Nếu ai từng ngược xuôi, vào Nam ra Bắc trên quốc lộ 1A, qua cây cầu dài thứ hai ở miền Trung, bắc qua vùng hạ lưu sông Thu Bồn giữa hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đó là Cầu Mống. Ở đây, có một món ăn khá nổi tiếng là bò tái. Chỉ quanh quẩn mấy quán bò tái dọc hai bên đường mà người ta gọi là “phố bò tái Cầu Mống”. Từ sáng sớm đến chín mười giờ đêm, các quán lúc nào cũng có khách.
Nếu ai từng ngược xuôi, vào Nam ra Bắc trên quốc lộ 1A, qua cây cầu dài thứ hai ở miền Trung, bắc qua vùng hạ lưu sông Thu Bồn giữa hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đó là Cầu Mống. Ở đây, có một món ăn khá nổi tiếng là bò tái. Chỉ quanh quẩn mấy quán bò tái dọc hai bên đường mà người ta gọi là “phố bò tái Cầu Mống”. Từ sáng sớm đến chín mười giờ đêm, các quán lúc nào cũng có khách.
Để có lát thịt bò tái cũng lắm công phu. Trước hết, phải chọn con bò tơ và béo. Sau khi mổ bò, người ta dùng cây dâu, bó từng bó và thui. Bò thui bằng cây dâu sẽ thấm đậm và rất thơm. Bây giờ, nơi đây không còn trồng dâu nuôi tằm, người ta thui bò bằng than củi. Khi thui xong, xẻ và xắt thịt sao cho đúng cách, cho đẹp - nếu miếng thịt xắt dày quá ăn mất ngon, mỏng quá ăn cũng không thấy vừa miệng.
Ảnh: Trần Thế Vinh
Khi vào quán, trình tự chủ quán sẽ mang ra cho thực khách trước tiên là một đĩa rau tươi rói, đĩa thịt bò tái màu hồng vàng hấp dẫn, cộng thêm chén mắm nêm thơm lừng, vài trái ớt xanh, chiếc bánh tráng nướng giòn. Cứ thế, khách gắp lát bò tái kẹp rau sống chấm với nước mắm nêm và cắn miếng bánh tráng giòn tan. Khi ăn vào, thực khách cảm nhận được vị ngòn ngọt của thịt bò, mùi thơm của mắm nêm, mùi cay cay của ớt, mùi hăng hăng của các loại rau và tỏi, tất cả sẽ tạo thành hương vị quyến rũ, khó quên.
Nếu không kèm với món mắm nêm, coi như... không phải ăn bò tái. Mắm nêm được chế biến từ mắm cái, là món được người dân xứ Quảng ưa chuộng. Cách chế biến khá đơn giản. Nấu nước sôi để nguội rồi đổ mắm cái với những con mắm còn nguyên vẹn, đánh cho rã ra và lọc, loại bỏ phần cái, chỉ còn phần nước. Kế tiếp,
gia thêm tỏi, gừng, ớt, đường, vị tinh, giấm hoặc chanh tươi... Đấy là loại nước chấm đặc biệt để chấm thịt bò tái. Còn rau kẹp với thịt bò tái có xà lách, húng, dưa leo, chuối chát xắt lát mỏng và một số rau thơm khác ở vùng rau Trà Quế.
Bò tái bây giờ không chỉ có ở Cầu Mống quê tôi, mà xuất hiện khắp nơi: Đà Nẵng, Hội An, thậm chí cả ở TP.HCM, Hà Nội cũng có những quán mang tên bò tái Cầu Mống. Thực tình, tôi cảm thấy ở những nơi đó, họ thui bò không được ngon, nước chấm không được chế biến thành thục, rau cũng không phải “chính thống” loại rau Trà Quế, Hội An. Rất nhiều du khách đi du lịch Hội An thường qua đây, nếu đi máy bay họ mua vài ký thịt bò tái và nước chấm của Cầu Mống mang về TP.HCM hay Hà Nội, làm quà cho gia đình.
Trần Thế Vinh
Theo Thanhnien