Hiện nay, ống hút nhựa đã trở thành vật dụng quen thuộc gắn liền với những loại đồ uống như cocktail, trà sữa, nước giải khát... Trên thị trường bán nhiều loại ống hút với đủ màu sắc và kích cỡ khác nhau nhưng phần lớn mặt hàng này đang bị thả nổi và không đảm bảo về chất lượng.
Ở các quán giải khát, các quán cà phê, đồ uống, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc ống hút nhiều màu sắc và uốn lượn nghệ thuật. Mọi người cũng có thể gặp các loại ống hút to nhỏ khác nhau khi uống sinh tố, nước ép, các loại cocktail, trà sữa…Những loại ống hút nhựa được dùng phổ biến tại các quán nước hầu hết đều có giá khá rẻ chỉ từ 15 -30.000 đồng/túi nhỏ, 50-80.000 đồng/ túi lớn.
Không thể phủ nhận rằng những chiếc ống hút nhựa không chỉ giúp mỗi người có thể thưởng thức đồ uống dễ dàng và lịch sự hơn mà còn tạo nên những hình thức nghệ thật độc đáo cho từng ly đồ uống. Tuy nhiên ít ai biết rằng phía sau vẻ đẹp đó là những mối nguy hiểm mà con người không thể lường trước được.
Là sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với đồ uống và hệ tiêu hóa của con người, tuy nhiên, không nhiều người tiêu dùng quan tâm tới chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm khi sử dụng. Chất lượng nhựa trên thị trường hiện nay không kiểm soát được. Những sản phẩm dùng để ăn uống được làm từ nhựa tái chế rất nguy hiểm.
Nguyên liệu sản xuất ống hút nhựa rất phức tạp, không chỉ có mỗi nhựa phế thải, nhựa y tế mà còn từ những loại nhựa thải nhập khẩu khác mà khi sử dụng chúng ta không bao giờ nghĩ đến. Ống hút được làm từ nguyên liệu Polyvinyl chloride (PVC) thường chịu nhiệt kém, nhanh phân hóa, phân giải Hydro clorua ở nhiệt độ > 50 độ C nên rất có hại cho cơ thể. Bên cạnh đó, chất tạo màu công nghiệp giúp chúng có màu sắc bắt mắt cũng đưa không ít những chất độc hại. Do đó, ống hút làm từ nhựa không đạt tiêu chuẩn có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, gan và trở thành một nguyên nhân khiến trẻ em dậy thì sớm. Nguy hiểm hơn nữa, những loại ống hút này còn tiềm ẩn ung thư do tích lũy nhiều những chất độc hại từ các ống hút ngấm vào trong thức ăn, đồ uống.
Bên cạnh đó, mỗi ngày con người sử dụng khoảng 500.000.000 ống hút và đa phần các ống hút đều được làm từ vật liệu không thể tái chế. Để phân hủy số lượng ống hút nhựa khổng lồ, cần mất 400 - 1.000 năm nếu chôn dưới lòng đất. Nếu không được xử lý nghiêm ngặt, phế phẩm này sẽ làm ô nhiễm môi trường nước, gây hại cho chính cuộc sống của chúng ta.Do đó, nếu sử dụng nhiều ống hút nhựa, chúng sẽ có tác động rất xấu đến hệ tiêu hóa, gan, của người sử dụng. Đặc biệt, chúng có thể gây dậy thì sớm ở trẻ em, vô sinh ở người lớn hoặc ung thư.
Vì vậy lời khuyên cho mọi người là nên hạn chế sử dụng ống hút và nếu sử dụng thì nên chú ý tới những điều sau: Khi thấy ống hút nhựa có các vết xước nhỏ hoặc bị dập, đó là do chúng được bóc ra khỏi bao bì và không bảo quản cẩn thận, tạo điều kiện để bụi bẩn, bụi kim loại xâm nhập, lúc này, bạn không nên dùng ống hút.
Ngưng sử dụng ống hút có mùi nhựa khó chịu hoặc xỉn màu, phai màu, chúng có thể được dùng lại nhiều lần hoặc có chất tái chế, tạo màu.
Kiểm tra phía đầu ống hút nhựa có vết ố hoặc bám bụi hay không. Nhiều nơi, chủ cửa hàng cắm ống hút vào các hộp đựng, một đầu của ống hút có thể bị ẩm, mốc mà người dùng không hay biết. Tại các điểm gấp của ống hút nhựa, nếu có lỗ khí, bạn nên chuyển sang dùng ống hút mới.
Tránh sử dụng nhiều lần ống hút, bởi lượng thực phẩm, nước uống đã bám vào mặt trong của ống rất khó rửa sạch, chúng có thể lên men hoặc là môi trường để vi khuẩn tấn công, sử dụng nhiều lần sẽ không tốt cho tiêu hóa.
Hạn chế tối đa việc sử dụng ống hút nhựa bằng cách chuyển qua dùng ống hút bằng giấy Paper Straws hoặc cân nhắc dùng ống hút bằng đá Ice Straws.
Khi mua ống hút nhựa, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng. Trên bao bì tìm hiểu thông tin về thành phần nhựa, hoặc có thể thử kiểm tra, phân biệt nhựa có độc hay không bằng cách đốt. Loại có tính độc thì khó cháy, khi ra khỏi lửa sẽ tắt ngấm, có mùi khét lạ.
Với trẻ nhỏ, bạn nhắc nhở để trẻ không cắn vào ống hút nhiều lần, các loại nhựa giòn, kém chất lượng sẽ dễ đứt gãy, gây nguy hiểm.
Bảo Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng