Huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) có không ít sông rạch, đầm hồ nước lợ, là nơi sản sinh của rất nhiều loài cá, đặc biệt là cá măng, loài cá cho thịt nhiều và thơm ngon có tiếng.
Huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) có không ít sông rạch, đầm hồ nước lợ, là nơi sản sinh của rất nhiều loài cá, đặc biệt là cá măng, loài cá cho thịt nhiều và thơm ngon có tiếng.
Ảnh: Trần Cao Duyên
Để bắt cá măng, ngoài việc giăng lưới nơi luồng nước bầy cá thường qua lại, người ta thường đón lõng cá măng bằng cách đặt lờ ở những đoạn mương chảy xiết hoặc bơi thuyền ra giữa đầm mà quăng chài. Nhưng buông câu ở lạch nước cạnh vuông tôm là chắc ăn nhất. Đó là lúc thủy triều lên, khi người nuôi tôm thay nước cho vuông, cá măng hàng trăm con kéo về lởn vởn gần cửa vuông, hóng hớt, quẫy nước tung tóe rồi mở tiệc liên hoan khi có những chú tôm trong vuông chạy lạc ra ngoài. Lúc đó, tha hồ mà... thừa nước đục thả câu.
Có lẽ câu cá chủ yếu là cách câu. Những cần câu ngoại bạc triệu dường như chỉ phục vụ cho khâu... “oách xà lách”. Bởi vậy tôi không hề mơ cần câu đắt tiền, chỉ là cần trúc mảnh mai chặt ở góc vườn cho có vẻ “thu điếu” là được. Bạt sợi cước ra giữa dòng chảy, kéo là là lưỡi câu móc mồi tôm trên mặt nước độ năm sáu phút thế nào “em” măng múp rụp cũng dính chấu. Có “em” nặng cả kg, vảy ngời ánh bạc trông rất đã, đem về nhà rồi mà vẫn quẫy rột rẹt nghe vui tai lắm.
Thịt cá măng rất hợp với món cháo. Làm sạch cá, nạo lấy thịt ở hai bên thân. Ướp muối, đường, hành, tiêu vào rồi giã nhuyễn. Cháo đang sôi, rứt chả sống vê thành từng viên nhỏ bằng đầu ngón tay, ném vào nồi là xong. Nước cháo, hạt cháo thấm đẫm vị ngọt của thịt cá măng dậy mùi hương đến nao lòng. Viên chả cá măng cũng tắm táp tinh hoa của hạt gạo vừa ráo nắng thu nên càng bóng nhẫy, mềm mại, dẻo thơm. Xắt nhỏ mớ hành ngò xanh xanh thả vào sẽ thêm hương, tạo “hiệu ứng” thẩm mỹ cho nồi cháo.
Người ghét nhậu nhẹt là bác Sáu hàng xóm cũng mở lòng với món cháo cá măng khi ông nhắc “rượu đâu bay?”. Mà đúng vậy. Cháo cá măng mát lành, một vài ly rượu đế ấm nóng sẽ “quân bình âm dương”, làm cháo ngon hơn và rượu cũng nồng nàn hơn. Có lần cao hứng, ông còn nói món cháo này mà ăn “chay” thì... xúc phạm cá măng quá.
Xin mượn mấy câu của Hàn thi sĩ mà độ lại rằng: Khách xa gặp lúc nồi cháo chín/Lòng trí bâng khuâng hổng muốn về. Vâng! Chỉ cần xì xụp một lần thôi, “tâm hồn ăn uống” của bạn sẽ vương vấn món này. Biết đâu một chiều đông se lạnh nào đó, bạn sẽ mơ về nồi cháo cá măng bốc khói. Và đường về Đức Phổ hiện lên, không mấy xa xôi...
Trần Cao Duyên
Theo Thanhnien