Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều công việc chuyển sang số hoá trên nền tảng online, nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao. Trước thực tế đó, các doanh nghiệp cần giải pháp khác biệt, mang tới những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra, giữ vững và gia tăng thị phần.
Hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho nông sản
Nhằm đẩy mạnh thực hiện chương trình nông thôn mới, đồng thời chung tay giúp bà con tiêu thụ các loại nông sản trong điều kiện dịch bệnh, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, bán nông sản trực tuyến; tổ chức các chương trình quảng bá, tiêu thụ nông sản. Vừa qua, tỉnh Hà Giang đăng ký mở gian hàng tại Triển lãm Nông nghiệp thực tế ảo, giới thiệu hàng trăm mặt hàng nông sản tiêu biểu và các sản phẩm OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm") của tỉnh.
Bên cạnh những sản phẩm nổi tiếng được nhiều người biết đến như cam sành Hà Giang, chè Shan tuyết cổ thụ, mật ong Bạc hà Cao nguyên đá, dược liệu, tỉnh còn có nhiều sản phẩm đặc trưng như cam vàng Hà Giang, hồng không hạt, thảo quả, tinh bột nghệ, gạo nương, thịt bò vùng cao, dệt lanh thổ cẩm dân tộc Mông...
Đối với sản phẩm chè Shan tuyết, trong giai đoạn 2019-2020, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức bốn đợt đánh giá sản phẩm OCOP và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã phê duyệt kết quả phân hạng, cấp giấy chứng nhận cho 193 sản phẩm OCOP. Trong đó, có hai sản phẩm chè Shan tuyết Phìn Hồ huyện Hoàng Su Phì được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt OCOP năm sao; 105 sản phẩm đạt bốn sao và 86 sản phẩm đạt ba sao cấp tỉnh.
Đến năm 2020, Hà Giang đã có 7 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 7 sản phẩm này là sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của tỉnh Hà Giang trong sản xuất nông nghiệp, có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mang thế mạnh, tiềm năng riêng của từng vùng.
Triển lãm thực tế ảo ra đời với mục tiêu là một trong những kênh giúp doanh nghiệp phần nào tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là lần đầu tiên diễn đàn nông nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam áp dụng thực tế ảo, mở ra cơ hội hợp tác và kết nối rộng rãi hơn trong đại dịch COVID-19 và tương lai.
Nỗ lực đưa sản phẩm chè lên nền tảng số
Khẳng định bản lĩnh và sự nhanh nhạy, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp chè tại tỉnh Tuyên Quang đã linh hoạt, uyển chuyển ứng phó linh hoạt trước những thay đổi của thị trường. Từ đó tìm ra giải pháp để đưa doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Đến huyện Na Hang (Tuyên Quang) không chỉ là địa danh được biết đến bởi sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng sinh thái với những điểm du lịch hấp dẫn, những cánh rừng nguyên sinh,… mà Na Hang còn nổi tiếng với đặc sản chè shan tuyết cổ thụ đặc biệt thơm ngon, đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế, trở thành sản phẩm du lịch nổi trội của tỉnh Tuyên Quang.
Thông tin trước báo chí, bà Trần Lan Phương, Đại diện thương mại Hợp tác xã (HTX) Sơn Trà (Na Hang, Tuyên Quang) chia sẻ, là đơn vị sản xuất hàng hóa nông sản thuộc vùng cao của Tuyên Quang, ngay từ những ngày đầu thành lập, chủ nhiệm HTX Sơn Trà đã không ngại tìm đến các cơ sở chè lâu năm tại Thái Nguyên, Phú Thọ để học hỏi những kinh nghiệm kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc cây chè, thu hoạch chè sao cho đúng để cây chè luôn đạt sản lượng cao nhất. Đến nay, HTX Sơn Trà có khoảng 64 ha chè Shan tuyết, nhưng chè của HTX Sơn Trà nhiều lúc thu mua không đủ bán, bởi chè nơi đây được sản xuất quảng canh. Ưu điểm là cây chè không có bất cứ phân bón hóa học nào.
Tùy từng loại lá chè, khi người dân hái và đem bán lại, HTX sẽ mua với các mức giá khác nhau theo quy định. Thông thường, nếu làm cả ngày, người dân có thể kiếm được tới 300.000 đồng. Cá biệt, có người còn kiếm được tới 600.000 đồng/ngày.
Mặc dù đã có được những thành công bước đầu, song dịch Covid-19 bùng phát đã sớm làm đứt gãy thị trường và cơ hội vươn xa cho sản phẩm chè Shan tuyết của hợp tác xã. “Tuy nhiên, chúng tôi không vì vậy mà nản lòng. Lãnh đạo HTX Sơn Trà đã tranh thủ thời gian tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Đồng thời, tập trung tìm hiểu các dòng sản phẩm mới, tích hợp với sản phẩm hiện có để tiến tới mở rộng phân khúc khách hàng. Đặc biệt là tranh thủ kết nối nhiều kênh phân phối quốc tế, đồng thời tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm khi hoạt động kinh tế, giao thương trở lại”, bà Trần Lan Phương cho biết.
Đồng thời, HTX cũng mở rộng kinh doanh nhiều sản phẩm nông sản khác trên các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh thế mạnh là sản phẩm chè. Nhờ đó, HTX đã vững vàng đi qua những giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh. Sự linh hoạt xoay chuyển tình thế trong đại dịch, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong giai đoạn khó khăn nay không chỉ giúp HTX vẫn duy trì được thu nhập mà còn tạo đà để HTX tìm kiếm bạn hàng, mở rộng đối tác ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thanh Tú
Theo KTĐU