Sự kiện hot
3 năm trước

Cạn room tín dụng, đã đến lúc ngân hàng thay đổi khẩu vị

Đến tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước đã đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dù còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% nhưng nhiều ngân hàng ngay từ hồi cuối tháng 5 đã đồng loạt xin được cấp thêm hạn mức (room) tín dụng.

Nhiều ngân hàng ngay từ hồi cuối tháng 5 đã đồng loạt xin được cấp thêm hạn mức tín dụng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tín dụng của ngân hàng đã đạt gần 9% sau 4 tháng đầu năm so với mức tín dụng đã được cấp chính thức là 10%; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% tại cùng thời điểm trên, dù room được cấp là 10%; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khi đạt mức tăng trưởng tín dụng tới 14,3% ngay sau quý I/2022, gần chạm trần mốc 15% được cấp.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... cũng trong tình trạng tương tự.
Lãnh đạo các ngân hàng nhìn nhận nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao kể từ cuối năm 2021 và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách cũng đang được toàn ngành ngân hàng gấp rút triển khai. Do đó, để đáp ứng cơn "khát vốn" cho phục hồi tăng trưởng, lãnh đạo các ngân hàng đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm nới room tín dụng phù hợp.

Tuy nhiên, nới room tín dụng liệu có giải được cơn "khát vốn" của doanh nghiệp? Trao đổi cùng phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ quan điểm khi room tín dụng của các ngân hàng đã gần cạn, sẽ rất khó triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế, bao gồm cả chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Dù vậy, với vai trò là cơ quan điều hành, trước áp lực lạm phát toàn cầu đang tăng cao, ông Hùng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới room để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong nước.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có ngân hàng gần cạn room nhưng cũng có những ngân hàng vẫn còn room tín dụng và đây là cơ hội để các ngân hàng xem xét lại khẩu vị rủi ro, cơ cấu lại chất lượng tín dụng.

Trên thực tế, lãnh đạo một ngân hàng cho biết để gỡ thế khó khi room tín dụng gần cạn, ngân hàng phải linh hoạt cơ cấu lại dư nợ, hướng dòng vốn vào cho vay ngắn hạn, vay lưu động, bổ sung vốn kinh doanh....

Nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát sẽ rất lớn. Ảnh: Thái Hùng- TTXVN

Thông thường cạn room tín dụng, các ngân hàng sẽ xin cơ quan quản lý cấp thêm nhưng không phải ngân hàng nào cũng được chấp thuận. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng trả lời chất vấn trước Quốc hội rằng ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhiều, nhưng nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì Việt Nam sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay.

Với tốc độ tăng trưởng lớn, nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát sẽ rất lớn, áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. "Trước đây khi không kiểm soát room tín dụng, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới trên 30%, tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền cho vay", Thống đốc cho hay.
Nhìn lại từ đầu năm đến nay, trước tốc độ tăng trưởng của tín dụng, cuộc đua lãi suất cũng đã tăng nhiệt trở lại sau hơn 2 năm neo ở mức thấp. Báo cáo mới phát hành của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VBCS) cho biết lãi suất huy động kể từ đầu năm đến nay đã nhích tăng khoảng 0,3-0,8%/năm; trong đó, kỳ hạn 12 tháng có mức tăng đạt xấp xỉ 0,7%/năm.

Xét riêng trong tháng 6, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất thêm từ 0,1-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)... Trong đó, SCB đang là một trong những ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất ở kỳ hạn 12 tháng với 7,3%/năm.

Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh lãi suất này còn có cả các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước. Theo đó, lần đầu tiên trong suốt 3 năm qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng ở mức 5,6%/năm. Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động trực tuyến cũng đã được cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng lên mức 6,4%/năm, thêm 0,3%/năm so với hồi tháng 5/2022. Hay tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), khách hàng gửi tiền lần đầu cũng được tặng lãi suất thêm tới 0,5%/năm....

Nhìn chung, tại thời điểm này lãi suất tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng đều được hầu hết các tổ chức tín dụng áp dụng mức kịch trần là 4%/năm. Còn với tiền gửi dài hạn, mức lãi suất trên 7%/năm đã xuất hiện trở lại ở nhiều ngân hàng như SCB, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)...
Ngoài cộng lãi suất, một số ngân hàng còn dành ưu đãi cho khách hàng duy trì tiền gửi cố định trong thời gian từ 6-12 tháng như miễn phí thường niên khi mở thẻ tín dụng quốc tế, miễn phí chuyển tiền cho người thân ở nước ngoài...

Lý giải cho các đợt tăng lãi suất liên tiếp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng việc lãi suất huy động ở mức thấp trong suốt 2 năm qua dù tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh nhưng cũng đã phần nào khiến dòng vốn ít nhiều đã chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, tiền số... Lượng tăng trưởng vốn huy động vì thế chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước đây và cũng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của vốn tín dụng.

"Do đó, để đảm bảo khả năng cung ứng vốn, các ngân hàng đã dần dần nâng lãi suất tiết kiệm lên mức phù hợp với yêu cầu thu hút vốn và đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền", ông Thịnh nói.

Đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn về chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy..., lãnh đạo của một ngân hàng thương mại cho biết ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân người gửi tiền khi áp lực lạm phát đang đè nặng.
Tích cực thu hút vốn nhưng room cạn - vốn có nhưng lại khó cho vay - là thực trạng tại nhiều ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% không phải là "đóng cứng" mà sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ tăng trưởng tín dụng dựa trên một số yếu tố như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Các chuyên gia của Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào cuối quý III/2022 phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ không còn gặp nhiều áp lực tăng như trong thời gian gần đây./.

Lê Phương
Theo bnews.vn

Từ khóa: