Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng xử phạt "taxi công nghệ" Uber, Grab không dễ vì thiếu nhận diện hoặc không có.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng xử phạt "taxi công nghệ" Uber, Grab không dễ vì thiếu nhận diện hoặc không có. Ảnh minh họa: Tiền phong
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có thông báo về việc Điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tại một số tuyến đường (phố) trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, từ ngày 11/1, Sở GTVT đã tiến hành cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trong đó có "taxi công nghệ" Grab, Uber.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 10 ngày đầu từ 11// đến 21/1, lực lượng chức năng gồm thanh tra, CSGT sẽ nhắc nhở các xe "taxi công nghệ" vi phạm.
"Trong thời gian 10 ngày đầu, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền chủ phương tiện chấp hành quy định. Sau đó, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt theo quy định", ông Hải nói.
Về việc khó khăn khi nhận để để xử phạt "taxi công nghệ", ông Hải cho biết Bộ GTVT đang điều chỉnh, bổ sung thêm một số điều kiện đối với loại hình này.
Cũng về vấn đề cấm "taxi công nghệ", trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng ở nước ngoài taxi là phương tiện công cộng và không bị cấm.
"Tuy nhiên, ở nước ta lại ngược lại. Từ lâu, các cơ quan quản lý cho rằng taxi là là một trong những nguyên nhân gây tắc đường. Taxi bị cấm ở một số tuyến phố nhưng thực tế vẫn tắc đường.
Trong khi đó, sau 2 năm thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT, số lượng phương tiện tham gia thí điểm gia tăng đã gây ùn tắc cục bộ ở TP HCM và Hà Nội.
Chính vì vậy, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu cấm nốt xe hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế xe hợp đồng vẫn chạy bình thường ở các phố có biển cấm", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, xử lý "taxi công nghệ" như Grab, Uber khó vì loại hình này thiếu bộ nhận diện.
"Taxi truyền thống có logo, mào, đèn mui, số điện thoại và bảng giá... nhưng "taxi công nghệ" có xe dán logo, có xe không trong khi logo rất nhỏ.
Đặc biệt, những xe nhàn rỗi của người dân đăng ký Grab, Uber thì hầu như không có logo để nhận diện", Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết.
Cũng theo ông Hùng, việc cấm "taxi công nghệ" như taxi truyền thống ở một số tuyến phố là điều cần thiết nhằm đảm bảo công bằng trong kinh doanh.
Liên quan đến việc lắp thêm biển cấm "taxi công nghệ", một chuyên gia giao thông chia sẻ với chúng tôi rằng cơ quan quản lý cần quản lý được số lượng xe, quy định cụ thể về việc nhận diện thì mới có thể xử phạt được.
Hạn chế hoạt động xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tại một số tuyến đường (phố) trên địa bàn Thành phố
Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động trong khung giờ cao điểm: từ 6h00’-9h00’ và 16h30’-19h30’: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh (đoạn từ Vương Thừa Vũ đến Tôn Thất Tùng) - hạn chế hoạt động theo cả hai chiều; Khâm Thiên - hạn chế hoạt động theo chiều từ Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa (trừ ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật được hoạt động 24/24h).
Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động từ 06h00’ đến 21h00’: Đường Cầu Giấy, Xuân Thủy - hạn chế hoạt động theo cả hai chiều.
Các tuyến đường (phố) hạn chế hoạt động: 24/24h (cả ngày, đêm): Phố Phủ Doãn - hạn chế hoạt động theo chiều từ Tràng Thi đến Hàng Bông; Ngõ 897 Giải Phóng (cổng vào bến xe phía Nam) - hạn chế hoạt động theo chiều từ Giải Phóng đi vào bến xe.
Cầu Chương Dương - hạn chế hoạt động theo chiều từ Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật, thời gian từ 6h00’ đến 9h00’, trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật.
Phố Hàng Bài (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt) - hạn chế hoạt động theo chiều từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt, thời gian từ 19h00’ đến 24h00’ các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật.
Thời gian thực hiện, thí điểm trong 01 tháng (từ ngày 11/01/2018 đến ngày 11/02/2018), trong 10 ngày đầu (từ ngày 11/01/2018 đến ngày 21/01/2018).
Di Linh
Theo ĐSPL, Vietnammoi