Sự kiện hot
11 năm trước

Bún sạch chờ giải oan

Trước “cơn bão” thông tin tinopal có trong bún đang “càn quét” thị trường, các chủ cơ sở sản xuất bún tại TPHCM mong chờ cơ quan chức năng giải oan cho bún sạch, khôi phục lòng tin của người tiêu dùng.

Trước “cơn bão” thông tin tinopal có trong bún đang “càn quét” thị trường, các chủ cơ sở sản xuất bún tại TPHCM mong chờ cơ quan chức năng giải oan cho bún sạch, khôi phục lòng tin của người tiêu dùng.

“Chuyện sản xuất kinh doanh bún đang tụt dốc lắm rồi. Cách đây một tuần còn giữ được mức giảm doanh số 50%, nay còn giảm sâu hơn nữa”, ông Đỗ Công Điều - chủ cơ sở sản xuất bún Tú Linh (quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ.


Tiểu thương bán bún Đỗ Thị Diệu Hiền (TP HCM) nói, hôm nay cười được là vì sức mua đã hồi phục chút ít. Ảnh: Đ.Bá.

Chìm trong “bão tinopal”

Ông Điều cho rằng, lòng tin của người tiêu dùng vào mặt hàng bún nói chung đang bị lung lay dữ dội. “Sản phẩm của chúng tôi có bao bì nhãn mác rõ ràng, nhưng nỗ lực của nhà sản xuất là không ăn thua trong việc cải thiện lòng tin người tiêu dùng. Phải có sự tiếp sức mạnh mẽ từ cơ quan chức năng mới được”, ông Điều chia sẻ.

Đồng cảnh với ông Điều là hàng trăm nhà sản xuất bún an toàn trên địa bàn TPHCM. Bà Phạm Thị Mai - chủ cơ sở sản xuất bún Kiều Trang (quận Gò Vấp) cũng đang hết sức lo lắng bởi doanh số bán hàng sụt giảm. “Thê thảm” là từ mà bà chủ cơ sở bún dùng mô tả chuyện kinh doanh mặt hàng này trong thời kỳ “bão tinopal”. “Cả hai kênh phân phối là chợ lẻ và siêu thị đều chưa thấy có dấu hiệu gì tiến triển. Từ trước đến nay, chúng tôi làm bún sạch có nhãn mác. Bây giờ, chỉ biết trông chờ vào sự khôi phục lòng tin của người tiêu dùng, mà việc này ngoài tầm với của chúng tôi rồi”, bà Trang nói rõ hơn.

Chủ một cơ sở sản xuất bún sạch tại quận Gò Vấp cho biết: “Dù trước đó chúng tôi chủ yếu cung cấp bún cho các bếp ăn tập thể nhưng thông tin bún nhiễm tinopal cũng làm doanh số sụt giảm. Sau đó chúng tôi đưa những bằng chứng về độ an toàn với sự xác nhận từ cơ quan chức năng nên khách hàng yên tâm quay trở lại. Sở dĩ nhiều đơn vị sản xuất bún khác khó hồi phục doanh số bởi kênh bán lẻ phụ thuộc vào số đông, mà tâm lý số đông thì đang hoang mang”. Ông này cũng cho biết thêm, qua sự việc này có lẽ chính quyền các địa phương cần phối hợp với quản lý thị trường, ban quản lý chợ… yêu cầu các tiểu thương cam kết bán bún có thương hiệu nhãn mác rõ ràng. Nhà sản xuất là gốc, còn các tiểu thương là ngọn. Cả gốc và ngọn cùng vào cuộc thì may ra cứu được bún sạch.

Bún “bẩn” còn rất ít

Nhiều động thái từ cơ quan chức năng cho thấy việc “giải cứu bún sạch” đang được thực hiện rất ráo riết. Tin từ Sở Công Thương TPHCM cho hay, trong ngày hôm nay (12/8), đơn vị này sẽ phối hợp cùng Sở Y tế công bố danh sách các cơ sở sản xuất bún an toàn, bún sạch đã vượt qua quá trình kiểm nghiệm thực hiện từ giữa tháng 7 đến nay. “Tuy chưa thật đầy đủ, toàn bộ các cơ sở sản xuất bún trên địa bàn nhưng có được bao nhiêu là chúng tôi công bố bấy nhiêu để người tiêu dùng sớm an tâm quay trở lại với mặt hàng này. Danh sách cơ sở sản xuất bún sạch sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất”, bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

Trước đó (ngày 7/8), trong Hội nghị chuyên đề về tình hình ATVSTP trên địa bàn TPHCM, Trung tâm Sắc Ký Hải Đăng (nơi được cơ quan chức năng chuyển mẫu bún kiểm nghiệm) loan báo tín hiệu vui cho thấy số lượng mẫu bún nhiễm tinopal đã giảm nhanh chóng, những ngày đầu tháng 8 chỉ còn 8/144 mẫu bún kiểm tra phát hiện tinopal, giảm nhiều so với 46/146 mẫu bún nhiễm tinopal hồi tháng 7. Một số chuyên gia cũng đã lên tiếng về việc dùng đèn cực tím (dùng soi tiền giả) nhằm xác định bún nhiễm tinopal là hoàn toàn không chính xác. GS Chu Phạm Ngọc Sơn - người đứng đầu Hội Hóa học TPHCM, đồng thời làm việc tại Trung tâm Sắc Ký Hải Đăng cũng khẳng định để xác định tinopal có trong bún cần phải dùng máy móc hiện đại và các kỹ thuật phức tạp, không đơn giản là thấy bún phát quang dưới đèn cực tím là truy hô bún nhiễm tinopal.

Những nỗ lực từ cơ quan chức năng và các chuyên gia nhằm khoanh vùng bún “bẩn” đang phần nào giúp khôi phục lòng tin của người tiêu dùng. Mặc dù lòng tin ấy còn khá lâu mới trở lại như xưa thông qua doanh số bán hàng của nhà sản xuất, tuy nhiên một số tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng bún tại các chợ nhỏ lẻ đã bắt đầu nở nụ cười. “Tui bán bún hơn 20 năm, chưa thấy khi nào khách hàng quay lưng với bún như những ngày qua. Mấy hôm trước cười không nổi, nhưng bây giờ cười được chút rồi vì sức mua đang hồi”, tiểu thương Đỗ Thị Diệu Hiền, người kinh doanh bún tươi ở chợ Bắc Ninh (Thủ Đức) cho biết.

Công bố 3 cơ sở sản xuất chứa tinopal

Sáng 10/8, Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM (Sở Y tế TPHCM) công bố phát hiện 6 mẫu sản phẩm bún tươi, bánh phở, bánh hỏi của 3 cơ sở sản xuất trên địa bàn TPHCM có chứa tinopal, acid oxalic (là hoá chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế) và natri sulfite (là chất có trong danh mục nhưng vượt mức cho phép).

Cụ thể, cơ sở Hoàng Thành (địa chỉ 751/40H/15 Hồng Bàng, quận 5) có 2 mẫu bánh hỏi chứa tinopal, 1 mẫu bánh hỏi và 1 mẫu bánh lọt chứa natri sulfite vượt mức cho phép. Hộ kinh doanh Phương Dung (địa chỉ 71/486E Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp) có 1 mẫu bún bò chứa tinopal với hàm lượng 0,35 mg/kg. Công ty TNHH Cát Tường (địa chỉ 38/73 đường 50, phường 14, quận Gò Vấp) có 1 mẫu bánh phở chứa acid oxalic.

Theo BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục An toàn thực phẩm TPHCM, đây là các mẫu được lấy qua chương trình kiểm tra, giám sát ATVSTP chủ động trên địa bàn thành phố của chi cục trong 7 tháng đầu năm 2013. Các mẫu công bố ở trên có thực hiện xét nghiệm đối chứng với Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia.

Tính tới thời điểm hiện nay, các đoàn kiểm tra đã kiểm tra được 241 lượt trên 212 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ bột, tinh bột trên địa bàn TPHCM, lấy 166 mẫu kiểm tra các chỉ tiêu tinopal, acid oxalic, natri sulfite và natri benzoat. Sở Y tế TPHCM sẽ tiếp tục thông tin tình hình kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ bột, tinh bột trên địa bàn thành phố.

Q.Hà

Đỗ Bá
theo GĐ&XH

Từ khóa: