Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 11/2021 bất động sản tiếp tục là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng này. Trong đó có đến 30% trái phiếu không tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu.
VBMA dẫn theo dữ liệu công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), có tổng cộng 40 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 11 và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành là 20,366 tỷ đồng.
Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trong tháng 11 với 8,476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng và trong đó có khoảng 59% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Trong đó đợt phát hành có giá trị lớn nhất đến từ CTCP Vinhomes (2,090 tỷ đồng) với trái phiếu phát hành ra công chúng có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9.2%/năm cho 4 kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau với lãi suất tham chiếu là lãi suất tiết kiệm VND 12 tháng của nhóm “Big 4” (Vietcobank, Agribank, VietinBank, BIDV).
Kế đến là nhóm Ngân hàng xếp thứ 2 về tổng giá trị phát hành với 7,950 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị phát hành trong tháng. Trong đó, NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) dẫn đầu với 5 đợt phát hành trái phiếu có tổng giá trị 2,000 tỷ đồng, lãi suất 3.7%/năm, kỳ hạn 3 năm. NH TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng có giá trị phát hành tương tự với 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 2,000 tỷ đồng, lãi suất 3.2%/năm, kỳ hạn 3 năm để phát triển hoạt động tín dụng.
Luỹ kế 11 tháng có tổng cộng 826 đợt phát hành TPDN trong nước, trong đó có 803 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 468.85 nghìn tỷ đồng (chiếm 95% tổng GTPH), 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26.34 nghìn tỷ (chiếm 5% (lấy số thập phân lẻ) tổng GTPH) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.
Trong đó, nhóm bất động sản hiện đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.16 nghìn tỷ đồng, chiếm 38%. Đáng chú ý, có khoảng 30% giá trị trái phiếu bất động sản phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu (tỷ lệ này có xu hướng tăng lên so với tháng trước). Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5-13%/năm.
Trong 11 tháng đầu năm, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD), trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD). Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 169.6 nghìn tỷ đồng, có 46.5 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 27%), 71% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.
Như vậy, so với cùng kỳ 2020, có thể thấy tuy số đợt phát hành chỉ bằng hơn 63% cùng kỳ song khối lượng phát hành TPDN thành công của các doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2021 đã tăng tới hơn 45%.
Giám sát chặt vệc phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo
Trước sự phát triển “nóng” của thị trường TPDN, đầu tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát về phát hành TPDN để đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Cụ thể, Công điện số 8857 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành TPDN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.
Trong đó đặc biệt lưu ý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12/2021.
Về phía Bộ Tài chính, đơn vị này cũng có văn bản yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Văn bản nhấn mạnh, trong thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là phát hành TPDN không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.
Để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trưởng xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý.
Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.
Đẩy nhanh việc ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo trách nhiệm được giao tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Đồng thời chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở GDCK Hà Nội triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành hệ thống giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giao Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tập trung phối hợp với Ủy ban chứng khoán nhà nước hoàn thiện pháp luật về phát hành TPDN. Tăng cường công tác quản lý giám sát, nâng cao chất lượng công bố thông tin cho nhà đầu tư, cách thức quản lý nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để thị trường phát triển lành mạnh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm về phát hành TPDN.
Đồng thời triển khai công tác tuyên truyền về pháp luật và cảnh báo các rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và các đối tượng tham gia thị trường.
Hạ Lam
Theo KTĐU