Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, hàng hóa Tết đã được các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn chuẩn bị đủ, dự đoán sức mua dịp Tết Nguyên đán tới đây sẽ không tăng đột biến như mọi năm.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, hàng hóa Tết đã được các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn chuẩn bị đủ, dự đoán sức mua dịp Tết Nguyên đán tới đây sẽ không tăng đột biến như mọi năm.
Các mặt hàng trong siêu thị không có chuyện tăng giá như ngoài chợ nhỏ lẻ
Hàng Tết đã "lũ lượt" vào kho
Trao đổi với P/V báo, ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, Big C đã tiến hành thương lượng với các nhà cung cấp về hàng hóa dịp Tết. Một số mặt hàng đã được triển khai nhập về như rượu, bánh kẹo…
Ông Tuấn cho hay: “Chúng tôi tin tưởng lượng khách tăng lên, vì nhiều người tiêu dùng tìm đến siêu thị hơn và giá cả không biến động nhiều. Một tuần trước Tết, Big C sẽ mở cửa từ 7h sáng đến tận 23h đêm. Còn về giá cả, Big C vẫn giữ chính sách nhất quán, tiến hành thương lượng sớm với nguồn hàng và nhập số lượng lớn cho nhiều siêu thị nên cam kết giá bình ổn cho khách hàng, hạn chế tối đa việc tăng giá”.
Theo lời ông Tuấn, năm nay, Big C có khoảng 20 loại giỏ quà tết và 3 loại giỏ quà Giáng Sinh. Về giỏ quà Tết, có giá dao động từ 54.900 đồng – 1.890.000 đồng. “Với thẻ ưu đãi khách hàng, khi mua giỏ quà Tết, người tiêu dùng sẽ được giảm giá một số loại giỏ quà”, ông Tuấn nói thêm.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đã xây dựng kế hoạch tập trung khai thác, dự trữ và tổ chức phục vụ hàng hóa với 9 nhóm hàng thiết yếu, góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn bao gồm: 1.061 tấn gạo, 542 tấn thịt, 2.424 tấn thực phẩm chế biến, 575 tấn rau củ quả,.. Tổng lượng dự trữ hàng hóa, dịch vụ khoảng 905 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết Nguyên đán Tân Mão 2011.
Bà Mai Khuê Anh - Đại diện Hapro cho biết: “Về phía Hapro sẽ đảm bảo lượng hàng cung ứng đầy đủ phục vụ người tiêu dùng. Để hàng hóa đến với người tiêu dùng nhất là nhân dân các huyện ngoại thành Hà Nội.
Bên cạnh các Trung tâm, siêu thị, cửa hàng và các gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng là các điểm cố định, Hapro có kế hoạch tổ chức 40 chuyến bán hàng lưu động tại các quận nội thành Hà Nội với các mặt hàng thiết yếu như: thịt, rau, củ quả tươi; giò, nem,…và phối hợp với UBND các huyện ngoại thành Hà Nội tổ chức 13 Chợ Tết tại 13 Huyện ngoại thành Hà Nội".
Siêu thị Co.op Mart cũng đã chuẩn bị số lượng hàng hóa thiết yếu tăng 4 lần với tổng cộng 24.000 tấn. Trong đó 95% là các mặt hàng là hàng sản xuất trong nước.Dự kiến sức mua của khách hàng tăng từ 3 - 4 lần so với ngày thường.
Đại diện siêu thị Co.opMart cho biết: “Hệ thống đã chuẩn bị sẵn sàng kho bãi, mở thêm quầy tính tiền, thời gian mở cửa từ 8 h đến 23h. Mức giá năm nay tương đối ổn định, vì siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp. Ngoài ra, CoopMart cũng thực hiện bình ổn giá”.
Được biết, siêu thị Co.opMart cũng đã chuẩn bị để cung cấp các loại giỏ quà đa dạng về mẫu mã, giá dao động từ 200.000 đồng – 1 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, còn có loại giỏ quà được gói miễn phí theo yêu cầu của khách, sau khi mua các sản phẩm trong siêu thị Co.op Mart.
Theo thông tin từ công ty Kinh Đô, trong dịp tết Nguyên Đán Năm nay, dòng bánh Cookies truyền thống của Kinh Đô cũng không ngừng cải tiến mới trong công nghệ sản xuất giúp chất lượng, mùi vị bánh ngày càng thơm ngon với nhiều trọng lượng khác nhau từ 300g, 400g, 500g đến 700g, với mức giá hợp lý dao động từ 39.000đồng đến 520.000đ. Chất lượng với giá cả sản phẩm phù hợp khi chỉ tăng 15%( mặc dù giá nguyên liệu tăng trung bình đến 35%).
Ông Lê Văn Thịnh – Phó Tổng giám đốc Phụ trách kinh doanh, Công ty Kinh Đô cho biết: "Từ đầu năm 2011 chúng tôi đã chuẩn bị việc đầu tư vào chất lượng các dòng sản phẩm cho đến việc mạnh dạng cải tiến bao bì cho ra mắt bộ quà tết cao cấp: Hương Xuân, Korento, Story; mở rộng thêm cơ cấu sản phẩm Kinh Đô tham gia vào Hamper Tết như: Kẹo, Sôcôla, bánh Snack, bánh Cookies, Cracker, Wafer,…góp phần làm phong phú hơn món quà biếu Tết".
Tại TP. HCM, thông tin từ Hiệp hội lương thực TP.HCM cho biết, các công ty ở TP.HCM cũng đã có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng bán trong hai tháng Tết gồm: 800 triệu gói mì sợi các loại; Công ty CP thực phẩm Gò Vấp chuẩn bị 1,8 triệu sản phẩm nước tương, tương ớt; Công ty nước mắm Hạnh Phúc chuẩn bị 500.000 chai...
Rau xanh sẽ được nhập về sát ngày Tết tại các siêu thị và trung tâm thương mại
Sức mua sẽ không tăng
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như Đồng Xa, Mỹ Đình, Nghĩa Tân… giá cả một số mặt hàng như thịt, cá…có tăng so với thời gian trước. Cụ thể, giá các loại củ tăng từ 2.000 đồng – 3.000 đồng/kg, giá rau xanh tăng thêm từ 1.000 đồng – 2.000 đồng/kg…còn giá thịt gà tăng thêm từ 1.000 đồng – 2.000 đồng/kg.
Chị Hiền (Tiểu thương bán thịt) cho rằng: “Giá các loại thực phẩm tăng không nhiều trong thời gian gần đây. Gần Tết thì năm nào cũng như năm nào, hầu hết là tăng giá. Tôi nghĩ năm nay cũng như thế”.
Tại buổi họp báo “Chuẩn bị hàng hóa và tăng cường quản lý thị trường dịp Tết 2012” diễn ra ngày 15/11, phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – Ông Nguyễn Văn Đồng cho hay: Sẽ không để thị trường bị khan hiếm hay sốt hàng và đảm bảo chất lượng đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, dầu ăn, đường và rau củ quả.
"15 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của Hà Nội đã chủ động dự trữ lượng hàng gấp đôi so với số hàng hoá được giao. Thành phố cũng sẽ mở rộng thêm các điểm bán hàng bình ổn giá trong dịp Tết, góp phần ổn định giá cả 9 nhóm hàng tiêu dùng”, ông Đồng nhấn mạnh.
Về vấn đề giá cả và tác động tới CPI, ông Đồng chia sẻ thêm: "Giá cả các loại hàng hóa nằm trong xu hướng tăng lên, kể cả giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, sẽ cố gắng để kìm mức tăng giá để đảm bảo CPI trong tháng Tết ở Hà Nội không tăng quá 1%".
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ với báo chí, đến nay các doanh nghiệp đã tăng nguồn hàng cho dịp Tết tăng gấp nhiều lần số lượng TP.HCM giao. Nhờ đó, thịt gia cầm chiếm 85%, gia súc 32%, trứng gia cầm 65%, thực phẩm chế biến 48%, dầu ăn 43% nhu cầu tiêu dùng của thị trường dịp Tết.
Trong cuộc trao đổi với P/V báo, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chỉ rõ, Tết năm nay đến trong thời điểm giá cả tăng từ 1,5 – 2 lần so với Tết năm 2010, hàng giả và hàng lậu diễn biến phức tạp, hệ thống phân phối còn yếu, bình ổn giá của các tỉnh thành phố mới chỉ chiếm 10% thị phần, dịch bệnh chưa phát triển nhưng vẫn có nguy cơ rình rập.
Theo lời ông Phú, đến nay lượng hàng tập kết được của các siêu thị khoảng 50%. Chủ yếu các mặt hàng được nhập về sớm là hàng khô, còn hàng tươi như thịt, cá, rau củ quả khoảng 1 tháng trước Tết mới được tập kết.
“Khoảng từ ngày 23/12 đến ngày 29/12 (Âm Lịch), giá cả các hàng hóa trên thị trường có thể tăng từ 10- 15%. Đặc biệt, thịt lợn, gà ta, cam sành có thể tăng giá 30%. Số tiền chi cho tiêu dùng trong một tháng bình thường ở Hà Nội vào khoảng 5.000 tỷ đồng, còn chi tiêu trong tháng Tết có thể lên đến 24.000 tỷ đồng”, ông Phú nhấn mạnh.
Song theo dự đoán của ông Phú, nhu cầu mua sắm không tăng nhiều do người dân thắt chặt chi tiêu. Mức giá các mặt hàng trên hợp đồng nhập vào nhìn chung có tăng, ví dụ bánh kẹo tăng giá từ 3 – 5 % so với năm ngoái, mức tăng chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào tăng lên.
PV
Theo VTC