Trong 10 năm qua, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư kinh doanh bất động sản đã không ngừng gia tăng. Mỗi năm, số lượng này tăng từ 20-50%. So với năm 2002, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện tăng khoảng 4-5 lần.
Trong 10 năm qua, số lượng các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư kinh doanh bất động sản đã không ngừng gia tăng. Mỗi năm, số lượng này tăng từ 20-50%. So với năm 2002, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện tăng khoảng 4-5 lần.
Hiện cả nước có trên 1.700 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở và bất động sản. Trong số này, khoảng 484 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 10-50 tỷ đồng, xấp xỉ 35%; doanh nghiệp có vốn từ 50-200 tỷ đồng khoảng 115 đơn vị; trên 50 doanh nghiệp có vốn từ 200-500 tỷ đồng và khoảng 41 doanh nghiệp đạt số vốn trên 500 tỷ đồng.
Khách xem mô hình dự án bất động sản VinaLiving ở Đà Nẵng. (Ảnh Văn Sơn/TTXVN)
Điểm mới là không chỉ các doanh nghiệp trong ngành mà cả các đơn vị ngoài ngành cũng dồn vốn tham gia vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn thiết kế, doanh nghiệp thi công xây lắp của ngành xây dựng không chỉ tăng nhanh về số lượng, quy mô mà còn đủ năng lực để đảm nhận các dự án, công trình nhà ở cao tầng, hiện đại.
Đội ngũ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản hùng hậu này đã góp phần thay đổi đáng kể mặt bằng bất động sản của cả nước cả về số lượng, quy mô. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản họ đang gặp rất nhiều khó khăn do sự chưa đồng bộ và thiếu thống nhất giữa nhiều chính sách, quy định liên quan đến bất động sản.
Bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính... trong đó mỗi một lĩnh vực lại thuộc chức năng quản lý của một cơ quan Nhà nước khác nhau. Cụ thể như vấn đề đất đai thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thủ tục đầu tư xây dựng lại do Bộ Kế hoạch-Đầu tư quản lý, rồi vấn đề tài chính, thuế thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính...
Vì vậy, để hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp phải lòng vòng qua rất nhiều khâu, chưa kể các chính sách có liên quan đến lĩnh vực nhà ở dù đã được ban hành khá nhiều nhưng thiếu phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan nên có những điểm không chỉ thiếu đồng bộ, nhất quán mà đôi khi còn mâu thuẫn.
Mặt khác, hiện chính sách điều tiết thị trường nhà ở vẫn chưa thật sự phát huy sức mạnh để bảo đảm cho thị trường phát triển cân bằng. Thực tế, thị trường bất động sản vẫn đang ở tình trạng thiếu minh bạch khiến cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản cũng như sự phát triển của thị trường thiếu sự bền vững.
Giá nhà ở vẫn cao hơn so với thực tế nên người có nhu cầu thực sự thì không có khả năng tạo lập nhà ở, trong khi những người tham gia đầu tư nhỏ lẻ theo kiểu đầu cơ lại khá đông đã là một yếu tố đẩy giá nhà ở lên quá cao do phải qua nhiều khâu trung gian.
Thu Hằng (Vietnam+)