Sự kiện hot
6 năm trước

Bát nháo tình trạng dạy nghề phun xăm thẩm mỹ “chui” tại Học viện thẩm mỹ Placencare

Mặc dù Học viện thẩm mỹ Placencare (số 3 Triệu Việt Vương, Hà Nội) chỉ được cấp phép đào tạo chăm sóc da nhưng ngang nhiên nhận học viên để dạy phun xăm và nhiều ngành nghề khác…

Cấp phép một đằng, hoạt động một nẻo

Hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội đang có rất nhiều những cơ sở có dấu hiệu hoạt động dạy nghề phun xăm thẩm mỹ “chui” mà không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Không có thống kê cụ thể về có bao nhiêu cơ sở hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội thì chỉ có 17 cơ sở được cấp theo những lĩnh vực cụ thể.

Những cơ sở này dù là dạy nghề phun xăm thẩm mỹ “chui”, nhưng bằng việc chăm chỉ chạy quảng cáo tiếp cận khách hàng trên mạng xã hội cũng như sử dụng nhiều “chiêu trò” mà bỗng trở nên “nổi như cồn”, thu hút rất đông học viên theo học. Như trường hợp của Học viện thẩm mỹ Placencare (số 3 Triệu Việt Vương, Hà Nội), cơ sở này chỉ được cấp phép đào tạo chăm sóc da nhưng ngang nhiên nhận học viên để dạy phun xăm và nhiều ngành nghề khác.

Dù không được cấp phép đào tạo nghề phun xăm thẩm mỹ nhưng Placencare vẫn ngang nhiên tổ chức day nghề “chui” thu hút nhiều học viên tham dự

Tìm hiểu trên trang Facebook có tên “Dạy nghề Thẩm mỹ & Spa” thu hút hàng chục nghìn người theo dõi cũng như tại Website daynghethammy.com của Placencare, phóng viên ghi nhận được việc cơ sở này quảng cáo một cách rầm rộ về hàng loạt các khóa học nghề thẩm mỹ. Trong đó, nổi bật là những khoá đào tạo nghề phun xăm thẩm mỹ.

Để làm rõ hơn về tính pháp lý của những khoá đào tạo phun xăm mà Học viện thẩm mỹ Placencare tổ chức, PV đã gọi đến số Hotline của cơ sở này: 0913031266, trong vai khách hàng, PV được một người đàn ông tên Tuyền tư vấn rất “ngọt” rằng: Hiện tại khoá học phun xăm thẩm mỹ tại Placencare đang được khuyến mại lên tới 45%, từ giá 30 triệu lúc ban đầu sẽ giảm còn 16,5 triệu. Trong đó có tối thiểu 1 tháng ăn ở tại đây, sau khoá học thì học viên sẽ từ một người không biết chút gì về phun xăm trở thành một người có tay nghề “cứng”.

Nhân viên tên Tuyền này khẳng định: “Sau khi học xong em sẽ có chứng nhận của học viện để treo ở cửa hàng. Biết nói như thế nào nhỉ, bên anh thì theo kinh nghiệm 15 năm, nếu như em muốn lấy cái đó thì không phải là khó nhưng vấn đề là em học để em mở tiệm hay để đi làm thuê”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Vậy học phun xăm ở Placencare là sẽ được cấp chứng chỉ của Tổng cục dạy nghề phải không?”. Dù tỏ ra lúng túng khi nhận được câu hỏi này nhưng tư viên tên Tuyền vẫn mạnh miệng “nổ”: “Ờ là bên anh được phép cấp cái đó, chứ không cần phải đi xin đâu nữa”.

Dù không được cấp phép đào tạo nghề phun xăm thẩm mỹ nhưng Placencare vẫn ngang nhiên tổ chức day nghề “chui” thu hút nhiều học viên tham dự

Dường như cảm thấy hơi “chột dạ” vì đã lỡ miệng “nổ” hơi quá, anh Tuyền vội vàng lấp liếm: “Nhưng mà anh lưu ý nhé, khi đi ra ngoài nếu mà em mở Spa rồi mở rộng thêm làm phun xăm thì nó sẽ dễ hơn, còn nếu em mở chỉ riêng mỗi phun xăm luôn ý thì nó sẽ phải thêm một vài giấy tờ nữa. Riêng về Spa thì chứng chỉ nó là một mẫu khác của bên anh, chứ đăng ký thẳng thì nó rất chi là khó”.

PV hỏi tiếp: “Có nghĩa là em nên học thêm cả Spa lẫn phun xăm ở bên mình rồi mở Spa và làm thêm phun xăm, một dạng hoạt động “chui” đúng không?” thì người đàn ông này khẳng định “chắc nịch”: “Ờ như thế thì nó sẽ dễ hơn, vì em biết luật pháp Việt Nam rồi đấy”(!?)

Vẫn “chứng nào tật nấy”?

Sau khi những mập mờ trong hoạt động dạy nghề phun xăm thẩm mỹ của Placencare bị một số cơ quan báo chí phanh phui, phóng viên đã đến tận nơi để được “mục sở thị” hoạt động dạy nghề “chui” của cơ sở này tại địa chỉ số 3 Triệu Việt Vương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tiếp PV trong vai khách hàng vẫn là tư vấn viên tên Tuyền cùng giọng điệu leo lẻo: “Hiện tại khoá học phun xăm thẩm mỹ tại Placencare đang được khuyến mại lên tới 60% học phí, từ giá 30 triệu lúc ban đầu sẽ giảm còn 13,5 triệu”.

Rồi như cảnh giác vì đã từng bị báo chí phản ánh trước đó, anh này tư vấn có vẻ dè chừng hơn với những câu hỏi về tính pháp lý của các chứng chỉ mà cơ sở mình sẽ cấp cho học viện. Nhưng khi PV nói sẽ không học nghề nữa nếu như không được tư vấn kỹ càng về các chứng chỉ thì anh vội vàng lấp liếm: “Học cái này cấp chứng chỉ không có gì ghê gớm đâu, chỉ cái xâm lấn sâu như nâng ngực, hút mỡ mới khó thôi”.

Dù không được cấp phép đào tạo nghề phun xăm thẩm mỹ nhưng Placencare vẫn ngang nhiên tổ chức day nghề “chui” thu hút nhiều học viên tham dự

Sợ mất khách, Tuyền mạnh miệng “nổ” tiếp: “Em có chứng chỉ đào tạo nghề này và thi lấy cái giấy vệ sinh dịch tễ của Bộ Y tế xong về quê làm đăng ký kinh doanh là mở được thẩm mỹ viện”(!?). Thế nhưng, khi PV yêu cầu được xem chứng chỉ mà Placencare cấp cho học viên cùng văn bản chứng minh rằng Placencare được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đào tạo nghề phun xăm thẩm mỹ thì anh Tuyền tỏ vẻ khó chịu rồi tìm cách lảng tránh: “Nếu em tin bên anh thì em vẫn tin, còn nếu em không tin thì cho dù anh cho em xem, em vẫn nghi ngờ bên anh làm giả...”(!?)

Trước những lời tư vấn này có thể thấy Placencare sẵn sàng tiếp nhận các học viên học phun xăm tuy nhiên cơ sở này hoàn toàn không được cấp phép đào tạo về lĩnh vực này. Theo đó, đối chiếu với danh sách 17 cơ sở đã được Sở LĐTB&XH Hà Nội cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực làm đẹp, thì Học viện thẩm mỹ Placencare (do Công ty TNHH Placencare quản lý) mới chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng kí hoạt động giáo dục nghề nghiệp với Nghề được phép đào tạo: Kỹ thuật chăm sóc da – Trình độ đào tạo: Sơ cấp.

Vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm khắc

Trao đổi với báo chí, ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐTB&XH Hà Nội đã nêu rõ: Sau khi đối chiếu, 10 cơ sở dạy nghề phun xăm cần xác minh (trong đó có Học viện thẩm mỹ Placencare – PV) không có trong danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố do Sở LĐTB&XH theo dõi.

Phía Sở LĐ-TB-XH thành phố Hà Nội cũng khẳng định, hiện tại các hoạt động đào tạo thẩm mỹ, phun xăm tự phát đang diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn. Phía Sở cũng đã có nhiều đợt rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình sai phạm.

Dù không được cấp phép đào tạo nghề phun xăm thẩm mỹ nhưng Placencare vẫn ngang nhiên tổ chức day nghề “chui” thu hút nhiều học viên tham dự

Hệ luỵ từ việc những cơ sở như Placencare cứ tìm mọi cách lôi kéo khách hàng học nghề phun xăm “vô tội vạ” rồi sau đó tính cách mở tiệm hoạt động “chui” là vô cùng đáng báo động khi mà thời gian gần đây đã xảy ra rất nhiều những vụ việc chị em phụ nữ đi phun xăm để làm đẹp ở những cơ sở hoạt động “chui”, rồi gánh biến chứng vô cùng nặng nề, thậm chí có người nguyên là Đại biểu Quốc hội đã mất mạng chỉ vì… phun xăm thẩm mỹ.

Phân tích về những hoạt động vượt giấy phép, không được cấp phép như nêu trên, luật sư Trương Anh Tú – Công ty luật Trương Anh Tú cho biết: Điều 5 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định: Phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Cùng với đó, buộc cơ sở đào tạo hoàn trả cho tổ chức, cá nhân các khoản tiền đã thu, trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm; Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được người học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác đối với hành vi vi phạm quy; Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận kiểm định đã cấp đối với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm quy định về tuyển sinh đào tạo, Điều 8 Nghị định này cũng quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thông báo tuyển sinh bằng bất cứ hình thức nào khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu nhận hồ sơ, tổ chức thi hoặc xét tuyển khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Mai Hoa – Mai Quỳnh

Theo PLBĐ/GĐXH

Từ khóa: