Với việc cả 3 loài tê tê châu Á được liệt kê trong Phụ lục II của CITES (Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động vật hoang dã nguy cấp) thuộc ''hạn ngạch 0'', đồng nghĩa với việc cấm mọi hoạt động buôn bán quốc tế.
Với việc cả 3 loài tê tê châu Á được liệt kê trong Phụ lục II của CITES (Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động vật hoang dã nguy cấp) thuộc ''hạn ngạch 0'', đồng nghĩa với việc cấm mọi hoạt động buôn bán quốc tế. Tuy nhiên, buôn bán bất hợp pháp loài có trong sách đỏ này vẫn tiếp tục bởi nhu cầu của thị trường và do nó đem lại lợi nhuận kếch xù.
Do nhu cầu cao tại thị trường nội địa của nhiều nước Đông Nam Á , tê tê hiện bị săn bắt ráo riết nhất. Ảnh: Trung Nguyên
Do nhu cầu tiêu thụ các bộ phận cơ thể của tê tê luôn cao nên hoạt động săn bắt và buôn bán loài động vật này diễn ra rộng khắp. Thịt tê tê bị chế biến thành các món đặc sản, vảy được đồn đoán là dùng trong các phương thuốc cổ truyền, da làm đồ thời trang như giầy hay túi xách.
Trong y học cổ truyền của Trung Quốc cũng như nhiều phương pháp chữa bệnh bản địa khác tại Đông Nam Á, người ta tin rằng vảy tê tê mang lại sức mạnh kỳ diệu, chữa được nhiều loại bệnh như dị ứng, bệnh ngoài da và bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Thậm chí, trong một số nền văn hóa, thảo mộc trộn lẫn với vảy và máu tê tê tạo ra một loại hỗn hợp được sử dụng như một biệt dược và chất kích dục.
Do nhu cầu cao tại thị trường nội địa của nhiều nước Đông Nam Á, tê tê hiện bị săn bắt ráo riết nhất. Trước đây, các khu rừng nhiệt đới ở Việt Nam và Lào đáp ứng đa phần nhu cầu từ miền Nam Trung Quốc trước khi mức khai thác cao đẩy chuỗi cung cấp hướng về vùng Đông Nam.
Chiếc xe Camry bị bọn buôn lậu tê tê bỏ lại. Ảnh: Trung Nguyên
Cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tỉnh, giáp với huyện Khăm-cớt, tỉnh Bô-ly-khăm-xây của nước bạn Lào, được xem là một trong những điểm buôn lậu động vật hoang dã nói chung và tê tê nói riêng lớn vào Việt Nam. Hồi đầu năm nay, cơ quan chức năng Hà Tĩnh bắt một vụ buôn lậu gần 450kg tê tê. Điều đáng nói là, các đội tượng buôn lậu vứt cả chiếc ô tô Camry đời mới trị giá hàng tỷ đồng để thoát thân.
Ông Lê Ngọc Danh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết, bên Lào giá tê tê chỉ khoảng 1,5 - 2 triệu/kg, vận chuyển về Việt Nam có giá từ 5 - 6 triệu đồng/kg, với số lượng trên, chỉ cần một chuyến trót lọt bọn buôn lậu có thể “hoàn vốn”.
Việc ngăn chặn buôn lậu tê tê từ biên giới vẫn là thách thức với các cơ quan chức năng. Vẫn theo ông Danh, các đối tượng buốn bán động vật hoang dã trên địa bàn này chủ yếu đi theo quốc lộ 8 kết nối khu trung tâm buôn bán với nước bạn Lào. Hơn nữa, những đoạn có trạm kiểm soát, dân buôn lậu thường thuê người địa phương vận chuyển cắt qua rừng.
Chi cục Phó Chi cục Hải quan Cầu Treo Nguyễn Ngưu cho biết, tê tê bên Lào có thể là chính ngạch (theo tìm hiểu, Lào có cấp một số quata cho việc buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã - PV), do đó công tác điều tra ngăn chặn ngay bên Lào là rất khó. Chưa kể, cơ quan hải quan và các lực liên quan vẫn chưa có quy chế phối hợp trao đổi thông tin với nước bạn Lào.
Việc đón lõng bắt giữ ở cửa khẩu như muối bỏ bể, bởi các đối tượng vận chuyển hết sức tinh vi. Anh Sâm, một người dân địa phương thường xuyên đi lại cửa khẩu này cho biết, luôn có một nhóm khoảng từ 10 - 20 người chuyên vận chuyển thuê. Tê tê tập kết bên cửa khẩu Lào sẽ được những nhóm này vận chuyển vào Việt Nam. Thường là họ đi tắt trong rừng mà đường đi chỉ có dân bản địa mới biết. Mỗi con tê tê nặng từ 7 - 8kg, cứ 2 con buộc thành 1 cặp, 1 người đeo 3 cặp như thế, tức là 6 con, nặng khoảng 40kg. Như vậy, 10 người có thể vận chuyển ngon lành hằng trăm kg tê tê. Việc bắt giữ những người vận chuyển là vô cùng khó. Các cơ quan chức năng chỉ có thể đón lõng khi chúng tập kết lên ô tô.
Ngăn chặn buôn lậu đã khó, thì công tác bảo tồn và duy trì sự sống cho tê tê lại càng khó khăn hơn do kiến thức về loài này của chúng ta còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc xử lý còn nhiều rườm rà, khiến việc cứu hộ loại động vật quý hiếm này ít khi thành công.
Theo ông Nguyễn Ngưu, sau khi bắt giữ, nên lập hội đồng và thả ngay vào rừng, chứ không nên vận chuyển tiếp vì tê tê sẽ chết nhiều. Bên cạnh đó, khi phát hiện một vụ vi phạm, nên điều tra đến tận cùng, chứ nửa vời như lâu nay là không được.
Một vấn đề nữa, mặc dù hoạt động buôn bán tê tê là dễ nhận thấy nhất và sôi động không kém, song dường như người ta vẫn quan tâm nhiều hơn đến buôn bán hổ, ngà voi, khiến việc ngăn chặn sự tiêu diệt của loài động vật này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Trung Nguyên
theo Thanh tra