Sự kiện hot
12 năm trước

Cải mèo Mộc Châu

Một người bạn vừa đi Mộc Châu (Sơn La) về gọi điện bảo: “Anh mua cho cô ít cải mèo Mộc Châu đấy, cô sang lấy về luộc mà ăn”. Vâng vâng dạ dạ hẹn lịch sang lấy mà như mở cờ trong bụng.

Một người bạn vừa đi Mộc Châu (Sơn La) về gọi điện bảo: “Anh mua cho cô ít cải mèo Mộc Châu đấy, cô sang lấy về luộc mà ăn”. Vâng vâng dạ dạ hẹn lịch sang lấy mà như mở cờ trong bụng.


Cải mèo Mộc Châu luộc chấm nước mắm dầm trứng, bình dị mà khó quên - Ảnh: Iris

Tôi đi Mộc Châu lần đầu năm 2010, dọc quốc lộ 6 quanh khu vực thị trấn Mộc Châu, thấy bà con dân tộc bày bán la liệt hai bên đường những bó rau cải trông lạ mắt. Cây cải dài chừng 40-50cm, bó thành từng bó lớn, lá cải có bản dài, màu xanh đậm, mép lá có nhiều răng cưa nhỏ, loăn xoăn. Giống cải này ở dưới xuôi không có, bèn lân la hỏi chuyện. Ra là cây cải mèo đặc sản Mộc Châu.

Cải mèo Mộc Châu chỉ có vào mùa đông và mùa xuân. Thứ cải này vốn được bà con ở đây trồng tự nhiên quanh các nương, rẫy để phục vụ nhu cầu của gia đình và thết đãi khách khứa. Giữa thu đến cuối thu, mang hạt giống ra rải quanh vườn, quanh rẫy mà chẳng cần rào giậu, luống bãi, cũng chẳng cần chăm bón, tưới tắm gì. Cứ thế, cây cải sẽ tự mình chắt chiu lấy nhựa sống, lấy dinh dưỡng từ những khe đất khe đá, từ cái sương lạnh của vùng núi Tây Bắc mà lớn lên. Ấy thế mà cây cải cứ xanh, cứ cao, cứ non mượt non mà, nhìn thôi đã thích mắt.

Mới nghĩ đến việc sắp có món cải mèo Mộc Châu luộc, chấm nước mắm dầm trứng ăn đã thấy lòng vui phơi phới lên cả rồi. Người ta vẫn hay buồn cười vậy đấy, nhiều khi những thứ cao lương mỹ vị thì ít nhớ, nhưng những món ăn dân dã, bình dị thì lại cứ vấn vương. Mà cải mèo Mộc Châu chấm mắm dầm trứng là một món ăn như thế.

Vài năm trở lại đây do nhu cầu ăn cải mèo của khách du lịch thập phương tăng cao, nên bà con dân tộc đã biết trồng để bán, để kinh doanh, trồng thành hàng, thành luống. Dù vậy cách thức trồng vẫn còn nhiều thô sơ nên cải mèo Mộc Châu vẫn giữ được những hương vị đồng nội hoang dã của nó.

Lân la hỏi chuyện, nghe bà con chào mời, thế là mua hai bó cải về luộc ăn. Lúc đầu cũng chỉ mua vì mình hỏi han mãi mà không mua thì… ngại với các bà, các chị. Ấy vậy mà về, ăn cái món cải mèo Mộc Châu luộc chấm với nước mắm dầm trứng ấy, ăn một lần thôi mà thành… ghiền. Từ đó trở đi, cứ tới mùa, có ai đi Mộc Châu cũng phải nhờ mua giúp để thưởng thức. 

Cải mèo luộc chấm nước mắm dầm trứng chế biến hết sức đơn giản. Mua cải về, tách từng bẹ rau ra rửa sạch rồi xắt ra thành từng khúc dài 4-5 cm, cho vào luộc với nước đã đun sôi già. Nêm thêm vài hạt muối trắng và lật trở đều tay cho rau xanh màu. Đập thêm vài lát gừng cho thơm rau. Rau vừa chín tới thì vớt ra, bày lên đĩa.

Luộc hai quả trứng gà rồi dầm với nước mắm hoặc nước tương (xì dầu). Và ăn nóng. Ăn tới đâu là biết liền tới đó. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm vừa phải của rau quyện với vị ngọt, vị thơm, vị mặn của xì dầu, rồi là cái béo của lòng đỏ trứng gà… Tất cả hòa thành một thứ hương vị rất mê hoặc, ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm, ăn một lần rồi lại muốn ăn thêm lần nữa…

Ăn cải mèo Mộc Châu ấn tượng nhất là cái vị đăng đắng ngăm ngăm của nó. Đăng đắng vừa phải, vừa đủ. Đăng đắng qua rất nhanh để rồi khi qua đi, lại cảm nhận rõ thêm cái ngọt ngào, tươi non, mềm mại của rau; ngọt ngào, đậm đà của nước chấm. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm ấy, đã ăn một lần thì chẳng dễ gì quên được.

Mùa đông, ăn cải mèo Mộc Châu luộc chấm mắm dầm trứng, vừa ngon, vừa bổ mà lại mát lòng mát dạ.

Cải mèo Mộc Châu ngoài ăn luộc còn có thể dùng ăn lẩu, xào với thịt hun khói, thịt gà… món nào cũng đặc sắc và có hương vị riêng. Nhưng ăn luộc chấm mắm dầm trứng vừa bình dị mà lại giữ được nhiều hương vị của cây cải mèo Mộc Châu nhất.

Một mùa hoa Mộc Châu nữa lại đến. Nào những cánh đồng cải trắng muốt mênh mông trong sương sớm, nào những lối mòn nở dã quỳ rực rỡ, nào những đồi chè xanh ngát bạt ngàn… Và mùa cải mèo Mộc Châu cũng đã tới. Nếu bạn đi Mộc Châu ngắm hoa, ngắm cảnh, lúc về đừng quên mua cho mình mấy bó cải mèo về thưởng thức. Đó cũng là một món quà đáng nhớ của núi rừng Tây Bắc đấy!

theo TTO

Từ khóa: