Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Becamex IDC muốn huy động tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2023

Hồi năm 2022 Becamex IDC có kế hoạch phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu nhưng công ty chưa thực hiện được do thị trường gặp nhiều thông tin bất lợi.

 Ảnh minh họa: Becamex.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - Mã: BCM) vừa thông qua phương án phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2023. Công ty chưa công bố chi tiết về mục đích phát hành, tài sản đảm bảo và kế hoạch sử dụng vốn.

Hồi 2022, HĐQT đã thông qua việc phát hành 2.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu nhưng do kênh huy động vốn này gặp nhiều thông tin không thuận lợi, Becamex IDC quyết định không thực hiện trong năm 2022.

Đầu tháng 6/2023, HĐQT Becamex IDC thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023 với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm thuộc sở hữu của Becamex với kỳ hạn không quá 2 năm. Thời gian phát hành dự kiến trong tháng 6 này.

Lãi suất tối thiểu dự kiến cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 13%/năm, cứ ba tháng trả lãi một lần. Mức lãi suất của các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ bằng tổng của 3,5% và lãi suất sản phẩm tiết kiệm trung dài hạn linh hoạt VNĐ kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng MB Bank.

Dòng tiền thanh toán trái phiếu sẽ đến từ nguồn thu từ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, các dự án khác thuộc Becamex IDC và nguồn thu hợp pháp khác từ hoạt động kinh doanh của công ty.

Số tiền huy động từ đợt phát hành trái phiếu dự kiến được Becamex IDC thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc và lãi đến hạn của các khoản nợ trái phiếu của công ty.

Tại ngày 31/3, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Becamex IDC là 16.488 tỷ đồng,chiếm 34% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 5.638 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 10.849 tỷ.

Tổng trái phiếu thường dài hạn đến hạn trả (trong vòng 1 năm) là hơn 917 tỷ đồng. Trong đó, 399 tỷ đồng của Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), còn lại 518 tỷ đồng là các cá nhân khác.

Dư nợ trái phiếu thường dài hạn khoảng 8.964 tỷ đồng. Trong đó, các trái chủ là các ngân hàng MB Bank, BIDV, Shinhan bank, TP Bank, Navibank, Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam, Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank,… 

Minh Hằng
Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh

Từ khóa: