Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, Bộ Công Thương đã khẩn trương phê duyệt và ban hành Chương trình cấp quốc gia về XTTM và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động XTTM ở trong nước và quốc tế.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023 công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ DN phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo đó, sẽ có hàng trăm ngàn lượt doanh nghiệp được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này trong đó ưu tiên triển khai các các nội dung như:
Các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng quốc tế, tổ chức gian hàng quốc gia quảng bá sản phẩm xuất khẩu tại các hội chợ chuyên ngành quốc tế có uy tín tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới có tiềm năng; tổ chức các hội nghị ngành hàng quốc tế lớn tại Việt Nam để quảng bá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, quảng bá ngành hàng xuất khẩu và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu.
Phát huy nguồn lực trong và ngoài nước đẩy mạnh quảng bá thương hiệu quốc gia song song quảng bá thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm, và sản phẩm đặc sản vùng miền ở thị trường nước ngoài; Tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở trong và ngoài nước.
Phát huy vai trò hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo; thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin thị trường, tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước.
Đáng nói, công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất tới 22,7% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 21,52 tỷ USD. Hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 245 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 2,14 tỷ USD, chiếm 19,8%.
Đối với thị trường Trung Quốc, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ NN&PTNT hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch để tận dụng các cơ hội.
Tiến Hoàng/KTDU
Theo kinhtedouong.vn