Là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong thực hiện điều phối hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương của Việt Nam, trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức đa dạng.
Theo đó, tại trụ sở Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương), đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ chính thức về tăng cường hợp tác trong hoạt động XTTM, giữa Cục XTTM với Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan (PUM) và giữa Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin & Chuyển đổi số trong XTTM với Sàn Thương mại điện tử Misslinh.
Các Biên bản ghi nhớ chính thức được ký kết, nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và triển khai hiệu quả cũng như thiết lập cơ chế triển khai các hoạt động XTTM, tạo điều kiện thuận lợi để các DN tại Việt Nam tham gia hiệu quả các hoạt động xúc tiến xuất khẩu thông qua môi trường số, kết nối, giao thương với các DN quốc tế, góp phần đưa sản phẩm, thương hiệu của các DN Việt Nam tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế.
Tại Lễ kí kết, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong thực hiện, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phát triển công thương Việt Nam, trong thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều hình thức, đa dạng, kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Đồng thời tích cực triển khai nhiều khuôn khổ hợp tác với các đối tác nước ngoài, các đối tác trong nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam tham gia tích cực vào công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu.
Với mục tiêu thúc đẩy và nâng cao năng lực xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thị trường mới, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại trong thời gian qua và tới đây sẽ tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thế mạnh về chuyển đổi số trên thế giới nhằm phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng tốc độ giao dịch và xử lý đơn, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường với khách hàng tiềm năng, đóng góp tích cực vào thành tích xuất khẩu chung của Việt Nam.
Việc Cục Xúc tiến thương mại ký kết thoả thuận hợp tác với Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan và Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Cục Xúc tiến thương mại ký với sàn thương mại điện tử MISSLINH - một trong những sàn thương mại B2B tại Hà Lan sẽ là dấu mốc quan trọng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và triển khai hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là nông sản sang EU trong thời gian tới.
Ông Sven Dekker, Điều phối viên quốc gia của Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, việc kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giúp hiện thực hóa hai cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam: Tư vấn từ Tổ chức PUM trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu và các cơ hội xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử Misslinh.
Tổ chức chuyên gia cao cấp Hà Lan là tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để tham gia xuất khẩu. Sàn thương mại điện tử MISSLINH là nền tảng thương mại điện tử độc đáo có thể đưa hàng hoá xuất khẩu vào thị trường EU. “Cả 2 tổ chức làm việc theo nguyên tắc minh bạch, phát triển bền vững. Chúng tôi cùng nhau làm nhiệm vụ tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU”, ông Sven Dekker nói.
Sàn Thương mại điện tử Misslinh (Misslinh) là một trong những nền tảng thương mại điện tử trực tuyến B2B tại Hà Lan với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu sản phẩm Việt, đặc biệt là sản phẩm nông sản sang Châu Âu. Nền tảng này tập trung vào những yếu tố hỗ trợ cho thương mại bền vững như: Tính bền vững, cung cấp các sản phẩm tiềm năng từ các nhà cung cấp Việt Nam có trách nhiệm với xã hội và đóng vai trò tiên phong cho sự bền vững; sự bình đẳng, các doanh nghiệp đang kinh doanh sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; tính minh bạch, Miss Linh hướng đến sự minh bạch về thông tin liên quan đến mua-bán tại đây.
Việc ký kết MOU giữa Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và PUM có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam về xúc tiến thương mại, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế chính như: An ninh lương thực (nông nghiệp và trồng trọt, chăn nuôi gia súc, ong, cá, thức ăn và thức uống); Y tế và môi trường (chăm sóc sức khỏe, năng lượng, nước, rác thải, môi trường/CSR); Công nghiệp và thương mại (hóa chất và nguyên vật liệu tổng hợp, dệt và da, xây dựng và công trình, công nghiệp kim loại); Dịch vụ (du lịch và khách sạn, giáo dục và đào tạo dạy nghề, tư vấn doanh nghiệp).
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống