ em có thể truy cập internet. Hình ảnh dễ gặp từ quán nhậu, quán cà phê cho đến phòng khách các gia đình, đó là những ông bố bà mẹ đưa điện thoại cho con trẻ chơi game hoặc xem video trực tuyến trong khi mình mải mê chuyện trò, bù khú. Với những chiếc điện thoại nhỏ bé trong lòng bàn tay, trẻ con tự do lướt tới bất kỳ nơi nào mà các em muốn.
Vậy trẻ em thường lên mạng để làm gì? Những trẻ em nhỏ tuổi thường xem phim hoạt hình, clip ca nhạc thiếu nhi. Trẻ lớn tuổi hơn thì vào các trang game online, mạng xã hội như youtube, facebook, zalo, và thậm chí một số trẻ cá biệt có thể vào các trang web đen.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), không thể phủ nhận thế giới công nghệ ngày càng phát triển, môi trường mạng là kho thông tin khổng lồ, là thế giới tri thức không biên giới và đem lại nhiều mặt tích cực trong cuộc sống. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em. Hay khiến nhiều trẻ mắc phải chứng nghiện mạng, game online, smartphone. Rồi việc trẻ em bị bóc lột, dọa dẫm, xâm hại trong môi trường mạng.
Đã có nhiều phương thức, cũng như thủ đoạn của tội phạm xâm hại trẻ em qua mạng internet, như: Thành lập, tham gia các diễn đàn chia sẻ phim, ảnh đồi trụy; tổ chức buổi offline thành viên tại nhà riêng, quán game hay lợi dụng các mạng xã hội, phòng chat ảo, game online... để làm quen, tiếp cận với các em, sau đó dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí là ép buộc để thực hiện hành vi xâm hại...
“Điều đó rất nguy hiểm, bởi thông tin trên mạng đa dạng, phức tạp, trẻ em chưa đủ kiến thức, kỹ năng để làm chủ, dễ dẫn đến nhận thức sai lệch”, ông Đặng Hoa Nam nhận định.
Ngăn chặn hay cung cấp "vắc xin" cho trẻ?
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho hay, thực tế nhiều phụ huynh vẫn chưa hướng dẫn và kiểm soát việc trẻ sử dụng các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sử dụng internet hàng ngày.
Ngày càng có nhiều trẻ em nghiện game, nghiện điện thoại thông minh, nghiện mạng xã hội. Trong khi phần lớn phụ huynh không có thời gian và đủ kiến thức về công nghệ thông tin để giáo dục trẻ em; các chương trình giáo dục của nhà trường mới dừng lại ở việc phổ cập tin học chứ chưa trang bị kiến thức tự bảo vệ cho trẻ. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, việc phụ huynh chụp hình ảnh con em mình và lưu giữ làm kỷ niệm thì không sao, nhưng khi đăng tải những hình ảnh đó công khai lên mạng xã hội, không có sự giới hạn người xem thì cần cân nhắc xem điều này đã vì lợi ích tốt nhất của trẻ em hay chưa? Bởi dù bố mẹ muốn chia sẻ niềm vui với mọi người nhưng lại không chắc sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ.
Thực tế, ngày nay, phụ huynh rất hay check in những hình ảnh liên quan đến con: Hôm nay đưa con đi học mấy giờ, chiều muộn vẫn làm việc chưa về đón con, con đã có thể tự đi chơi một mình…. Những thông tin này vô tình để lộ lịch trình của con và sẽ tạo điều kiện cho đối tượng xấu theo dõi, rất có thể bắt cóc hay xâm hại, bạo lực trẻ.
Luật pháp có quy định bảo vệ quyền nhân thân của trẻ em trước những hành vi xấu, tức là những hành động cố ý hoặc vô ý nhưng gây thiệt hại hoặc có khả năng chắc chắn sẽ gây ra thiệt hại. Do đó, người lớn đừng vì “mua vui một vài trống canh” mà coi thường pháp luật, không được cố tình xâm hại hình ảnh riêng tư của trẻ.
Thay vào đó, phụ huynh hãy dành thời gian và nỗ lực trong việc nói chuyện với con hằng ngày, nuôi dưỡng tình bạn và sự chia sẻ, đồng cảm với con. Cũng giống như việc quan tâm và hỏi con khi con đi học về “Hôm nay con học ở trường thế nào? Có gì vui không?”; Hãy quan tâm đến những trải nghiệm của con trên mạng internet như: “Hôm nay trên mạng có gì hay không? Có gì làm con cảm thấy không ổn/không thoải mái không?” và đổi lại, bố mẹ cũng chia sẻ những câu chuyện và trải nghiệm của mình trong ngày.
Đồng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, chúng ta vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Điều này không đúng vì những tổn thương với trẻ em, những sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật. Tuy nhiên, nếu cấm tuyệt đối trẻ em vào các website chia sẻ video như Youtube, Facebook... là điều không nên, thậm chí có thể tạo ra hiệu ứng tiêu cực đối với tâm lý trẻ con.
“Cần có những liều “vắc xin” để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Không nên để con trẻ tự bơi trong thế giới rộng lớn rất thú vị nhưng cũng nhiều cạm bẫy rình rập ấy để rồi phơi nhiễm với điều xấu. Cha mẹ cần trang bị cho chính mình và con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để trở thành công dân thông minh trong thế giới số. Đồng thời cần làm bạn, lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cũng cho rằng, công nghệ tạo ra nhiều rủi ro nhưng mặt khác cũng tạo ra nhiều giải pháp. Sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ vào công tác này đóng vai trò quan trọng. Rất cần có sự chung tay của các doanh nghiệp về công nghệ vì họ là người có khả năng nắm bắt được những đổi thay của công nghệ và tiên đoán được những rủi ro có thể xảy đến với trẻ em, từ đó họ có khả năng đề ra giải pháp.
Để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, các cấp, ban ngành liên quan cần cung cấp thông tin cho trẻ về những địa chỉ an toàn, những trang trẻ có thể truy cập phục vụ cho việc học tập, vui chơi lành mạnh. Đồng thời cảnh báo cho trẻ những dạng trang web không nên truy cập. Cùng với đó, phụ huynh nên kiểm soát con một cách chặt chẽ. Nên để các thiết bị sử dụng được internet trong tầm kiểm soát, không để cho trẻ tự tiện sử dụng.
Theo Congly