Sự kiện hot
12 năm trước

Bí ẩn suốt 8 năm trời của hai mẹ con "người rừng"

Một cô gái 17 tuổi, mù chữ, bị gia đình đưa vào khu rừng núi cách xa dân cư để chăn nuôi bò. Từ đó, cô gái sống biệt lập với bên ngoài gần 8 năm trời, năm ngoái cô bất ngờ sinh con.

Một cô gái 17 tuổi, mù chữ, bị gia đình đưa vào khu rừng núi cách xa dân cư để chăn nuôi bò. Từ đó, cô gái sống biệt lập với bên ngoài gần 8 năm trời, năm ngoái cô bất ngờ sinh con.

Cô gái có cuộc sống kỳ lạ đó là Đ.L.T.A, ở thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam, H.Đồng Xuân, Phú Yên. Vùng rừng núi Lỗ Dàng thuộc xã Xuân Long, H.Đồng Xuân là nơi hẻo lánh. Từ trung tâm xã, chúng tôi phải vượt qua nhiều đồi dốc, suối sâu hiểm trở mới đến được nơi T.A sinh sống.

Gần 8 năm cô độc

Mẹ con T.A giữa rừng - Ảnh: Đức Huy

T.A nay đã 25 tuổi. Gần 8 năm qua, cuộc sống của T.A gắn liền với vùng đồi núi Lỗ Dàng. Hằng ngày, cô chăn thả đàn bò của gia đình vài chục con. Nhờ sự siêng năng, cần cù mà đàn bò do cô chăn dắt thì béo tốt, trong khi cơ thể của cô gầy guộc, khuôn mặt như phụ nữ ở tuổi 40. Nhìn thấy người lạ, cô khá dè dặt, ngại tiếp xúc, nhưng thấy trong nhóm chúng tôi có phụ nữ, nên T.A đã an tâm và thổ lộ về cuộc sống của mình.

“Trong gia đình, ba mẹ chỉ thương mấy đứa nhỏ, còn chị gái đầu của em bị tâm thần, em thì mù chữ nên bị ba đánh hoài. Lúc em 17 tuổi, ba em bắt vào vùng Lỗ Dàng chăn bò. Và cũng từ đó, em ở riết trong này, chỉ có ngày tết thì mới được về chơi một vài ngày, sau đó lập tức trở lại trại bò để chăn bò”, T.A bùi ngùi kể.

Căn chòi nơi T.A sinh sống được xây bằng gạch, mái lợp tôn, rộng chừng 4 m2, duy nhất chỉ có chiếc giường làm bằng tre cũ kỹ. Quanh năm, cô gái này chỉ biết làm bạn với lũ bò, thỉnh thoảng có vài người đàn ông chặt mía thuê trong vùng đến chơi thì bị cha của T.A ngăn cấm.

T.A nói: “Mỗi lần có đàn ông chặt mía thuê gần căn chòi em ghé chơi thì hôm đó em bị một trận đòn chí tử của ba. Có người đàn ông lớn tuổi ở thị trấn hỏi cưới em nhưng ba em lại ngăn cản nên em đành từ chối. Và cũng từ đó, em chỉ sống một mình ở vùng núi hẻo lánh này”.

T.A cho biết thêm: “Hằng tháng, ba mẹ em đem gạo, muối, mắm lên cho em. Em ăn riết cũng quen rồi”. Trong khi đó, ông Đ.N.H và bà L.N.D - ba mẹ ruột của T.A thì nói rằng, gia đình thay phiên nhau vào khu vực sản xuất của gia đình ở Lỗ Dàng để hỗ trợ, giúp đỡ cho T.A. Ông H. thanh minh: “Tui lên đó thường xuyên. Cuộc sống nó bình thường chứ đâu có gì vất vả. Hoàn cảnh tui nghèo nên con cái làm lụng chứ biết sao?”.

Mong có cuộc sống bình thường

Sống chừng đó năm ở Lỗ Dàng, đến năm 2011 T.A sinh một bé gái khá kháu khỉnh (chưa biết cha bé gái là ai). Hằng ngày, cháu bé này chỉ ở nhà một mình giữa rừng núi. Cũng do sinh ra ở vùng rừng núi nên T.A đặt tên bé gái là Núi (có khi gọi là Tiên) nhưng không có họ, không có khai sinh. Mỗi buổi sáng, T.A cho bé Núi ăn uống, cột chặt mùng xuống thanh giường để cho cháu Núi khỏi té ngã, rồi lùa đàn bò vào vùng lũng sâu để thả. Mãi đến 3 giờ chiều, khi T.A lùa bò về mới chăm sóc, lo cho con gái ăn uống.

Lúc chúng tôi đến căn chòi, T.A đã đi vắng, còn cháu Núi ngồi trong mùng một mình. Nhìn thấy người lạ, cháu không hề khóc hay đòi ẵm như những đứa trẻ khác mà cứ nhìn chúng tôi. Cũng phải đợi hơn một giờ, T.A mới lùa bò trở về.

Căn chòi, nơi hai mẹ con T.A sinh sống ở vùng núi hẻo lánh

Chuyện T.A “vượt cạn” cũng khá bí ẩn. T.A sinh con cũng ngay trong vùng núi Lỗ Dàng, người đỡ đẻ là mẹ ruột của cô, nguyên là cán bộ thú y xã. Chúng tôi hỏi bà D. sao không đưa T.A đến trạm xá để sinh cho đàng hoàng, bà D. trả lời gọn trơn: “Nó cũng sinh rồi, có sao đâu. Mẹ tròn con vuông cả mà, cần gì đến trạm xá”. Khi đề cập đến chuyện đưa cháu Núi về nhà sinh sống thì cả ông H. và bà D. đều nói là T.A không đồng ý, vì mẹ ở đâu con ở đó.

Chiều 10.6, T.A đã đồng ý đến cơ quan chức năng trình báo sự việc. “Em sợ ba em đánh lắm. Ba em dọa giết cả mẹ con em nếu nói cho người ngoài biết. Em mà bỏ đi mà ba em biết được sẽ đánh chết”, T.A lo lắng. Ngay trong chiều 10.6, Công an H.Đồng Xuân đã mời ba mẹ ruột của T.A đến làm việc nhưng cả hai đều phủ nhận những lời khai của T.A.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ H.Đồng Xuân, chia sẻ: “Bây giờ tôi mới biết được chuyện mẹ con T.A sống biệt lập trong vùng rừng núi ở Lỗ Dàng. Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho mẹ con cháu T.A về tinh thần lẫn vật chất, còn hướng xử lý thì chờ chỉ đạo của huyện”.

Thượng tá Lê Văn Định, Trưởng công an H.Đồng Xuân cho biết, chiều 10.6 UBND huyện đã họp bàn hướng giải quyết trường hợp hai mẹ con T.A. Trước mắt, công an huyện bố trí phòng khách cho mẹ con T.A sống tạm. Và ngay trong buổi chiều, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã đưa hai mẹ con T.A đi khám sức khỏe, còn về lâu dài huyện sẽ xem xét hỗ trợ theo diện hộ nghèo.

Theo Thanh Niên

Từ khóa: