Tôi đến Mộc Châu vào những ngày miền Bắc đang chìm trong giá lạnh mùa đông. Sương mù và gió rét, những cung đường quanh co trên chiếc xe máy bụi bặm khiến tôi đói ngấu ngay khi tạt vào một quán ăn ven đường ở thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Tôi đến Mộc Châu vào những ngày miền Bắc đang chìm trong giá lạnh mùa đông. Sương mù và gió rét, những cung đường quanh co trên chiếc xe máy bụi bặm khiến tôi đói ngấu ngay khi tạt vào một quán ăn ven đường ở thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Cầm thực đơn, chưa kịp đọc mà 3 chúng tôi đã đồng thanh gọi ngay món bê chao. Chị Đanh, phục vụ của quán cười, nhắc lại câu nói mà khách du lịch đến thị trấn cao nguyên này đã thuộc nằm lòng: Đến Mộc Châu mà chưa thưởng thức bê chao thì coi như chưa đến Mộc Châu.
Cao nguyên Mộc Châu, nơi cửa ngõ Tây Bắc với thảo nguyên xanh rộng hàng chục nghìn héc ta tuyệt đẹp, được trời phú cho kiểu khí hậu cận ôn đới để trở thành nơi có đàn bò lấy sữa lớn nhất cả nước. Hiện nay, ở Mộc Châu có khoảng 10.000 con bò sữa. Ở đây, bê cái luôn được giữ lại nuôi lớn để cho sữa, còn bê đực được chế biến thành đặc sản bê chao nức tiếng.
Nguyên liệu để làm bê chao ngon nhất là bê sữa khoảng một tuần tuổi, chưa từng ăn cỏ, nên miếng thịt bê có vị thơm và cái mềm ngọt mà bê già tuổi hơn không thể nào có được. Trong số những món bê thường thấy như xào lăn, hấp sả, tái chanh... thì bê chao có lẽ là món ăn được chế biến đơn giản nhất, nhưng hương vị lại thuộc hàng đặc sản. Có lẽ bởi bê non đã sẵn cái ngon, cái ngọt, cái thơm, nên càng bớt cầu kỳ lại càng tôn hương vị đó lên trọn vẹn.
Theo chân chị Đanh vào bếp, đã thấy những miếng thịt bê xắt con chì, ướp gia vị, gừng, sả sẵn sàng trong thau. Bếp lửa được vặn to, chảo dầu nóng sôi sùng sục. Anh Quân, đầu bếp của quán vừa nhanh tay trút những miếng thịt bê vào chảo, chao đều trong dầu nóng, vừa nói: “Bê phải chao trên lửa to để thịt không ngấm mỡ. Lửa to thì dầu phải ngập miếng thịt để tránh “sống trong, chín ngoài”“.
Nói rồi anh nghiêng nhẹ chảo để mỡ láng đều khắp những miếng thịt đã ngả màu vàng ươm. Mùi thơm lựng của thịt, mùi cay nồng của gừng, sả tỏa lan “điếc mũi”. Theo anh Quân, độ chín của gừng, sả ướp cùng thịt bê cũng là một yếu tố để đánh giá tay nghề đầu bếp. Bê chín, gừng, sả cũng vừa vàng ươm, thơm nức mà không khét, cháy. Một đĩa bê chao “đặc sản” như thế cũng chỉ có giá 150.000 đồng.
Bê chao phải ăn nóng. Trút ra đĩa, mỡ vẫn còn riu riu sôi trên những miếng thịt. Chấm thịt ấy vào bát tương sánh vàng, điểm thêm chút gừng bằm nhỏ. Thịt vàng hườm, mềm và ngọt khó tả. Phần bì phồng lên lấm tấm trắng, khẽ cắn vào thì thấy giòn, nhưng nhai kỹ vẫn có một chút dai vương vấn. Tôi lại có cái thú vét gừng, sả vụn ở đáy đĩa để nhâm nhi. Thi thoảng lại có thêm những lát gừng mỏng, vàng ruộm, không cay xè mà thơm đến ứa nước miếng.
Hai ngày ở Mộc Châu, thực đơn của tôi từ trưa đến tối ròng rã với món bê chao. Ấy vậy mà khi về đến Hà Nội, giở ảnh ra xem, vẫn thấy thèm đến cồn cào.
Tịnh Tâm
theo iHay