Sự kiện hot
3 năm trước

Bộ Tài chính sẽ bịt lỗ hổng phát hành trái phiếu riêng lẻ như thế nào?

Bộ Tài Chính cho biết sau khi trình Thủ tướng thông qua sẽ triển khai sớm việc sửa đổi Nghị định 153 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giải quyết những tồn tại trong thời gian qua, tăng cường giám sát, quản lý để thị trường TPDN phát triển minh bạch, an toàn và bền vững.

"Răn đe cần thiết"

Sau giai đoạn kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dòng tín dụng từ 2017 trở về trước, kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã dần đóng vai trò quan trọng hơn trên thị trường vốn Việt Nam những năm gần đây. Theo số liệu của Bộ Tài chính, quy mô thị trường TPDN chiếm 18,2% GDP vào cuối năm 2021, tăng mạnh so với con số khoảng 4,9% GDP tại thời điểm năm 2017, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn đa dạng cho các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, sự phát triển nóng của kênh trái phiếu doanh nghiệp trong khoảng ba năm gần đây đã bắt đầu lộ diện nhiều rủi ro cho thị trường tài chính. Rủi ro càng lớn dần khi khối lượng trái phiếu đến hạn kể từ giữa năm nay đến năm 2023 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành, áp lực trả nợ của các doanh nghiệp khá cao, theo SSI Research.  

Trường hợp trái phiếu của Tân Hoàng Minh là hồi chuông cảnh báo đối với các nhà làm chính sách. Các báo cáo gần đây từ các cơ quan quản lý đã cho thấy đã có rất nhiều doanh nghiệp đã huy động được lượng trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng, gấp vài chục lần vốn chủ sở hữu, thậm chí không ít trường hợp doanh nghiệp chưa thể làm gì để tạo ra dòng tiền, nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu lãi suất cao nhằm đánh vào nhu cầu lợi tức cao hơn của người dân, không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.

 Sức nóng của thị trường vốn, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp đang là một trong những chủ đề được quan tâm lớn nhất hiện nay. (Ảnh: V.D)

Bàn thêm về vấn đề này tại phiên thảo luận chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề: “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” do Ban Kinh tế trung ương tổ chức, các diễn giả tham gia bày tỏ quan điểm lo ngại về tính minh bạch của thị trường từ góc độ chính sách quản lý, giám sát và các thực thể tham gia thu xếp vốn cho doanh nghiệp đáng báo động. Do vậy, các giải pháp tăng cường tính minh bạch cho thị trường TPDN là ưu tiên hàng đầu. 

Về việc xử lý các sai phạm trên thị trường cổ phiếu và TPDN thời gian gần đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng thuộc Bộ Tài chính cho rằng đây là “động thái rất phù hợp, mang tính cảnh báo răn đe và tăng luận cứ để giúp cải thiện tính minh bạch thông tin”.

Ộng Dương cho biết sẽ tăng cường các quy định làm rõ hơn phạm vi trách nhiệm của các bên tham gia thị trường, quy định rõ trách nhiệm công bố thông tin giữa các bên. Thậm chí, Bộ Tài chính cũng đang cân nhắc yêu cầu việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng cần phải có xếp hạng tín nhiệm.

Kiến nghị tại diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” diễn ra trước đó, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp bao gồm Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ và cả Nghị định 156 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. 

Bên cạnh đó, TS Lực cũng lưu ý về quy định tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản đảm bảo có rủi ro có tính biến động nhanh như cổ phiếu, quyền tài sản phát sinh hoặc tài sản khó xác định giá trị như bất động sản hình thành trong tương lai, cổ phiếu chưa niêm yết. 

Dự thảo sửa đổi quy định tại Nghị định 153 về cơ bản sẽ siết chặt hoạt động phát hành, hướng dòng vốn về đúng chỗ

Báo cáo Thủ tướng về giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách, Bộ Tài chính cũng đã tổng hợp các hiện tượng tiềm ẩn rủi ro, có dấu hiệu “lách” quy định trong quá trình kiểm tra tại ác doanh nghiệp và một số tổ chức cung cấp dịch vụ về trái phiếu trong năm 2021, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát thị trường bao gồm việc sửa đổi quy định tại Nghị định 153, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện các chính sách liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ, giao dịch TPDN riêng lẻ và tăng cường hoạt động thanh kiểm tra tại các công ty chứng khoán, NHTM, doanh nghiêp nghiệp phát hành và các trung gian khác. 

Về quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153, Bộ Tài chính cho biết sẽ quy định chặt chẽ hơn điều kiện phát hành nhằm hạn chế doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn hoạt động, ảnh hưởng khả năng thanh toán gốc, lãi của doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp chỉ được phát hành TPDN không quá 3 lần vốn chủ sở hữu, nếu phát hành vượt 1 lần vốn chủ sở hữu thì trái phiếu phát hành phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của TCTD. 

Để khắc phục hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD đối với một khách hàng/nhóm khách hàng, tại Nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính dự kiến sẽ thu hẹp mục đích phát hành để hạn chế tình trạng này.

Cụ thể, doanh nghiệp không được phát hành để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp của doanh nghiệp khác (ngoại trừ các trường hợp (i) tổ chức tín dụng;(ii) doanh nghiệp phát hành để đầu tư theo hình thức góp vốn vào doanh nghiệp là các công ty cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ, công ty con để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (iii); doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiệp phương án hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp được Đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty thông qua).

Doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải mua lại trái phiếu của nhà đầu tư nếu vi phạm pháp luật và vi phạm phương án phát hành. Quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ phát hành trong việc tuân thủ theo phương án phát hành trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích đã công bố thông tin cho nhà đầu tư.  

Đối với tình trạng tài sản đảm bảo kém chất lượng, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 dự kiến sẽ quy định tài sản đảm bảo của trái phiếu phải được định giá và đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo. Việc chào bán cho nhà đầu tư cá nhân phải có đại diện người sở hữu trái phiếu để nâng cao chất lượng trái phiếu, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. 

Ngoài ra, nhằm hạn chế rủi ro doanh nghiệp lách luật phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, dự thảo sửa đội Nghị định 153, Bộ Tài chính sẽ định hướng nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào trái phiếu có độ an toàn và công khai minh bạch cao hơn.

Dự thảo sắp tới sẽ quy định nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của TCTD.  

Đồng thời, triển khai tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp và nâng cao công bố thông tin, chế độ báo cáo để tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường TPDN. Quy định tổ chức cung cấp dịch vụ về TPDN chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát điều kiện phát hành và chào bán cho đúng đối tượng đầu tư.

Năm 2022, kinh tế bắt đầu hồi phục sau COVID-19, Bộ Tài chính đánh giá nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, TPDN tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, việc thị trường tăng trưởng nóng sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường tài chính, ảnh hưởng đến nhu cầu huy động vốn hợp pháp của các doanh nghiệp để đầu tư mở rộng kinh doanh. 

Bộ Tài Chính cho biết sau khi trình Thủ tướng thông qua sẽ triển khai sớm việc sửa đổi Nghị định 153 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giải quyết những tồn tại trong thời gian qua, tăng cường giám sát, quản lý để thị trường TPDN phát triển minh bạch, an toàn và bền vững.

Linh Lam
Theo Dòng Vốn Kinh Doanh

Từ khóa: