Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bình Định: Chè Gò Loi - đặc sản Hoài Ân đạt OCOP ba sao

Nhắc đến trà người tiêu dùng thường nghĩ đến Thái Nguyên, nơi có những đồi chè, nông trường chè mênh mông bát ngát, đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường từ lâu. Với người dân Bình Định cũng có một sản phẩm được xưng tụng là “danh Trà” được mang tên Trà Gò Loi.

Vang danh một thời

Theo lời kể của các bậc cao niên tại làng Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, chè Gò Loi có có nguồn gốc từ Thái Nguyên. Suốt những năm từ 1979 đến 1993, từ đội trà nhỏ, chè Gò Loi đã có những bước phát triển rực rỡ nhất: đi lên thành trang trại trà rồi tiến lên nông trại. Khi đó, chính quyền thành lập nguyên một nông trường Gò Loi chủ yếu trồng chè, cùng với đó là kết hợp chăn nuôi bò, heo, cá … Nông trường được tổ chức hoạt động bài bản với giám đốc, bộ phận lãnh đạo và các cán bộ có chuyên môn.  

Vườn trà xanh mát tại Gò Loi

Trong khoảng thời gian này, diện tích trồng chè ở vùng núi Thị kéo đến Gò Loi (đều thuộc Ân Tường Tây) lên tới 35 ha. Thời ấy, chè Gò Loi được “sinh ra trong vòng tay của cả tập thể, trong tiếng nói cười rộng ràng của bà con vùng núi rừng Hoài Ân. “Người xưa quý trà Gò Loi lắm, không phải muốn mua là có ngay đâu. Bởi, khi mua trà thì người ta phải xếp hàng để xin giấy giới thiệu có chữ ký của giám đốc nông trại thì mới được các nhân viên nông trại xuất kho.” một bô lão trong vùng cho hay. Sau hơn 15 năm phát triển với nhiều biến động, đến năm 1998, nông trường giải thể, phần lớn diện tích chè bị nhổ gốc để canh tác các giống cây trồng khác. Mất đi nông trường, chè Gò Loi dần vắng mặt trong “top danh trà” tại Việt Nam. Một đặc sản tâm huyết của người dân Bình Định dần dà chỉ còn “hữu danh”.

Quyết tâm hồi sinh danh trà trên “đất võ”
Sau nhiều năm “vắng bóng” trên thị trường, danh trà Gò Loi đã dần trở lại nhờ chất lượng tuyệt vời cùng với sự quyết tâm và niềm khao khát của người trồng trà và chính quyền nơi đây. Trung bình mỗi năm, người trồng trà Gò Loi ở xã Ân Tường Tây đưa ra thị trường khoảng 1000kg trà khô với mức giá dao động từ 300-500 ngàn đồng/kg. Bất chấp giá cao, các thượng khách vẫn sẵn sàng chi trả hàng triệu đồng để thưởng thức danh trà của nơi được mệnh danh là “đất võ, trời văn”. Việc khôi phục lại chè Gò Loi được xem như một mũi tên trung hai đích khi vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giải quyết vấn đề việc làm cho người dân sinh sống trên chính mảnh đất này.
Để xây dựng lại thương hiệu trà Gò Loi nức tiếng, các hộ kinh doanh đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhằm nâng cao chất lượng đồng thời ổn định về sản lượng trà hằng nănm. Một trong số đó là khâu kiểm soát chất lượng chè thô sau khi thu hoạch. Để có những chén trà thơm ngon, đậm vị, trà Gò Loi ngon nức tiếng được chế biến từ những búp trà một tôm hai lá non. “Chọn búp đinh (ngọn trên cùng của búp) ngắn, mập, chắc để khi sao xong sẽ cho đinh trà chắc, không bị vụn. Hái trà phải hái vào buổi sáng sớm khi vừa tan sương chưa có nắng để trà có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất”, một hộ sản xuất trà Gò Loi bật mí.

Những búp trà Gò Loi xanh tươi được thu hoạch khi sương sớm vừa tan

Trà Gò Loi chính hiệu khi chế ra có màu vàng hơi đậm, vị chát tương đối dịu. Tuy không đẹp hình như trà Thái Nguyên, cũng không đạt đến trình độ mốc cau- cánh đẹp như hoa cau và mốc trắng đều đặn như có tuyết bám vào, sắc nước cũng không vàng xanh bằng, nhưng vị đậm đà và độ ngọt của nước trà Gò Loi chính là đặc trưng làm cho nhiều người nhớ đến. 
Ông Đặng Văn Bằng, một người dân đã gắn bó với vùng đất Gò Loi chia sẻ: Mấy chục năm về trước, trà Gò Loi rất có tiếng tăm, là một sản phẩm vừa có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa là một đặc sản có giá trị văn hóa ẩm thực vùng miền. Nếu có điều kiện phát triển, trà Gò Loi sẽ góp phần làm tăng giá trị bản sắc không lẫn vào đâu của vùng đất trung du, miền núi tỉnh Bình Định.
Trà Gò Loi đang được các hộ dân chế biến bằng phương pháp thủ công và bằng máy. Đến nay, CLB trà Gò Loi sở hữu 14ha với 24 thành viên tham gia, trong đó có 5ha đang được khai thác. Tính trung bình, mỗi 1ha trà cho sản lượng 60 kg trà thương phẩm mỗi tháng, giá mỗi kilogam trà dao động từ 300 - 500 ngàn đồng, tùy theo loại. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, người trồng thu về khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. 
Các thành viên trong Câu lạc bộ trà Gò Loi cho rằng, cây trà Gò Loi phát triển trên vùng đất gò, thấy vậy thật không dễ dàng. Điều đặc biệt, cây trà rất nhạy cảm với thời tiết. Để có những búp chè đẹp, người trồng thật sự phải dày công chăm sóc. 
Ông Nguyễn Hữu Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trà Gò Loi cho biết: Trong khoảng thời gian từ năm 1985-1988, trà Gò Loi nằm ở đỉnh cao, diện tích trồng trà của Nông trường khoảng 32ha, chưa kể trồng tự phát trong dân. Rồi sau đó cây trà Gò Loi cũng chết dần theo sự giải thể của Nông trường.
Tiếc cho một danh trà từng lừng lẫy một thời, với mong muốn giữ lại đặc sản cho quê hương, một số người đã dùng hết tài sản để mua hóa giá khoảng 10ha trà mà không được quyền sở hữu đất. “Tôi và một vài hộ khác mua lại số ít diện tích đất có trà vì muốn giữ lại thương hiệu trà Gò Loi. Lúc ấy, nếu tôi không mua thì diện tích trà bây giờ sẽ biến mất. Cây trà Gò Loi vĩnh viễn chỉ còn lại cái danh” ông Oanh chia sẻ.

Mô hình vườn trà Gò Loi kiểu mẫu tại Hoài Ân của ông Nguyễn Hữu Oanh

Không những mua đất, đầu tư phát triển cây chè, Chủ nhiệm CLB trà Gò Loi còn nỗ lực nâng cao kỹ thuật chế biến và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm này. Ngày 19/05/2016, thương hiệu Trà Gò Loi đã chính thức được công nhận với tên nhãn hiệu “Hữu Oanh”. Như vậy, sau gần 20 năm kể từ ngày Nông trường trà Gò Loi giải thể, thương hiệu trà Gò Loi chính thức được hồi sinh, góp mặt vào thị trường hàng tiêu dùng bằng chính sự nỗ lực và niềm đam mê cây trà của những người con “đất võ”.

Huyện Hoài Ân đánh giá cây trà là một trong bảy loại cây trồng nằm trong cơ cấu phát triển để trở thành hàng hóa trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện. Theo đó, cây trà được xếp đầu bảng, kế đến là bơ sáp, bưởi da xanh, dừa xiêm, sầu riêng. 
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hoài Ân quy hoạch phát triển diện tích trồng cây trà 42,5 ha. Theo đó, sẽ thực hiện hỗ trợ 100% về giống, 20% hệ thống tưới tiêu, điện nước và kỹ thuật cho các hộ dân trồng trà. Vùng trồng trà nguyên liệu cũng không chỉ dừng ở xã Ân Tường Tây mà sẽ mở rộng ra nhiều xã khác. 
Để tiếp sức cho danh trà Gò Loi vang xa, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm trà Gò Loi và bưởi Hoài Ân cho huyện Hoài Ân, giúp cho thương hiệu trà Gò Loi phát triển, lan rộng vươn xa trong cả nước và xuất khẩu ra thế giới.

Văn Minh 
Theo Kinh tế và Đồ uống

Từ khóa: