Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bất động sản trầm lắng, nhiều địa phương chỉ đạo chặn phân lô bán nền

Nhiều địa phương mới đây đồng loạt chỉ đạo kiểm soát tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản; ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư,…

(Ảnh minh họa: H.L).

Mức độ quan tâm và thanh khoản bất động sản ghi nhận sụt giảm mạnh trong nhiều tháng nay và chưa có dấu hiệu phục hồi. Cũng trong giai đoạn này, nhiều địa phương đồng loạt ban hành các giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Đơn cử, UBND TP Hà Nội mới đây đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Tại Lào Cai, theo UBND tỉnh, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông,... có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi, bán lại bất động sản. Những hoạt động này đã gây sốt ảo, có hiện tượng "thổi giá" làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.

Do đó, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng. Bên cạnh đó, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng,…

UBND tỉnh Quảng Ngãi cách đây ít ngày đã có có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh, bổ sung Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có chấp thuận chủ trương đầu tư để xử lý theo hướng đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì tổng hợp, báo cáo kiến nghị thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật theo thẩm quyền,…

UBND tỉnh Bình Định vừa qua cũng giao các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường mua bán, chuyển nhượng đất đai không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” trên địa bàn

UBND các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh không xử lý hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (không cùng thửa đất ở) sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất.

UBND tỉnh này yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo về giá đất thị trường, tình hình biến động giá đất thị trường 8 tháng đầu năm 2022 so với năm 2021.

Chủ tịch tỉnh Kon Tum vừa qua cũng chỉ đạo tăng cường công tác xúc tiến đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn; kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật. Đồng thời, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản,…

Thị trường chưa rơi vào suy thoái

Theo thống kê mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs cho biết, dòng vốn vào thị trường bất động sản gặp khó và lãi suất tăng đang khiến nhiều nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.

Mặc dù có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường bất động sản chưa đi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao. Các chủ đầu tư vẫn đang tích cực trong việc triển khai và kích hoạt các dự án, nhưng do các rào cản về pháp lý nên nhiều địa phương rất chậm trong việc phê duyệt dự án. Do đó, nguồn cung hiện chưa vào thị trường chứ không phải là không còn trên thị trường và nguồn cung lúc nào cũng sẵn sàng để bùng nổ trở lại.

Theo vị này, nhu cầu của người dân vẫn cao nhưng giá bất động sản đã bị đẩy lên cao đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường. Ngoài ra, hiện nhiều người muốn mua nhà nhưng đang gặp khó khăn do không vay được vốn từ ngân hàng.

“Thị trường đang gặp khó khăn từ những yếu tố bên ngoài tác động chứ bản chất thị trường không phải như vậy”, ông Đính nói.

Công Tâm
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Từ khóa: