Ở miền Trung, cá hồng sống tập trung vùng cửa sông nơi những dòng nước ngọt trong lành từ dãy Trường Sơn đổ về trước khi hòa mình vào biển Đông mênh mông sóng vỗ.
Ở miền Trung, cá hồng sống tập trung vùng cửa sông nơi những dòng nước ngọt trong lành từ dãy Trường Sơn đổ về trước khi hòa mình vào biển Đông mênh mông sóng vỗ.
Ảnh: Nguyễn Hữu
Toàn thân cá có vảy ánh hồng, người dân dựa vào màu sắc mà đặt “chết” tên cá hồng. Vào khoảng tháng 3 hằng năm là mùa cá sinh sản. Trên sông Hàn, chiều chiều khi những chiếc thuyền cập bến sau một ngày đánh bắt, trên thuyền bao giờ cũng có vài chú cá hồng tươi roi rói, giãy đành đạch cùng các loại cá hanh, cá bống, cá đối... là những loại cá đặc trưng của vùng nước xà hai (nước lợ).
Chế biến cá hồng không khó. Chỉ cần đánh sơ qua lớp vảy rồi ướp gia vị mắm, muối, tiêu, ớt. Món cá hồng hấp với các loại nấm mèo, đậu phộng giã nát, vài lạng thịt heo ba chỉ cắt nhỏ, chút bún khô, hành cũng quyến luyến với bao người mê ẩm thực. Hay món cá hồng nấu cháo trắng cũng khiến nhiều người xuýt xoa.
Thế nhưng, đúng điệu nhất phải kể đến món canh chua cá hồng. Khi nồi nước đang sôi thì ta cho một vài quả ớt xanh bẻ đôi, một ít thơm cắt lát mỏng, vài ba trái cà chua, nêm nếm vừa ăn. Sau đó, cho cá hồng vào nấu vừa chín tới. Trước khi tắt lửa, thêm hành, ngò và tiêu. Cá hồng nấu canh kiểu này đặc biệt thơm và ngọt. Một chén nước mắm ngon dầm vài lát ớt để chấm cá, thế thôi, là ta có một bữa cơm rất ngon lành.
Nguyễn Hữu
Theo Thanhnien