Theo AGR, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID – sàn HOSE) đạt 34.372 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng giảm thiểu đáng kể 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chi phí hoạt động được kiểm soát, tăng 16,8%, đã giúp lợi nhuận trước thuế đạt 11.084 tỷ đồng (tăng trưởng 37,5%), thực hiện được 54% kế hoạch cả năm.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư cũng tăng trưởng mạnh, đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng, lần lượt đạt 1.209 tỷ đồng (tăng 54,1%) và 65,9 tỷ đồng (tăng 113,4%).
Trong báo cáo cập nhật mới đây đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID), CTCK Agribank (AGR) cho biết, 6 tháng đầu năm, tín dụng của BID đã tăng trưởng tích cực lên mức 9,5% và sử dụng gần hết hạn mức được cấp ban đầu là 10%. AGR kỳ vọng ngân hàng sẽ được ưu tiên nới room tín dụng trong thời gian tới khi chất lượng tài sản ngày một cải thiện cùng việc đã tích cực hỗ trợ khách hàng trong đợt dịch Covid vừa qua.
Cũng theo AGR, NIM quý II/2022 đạt 3,04% tăng so với quý trước nhờ việc đẩy mạnh giao dịch số giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn nhưng giảm so với cùng kỳ (do lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ trong khi lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được duy trì). AGR cho rằng NIM của BID thời gian tới sẽ có thể cải thiện nhẹ nhờ việc mở rộng mảng bán lẻ và triển khai mạnh mẽ ngân hàng số.
Báo cáo cập nhật của AGR cũng cho biết, BID dự kiến chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 455,27 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 9%, thời gian thực hiện dự kiến trong 2 năm 2022 – 2023. Điều này sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn lực về vốn và cải thiện hệ số an toàn vốn CAR, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Nhờ việc tích cực xử lý nợ xấu trong thời gian qua, tỷ lệ nợ xấu (NPL) hết quý II/2022 của BID dù có tăng nhẹ lên 1,02% từ mức 0,97% đầu năm nhưng vẫn ở mức thấp trong ngành.
Bên cạnh đó, BID đã nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao kỷ lục 263% từ mức 259% quý I và trích lập dự phòng đủ 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu (thay vì phân bổ trong 3 năm) sẽ tạo bộ đệm vững chắc về tài sản và cơ hội hoàn nhập trong tương lai khi các khoản nợ xấu được xử lý.
AGR cho biết: “Chúng tôi duy trì đánh giá BID là một trong những ngân hàng có quy mô hàng đầu và nhiều tiềm năng tăng trưởng trong 2022. Chất lượng tài sản ngân hàng ngày một cải thiện sẽ giúp giảm thiểu đáng kể chi phí dự phòng cho năm nay và các năm tới”.
Cùng với đó, kế hoạch tăng trưởng ấn tượng 2022 và việc sẽ phát hành riêng lẻ 9% trong năm nay và 2023 sẽ là các catalyst hấp dẫn để đầu tư cổ phiếu này. Vì vậy, AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu BID, hướng tới giá mục tiêu là 46.000 đồng/CP.
Nhật Minh
Theo KTĐU