Hoạt động xúc tiến thương mại, nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã đạt được các kết quả tích cực và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác xúc tiến thương mại của cả nước; thực hiện tốt việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả các thị trường truyền thống, các thị trường có tiềm năng và các thị trường đã ký hiệp định FTA.
Bộ Công Thương đã cùng với các hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại không ngừng đổi mới cách thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.
Tại hội nghị “Xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại” đã có hơn 400 doanh nghiệp từ 23 tỉnh, thành phố tham gia và cùng thảo luận về các phương thức tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại qua đó các sản phẩm tiềm năng của các địa phương tại Việt Nam sẽ dần dần thâm nhập và phát triển tại thị trường quốc tế.
Từ góc độ doanh nghiệp, Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng đã nêu lên 5 giải pháp nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu Việt, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường, chủ động kết nối, tạo điều kiện tốt nhất để đưa các sản phẩm chất lượng, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương vào tiêu thụ tại hệ thống gần 1.000 điểm bán của Saigon Co.op.
Thứ hai, tiếp tục phát triển thêm nhiều mô hình bán lẻ hiện đại mới, đặc biệt là Thương mại điện tử, Omni Channel... nhằm tăng tính kết nối trong tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân và khách hàng, đồng thời góp phần trong định hướng sản xuất và tiêu dùng theo xu hướng mới, hiện đại, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, đầu tư xây dựng trung tâm thu mua tại các vùng nguyên liệu ở nhiều khu vực trọng điểm (đối với khu vực miền Bắc là kho trung tâm tại Bắc Ninh), thúc đẩy phát triển nhanh các vùng đặc sản, vùng chuyên canh nông nghiệp, bao tiêu hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà sản xuất – nhà phân phối và người tiêu dung.
Thứ tư, hợp tác với Liên minh hợp tác xã Việt Nam để xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ kết nối thông tin và tăng tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương. Phối hợp với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh thành để hỗ trợ phân phối các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh...
Thứ năm, thực hiện các chương trình quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, uy tín ra các thị trường xuất khẩu của Saigon Co.op để thúc đẩy những mặt hàng nông nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới; đồng thời từng bước hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp, đơn vị sản xuất, nông dân hướng đến một quy chuẩn sản xuất đạt chuẩn quốc tế, khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.
Còn theo Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại-Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng có những lưu ý khi các doanh nghiệp Việt xuất hàng sang thị trường Nhật Bản như sau:
(1) Tiêu chuẩn chất lượng khắt khe - Nhật Bản là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng với hàng nhập khẩu khắt khe nhất thế giới. Hàng hóa nước ngoài muốn vào Nhật bắt buộc phải có giấy chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đã đặt ra. Đối với hàng nông lâm thủy sản cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, và đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS – Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật; trong khi hàng công nghiệp cần phải đáp ứng điều kiện về quy cách sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật, quy định ghi nhãn hay các quy định ghi trong JIS – Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản
(2) Hệ thống phân phối phức tạp; gồm quan Hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản phức tạp từ lâu đời nhiều tầng cấp khác nhau, với các chức năng riêng biệt. Ví dụ hầu như mọi chuỗi siêu thị của Nhật Bản không nhập khẩu hàng trực tiếp từ nhà cung ứng nước ngoài, mà mua các đầu mối nhập khẩu lớn. Điều này đổi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài phải thiết lập được mối hệ tốt với các đầu mối nhập khẩu lớn của Nhật Bản.
(3) Thị hiếu tiêu dùng, văn hóa kinh doanh đặc thù: Thị hiếu tiêu dùng: từ trước đến nay đối với người dân Nhật Bản khi mua hàng thì chất lượng là yếu tố được quan tâm nhất. Các hàng hóa được sản xuất nội địa tại Nhật có chất lượng cao, điều này tạo ra tâm lý tiêu dùng của người Nhật luôn đòi hỏi các sản phẩm phải có chất lượng tốt, kể cả các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài; văn hóa kinh doanh: khi gặp gỡ đối tác Nhật lần đầu tiên thì doanh nghiệp Việt Nam cần mang theo danh thiếp, catalogue, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu... Cần đảm bảo đúng giờ và giữ lời khi đã hứa hẹn một việc gì đó với đối tác
(4) Một số lưu ý khác khi xuất khẩu sang Nhật Bản - Tận dụng các cam kết cắt giảm thuế trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...; tích cực tìm thông tin, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế giới thiệu hàng hóa sản phẩm của mình với các khách hàng nước ngoài. Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc chủ động tìm đến với thị trường và giới thiệu hàng hóa tới người mua sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp; tận dụng các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Nhật Bản (Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp, các Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài...).
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, nhấn mạnh: Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”. “Các hình thức xúc tiến thương mại sẽ được triển khai đa dạng, phù hợp với từng thị trường, ngành hàng, đối tượng hỗ trợ. Nguồn lực được tập trung cho các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu, có tính trung và dài hạn; đẩy mạnh các hình thức xúc tiến thương mại mới thông qua môi trường số”.
Tiến Hoàng/KTDU