Dantin – Đến hẹn lại lên, vào mỗi dịp giáp Tết Nguyên Đán, tình trạng mất ổn định giao thông tại các khu vực “cửa ngõ thủ đô” ngày càng “nóng”. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại bến xe khách Mỹ Đình.
Dantin – Đến hẹn lại lên, vào mỗi dịp giáp Tết Nguyên Đán, tình trạng mất ổn định giao thông tại các khu vực “cửa ngõ thủ đô” ngày càng “nóng”. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại bến xe khách Mỹ Đình.
Nằm ngay cạnh đường vành đai 3, thuận tiện cho việc đi lại, mỗi ngày bến xe khách Mỹ Đình có tới 500 - 600 lượt xe xuất bến và hàng chục nghìn lượt khách. Những ngày giáp tết, lượng xe và người đổ về đây càng đông.
Bến xe khách Mỹ Đình những ngày cuối năm đều rất đông
Thế nhưng, chính những ngày này, tình trạng an ninh trật tự và an toàn giao thông ở đây lại đang diễn ra hết sức lộn xộn.
Quán nước vỉa hè, người đi bộ dưới lòng đường
Người dân thủ đô đã không còn quá xa lạ với hình ảnh những chiếc bạt được căng ra với những hàng quán tạm bợ tại khu vực gần bến xe Mỹ Đình. Nhưng trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán, quán nước vỉa hè lại được đặt trong tình trạng báo động.
Một chiếc bạt được căng ra, vài chiếc ghế, một chiếc bàn kê bằng hộp xốp, bánh, trà, thuốc lá,... là trở thành một quán nước vỉa hè
Ghi nhận tại đường Phạm Hùng (khu vực bến xe Mỹ Đình – Từ Liêm – Hà Nội) sáng 14/1/2012, hàng loạt quán nước đua nhau lấn chiếm vỉa hè xung quanh cửa bến và khu vực đường xe khách ra vào bến. Người dân, để đi vào bến xe khách Mỹ Đình đều phải đi bộ dưới lòng đường. Điều đáng nói là tại đây có một điểm dừng xe buýt nên mỗi khi xe chạy tới sát vào lề đường đón trả khách rất dễ gây tai nạn giao thông với người đi đường.
Thời điểm này, nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hà Nội đều cho sinh viên về nghỉ Tết Nguyên Đán. Bến xe Mỹ Đình là một bến “trọng điểm” với số lượng xe khách cũng như số lượng khách trung bình hàng ngày rất lớn. Nắm bắt được thời điểm, một số hộ dân đã tận dụng vỉa hè để kinh doanh kiếm lời.
Quán nước đổ xô ra vỉa hè ngay cửa bến
học sinh, sinh viên phải đi lại dưới lòng đường
Trao đổi với PV Dantin.vn, một người chủ quán nước khu vực cửa bến xe Mỹ Đình cho biết: “Ngày thường thì ít người nên chúng tôi cũng không mở rộng ra hết vỉa hè. Nhưng cả năm chỉ được có mấy ngày giáp Tết, sinh viên về ăn Tết đông nên mới có người mà bán. Có cô cậu thì chờ bạn rồi cùng về quê, người thì chờ đón người nhà. Đa số đều ngồi quán nước đợi. Chỉ mở mấy ngày như thế này thì mới kiếm được”.
Khu vực cửa bến xe Mỹ Đình luôn tấp nập: người đi xe máy ngược xuôi, xe khách ra vào bến, xe ôm, taxi đón trả khách, học sinh, sinh viên, người dân đi lại. Vỉa hè thì bị chiếm dụng. Để đi lại, duy nhất chỉ có thể đi bộ dưới lòng đường. Vấn đề này ẩn chứa nguy cơ rất cao về mất an toàn giao thông.
Đến bến xe, uống nước chờ người thân, hay chờ xe chạy. Năm bắt được tâm lý đó, những quán nước vỉa hè lại càng "tung hoành"
Ngoài ra, về mặt mỹ quan đô thị cũng như vệ sinh môi trường, việc lấn chiếm vỉa hè gây ra sự “phản cảm” trong mắt người dân thủ đô cũng như du khách nước ngoài đến Hà Nội “thưởng” Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn 2012.
Xe ôm “nuốt” vỉa hè, taxi chiếm lĩnh lòng đường
Lâu nay vẫn tồn tại tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để làm nơi trông giữ xe, buôn bán… khiến các con đường nhỏ càng thêm chật hẹp, thực trạng này đã được nhiều người nói tới, lãnh đạo ngành giao thông cũng thừa nhận, thậm chí lực lượng chức năng đã có nhiều đợt ra quân xử lý, nhưng tình hình vẫn chẳng thay đổi được là bao.
Để xe vỉa hè, "phải" đi bộ dưới lòng đường
Trong những ngày cuối tuần, nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh sinh viên nghỉ Tết Nguyên Đán, dịch vụ đi lại tại bến càng “nở rộ”.
Ghi nhận thực tế của PV Dantin.vn, ngay từ đầu giờ sáng tại bến xe Mỹ Đình, lượng xe khách đã đổ về bến và ra khỏi bến nhiều. Đặc biệt, từ khoảng 9h cùng ngày xe, khách từ khắp các tỉnh thành ùn ùn đổ về bến. Trên đường Phạm Hùng, trước bến xe Mỹ Đình, giao thông lộn xộn do taxi, xe ôm đón trả khách.
Xe ôm, taxi gây ách tắc giao thông khu vực cổng bến xe khách Mỹ Đình
Vừa bước xuống khỏi xe bus đến bến xe khách Mỹ Đình, chị Hoa (Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội) liên tục bị những thanh niên mời chào “dịch vụ” xe ôm “giá siêu rẻ”. Mời chào không xong, chị Hoa liên tục bị bám đuôi, kéo áo, kéo tay,…Khi bị phản ứng lại, những “chú” xe ôm quay sang chửi bới, dọa dẫm. Khi được hỏi, chị Hoa cho biết: “Tôi ở Hà Nội đến 3 năm nay, năm nào cũng về quê ăn Tết tầm ngoài 20 tháng Chạp. Năm nào cũng đông thế này. Mệt nhất lúc vừa xuống xe, chưa xuống đã bị tranh phần. Ông này gọi, ông kia kéo trong khi mình thì đang mệt vì chen chúc. Trong bến xe mà lực lượng quản lý cũng không dẹp được những ông xe ôm thế này thì bọn tôi còn khổ nhiều”.
Các "thượng đế" luôn được phục vụ tận tình từ cửa xe
Cũng tại bến xe Mỹ Đình, khi đội ngũ xe ôm ra sức chèo kéo khách một cách nhiệt tình nhưng hành khách thì tỏ ra thờ ơ thì taxi lại là một phương tiện đi lại “thiết yếu”. Bên cạnh những hãng taxi được phép đỗ khu vực bên trong bến xe Mỹ Đình như Âu Lạc, 3A, ABC Taxi,… thì lượng xe bên ngoài bến cũng lên đến con số đáng kể.
Quan sát, chúng tôi nhận thấy những chiếc taxi “bò” dọc theo con đường Phạm Hùng, đoạn từ đầu bến xe đến cuối bến xe Mỹ Đình. Ngay bên ngoài bến xe có biển chỉ báo điểm dừng đón và trả khách dành riêng cho Taxi, song lượng xe “đỗ” lòng đường vẫn không phải ít. Luồng đường Phạm Hùng sát Bến xe Mỹ Đình vốn rộng rãi là thế, nhưng các phương tiện tham gia giao thông khi đến đây đều phải chững lại do taxi dừng, đỗ. Với những chiếc taxi dừng lại đúng nơi quy định để khách vào bến xe nhanh chóng thì việc cản trở giao thông không lớn. Nhưng lại có những chiếc taxi trả khách xong vẫn lừng khừng ở lại để kiếm khách mới.
Taxi "bò"...
... đến taxi đỗ lòng đường
ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự an toàn giao thông
Theo ghi nhận vào sáng ngày 14/1, do ảnh hưởng thời tiết mưa nên lượng học sinh, sinh viên sử dụng taxi để ra bến về quê nhiều hơn hẳn so với ngày thường. Chỗ dừng đỗ đúng quy định chỉ có duy nhất một mà lượng xe lớn. Một chiếc xe có thể vào đúng làn đường cho taxi thì có đến 3 hay 4, thậm chí nhiều hơn phải đỗ trả khách ngay tại lòng đường.
Tận tình như hàng rong bến xe
Hàng rong xuất hiện ở Hà Nội đã từ rất lâu, luôn được coi là nét đẹp, nét văn hóa truyền thống của người Hà Thành xưa. Nhưng không “mục sở thị” tại Mỹ Đình thì không thể hiểu văn hóa ấy đã biến dạng như thế nào.
“Anh ơi, mua cho em cái ví”, “Bánh mì không em?”, “Mua cắt móng tay không anh?”,… Nếu nhỡ miệng hỏi mà không mua, lập tức sẽ được những người bán hàng mắng nhiếc, chửi, rủa từ những người, cách đó vài giây còn rất niềm nở. Đó chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” khi đến cổng các bến xe nói chung, cổng bến xe khách Mỹ Đình nói riêng.
Không bỏ lỡ “cơ hội vàng” vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, sinh viên về quê sẽ là đối tượng “vip” được săn đón, chăm sóc đặc biệt nhất.
Trao đổi với PV Dantin.vn, bạn Hoàng Phúc (Quế Võ, Bắc Ninh) chưa hoàn hồn khi bị một “chị” bán hàng rong “theo đuổi”: “Mình vừa đi bộ đến cổng bến thì có một chị bán hàng rong chạy ra mời mình mua ví. Lúc đầu thì đon đả. Mình cũng hỏi giá thì bảo chiếc ví lên tới 200.000đ. Thấy đắt quá mình tỏ ý không muốn mua nữa, nhưng chị này không buông tha mình mà cứ bám theo. Rồi cầm chiếc ví nhét vào tay mình. Bỏ lại thì chị ta kêu ầm lên là mới sáng ra đã ám quẻ, hỏi đểu, trêu đùa”.
Có người bán hàng còn xảo quyệt hơn, giả bộ nhiệt tình hỏi han, mời chào rồi mời khách mua hàng, thừa lúc khách mất chú ý là chôm đồ. Không những thế, còn có những người sẵn sàng bán “rẻ” đồ “xịn”.
Đứng trước cổng bến xe Mỹ Đình, khu vực cửa lên hầm đi bộ sang đường, PV Dantin.vn lọt vào tầm ngắm của một thanh niên đến mời mua đồng hồ “xịn”. Ăn mặc, đầu tóc, nói năng khiến người khác liên tưởng là một người nghiện để lấy uy với khách hàng, đặc biệt là các bạn sinh viên. Luôn giới thiệu là đồng hồ (hoặc kính mắt) xịn, hàng hiệu, vừa “đá” được (ăn cắp được) nên bán rẻ, khi có người hỏi giá rồi không mua, ngay lập tức sẽ bị đe dọa, thậm chí túm cổ, túm áo dọa đánh.
Những trường hợp bán hàng “tận tình” như trên không phải quá xa lạ đối với mọi người dân khi đến với bến xe Mỹ Đình, nếu không thực sự cảnh giác, ai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Giao thông khu vực bến xe Mỹ Đình luôn là một bài toán nan giải vào mỗi dịp giáp Tết Nguyên Đán. An toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè, dịch vụ bến,… luôn đe dọa đến tất cả những người dân khi đi qua khu vực này. Đặc biệt vào thời gian này, học sinh, sinh viên về quê ăn Tết cùng gia đình, người thân sẽ phải chú ý khi tham gia giao thông. Về phía cơ quan chức năng, có lẽ phải đặt ra một yêu cầu tăng cường kiểm tra, quản lý, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm TTATGT.
Hà Linh