Do số học sinh đông và phải đi vội nên nhiều chuyến đò học sinh không kịp mặc áo phao. Phụ huynh chỉ kịp dặn con ngồi cẩn thận rồi đứng nhìn con leo lên con đò chênh vênh để đến trường.
Hơn 2 tuần qua hàng trăm học sinh ở xã Liên Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình phải đến trường bằng đò ngang - Ảnh: QUỐC NAM
Sau cơn bão số 10, cầu treo bắc qua sông Son, đoạn chảy ra xã Liên Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) bị lệch mố, đứt dây cáp, nên suốt gần hai tuần qua hàng trăm học sinh thuộc hai thôn Phú Kinh và Liên Sơn phải đến trường bằng đò ngang không đảm bảo an toàn.
Khi chúng tôi đến cầu treo này vào chiều 3-10, hàng chục học sinh tiểu học và THCS đang chuẩn bị xuống bờ sông cách chân cầu khoảng 100m để lên một con đò, chuẩn bị qua sông.
Do số lượng học sinh muốn qua sông cho kịp giờ học khá đông, nên chủ đò phải chia ra nhiều chuyến. Con đò liên tục chạy qua chạy lại mấy lượt mới chở hết số học sinh cần đến trường buổi chiều.
Điều đáng nói, do số lượng học sinh đông và phải đi vội vã, nên nhiều chuyến đò học sinh không kịp mặc áo phao. Trời đổ mưa, nhiều em phải mặc áo mưa ngồi trên đò qua sông. Nhiều phụ huynh chỉ kịp dặn con ngồi cẩn thận, rồi đứng nhìn con leo lên con đò chênh vênh để đến trường.
Anh Lê Ngọc Tuấn - trú thôn Phú Kinh, phụ huynh học sinh - cho biết đã gần hai tuần rồi vợ chồng anh phải ngày bốn vòng đưa con ra bến đò này để cho con qua sông đi học. Trường nằm bên kia sông, gần trung tâm xã.
Bình thường hơn 100 học sinh từ hai thôn Phú Kinh, Liên Sơn ở bên này sông qua sông bằng cầu treo. Nhưng từ khi cơn bão số 10 làm cầu treo hỏng, phụ huynh phải chấp nhận cho con đi đò ngang đến trường với bạn bè.
Anh Tuấn cũng kể thêm sau bão, vì không có cầu treo, nhiều học sinh bên này sông phải nghỉ học gần một tuần. Đến khoảng ngày 19-9, xã hợp đồng được với người lái đò thì học sinh mới đi học lại được.
Ông Hoàng Minh Tú, chủ tịch UBND xã Liên Trạch, cho biết: "Cầu treo này được đưa vào sử dụng từ năm 1998 đến nay. Cầu đã qua nhiều lần hư hỏng. Hiện tại, xã cũng bỏ kinh phí ra thuê đò ngang chở học sinh, giáo viên qua sông để khỏi chậm trễ việc học. Tuy nhiên, điều quan trọng và cần thiết nhất lúc này là một cây cầu kiên cố để học sinh đi học an toàn lâu dài".
Theo ông Nguyễn Minh Ngọc - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch, từ sau cơn bão số 10 phòng đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các trường ở xã Liên Trạch phải thường xuyên túc trực ở bến sông, đón học sinh đến trường.
Riêng với những học sinh ở phía bên kia sông bị cách trở khi đến trường, phòng cũng đã chỉ đạo các trường giãn giờ học cho học sinh nếu các em đi học muộn.
Quốc Nam
Theo Tuổi Trẻ