Sự kiện hot
13 năm trước

Cần thay đổi các quy định quảng cáo đã lạc hậu

Trong nhiều năm qua, Pháp lệnh Quảng cáo (QC) với nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tiễn; chưa thực sự thúc đẩy sự phát triển chung của ngành QC nước ta.

Trong nhiều năm qua, Pháp lệnh Quảng cáo (QC) với nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tiễn; chưa thực sự thúc đẩy sự phát triển chung của ngành QC nước ta. 

Nhân Quốc hội sắp thảo luận và thông qua dự thảo luật QC, đã có kiến nghị từ một số chuyên gia có liên quan về một số bất hợp lý hiện nay trong các quy định về QC cần được xem xét, thay đổi.

Bất cập

Một trong những vấn đề gây “đau đầu” cho nhiều doanh nghiệp (DN), công ty QC cũng như các cơ quan truyền thông là mức khống chế về tỷ lệ chi phí QC 10% trên tổng chi phí. Theo thông lệ quốc tế, việc khống chế chi phí QC ở mức này là không phù hợp. Ông Ashok Sud, đại diện Ban lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) cho rằng VN hiện là một trong số rất ít nước còn lại ở châu Á khống chế DN chi cho QC, tiếp thị.

Tại Trung Quốc, tỷ lệ chi phí QC trên tổng chi phí của một số ngành như mỹ phẩm, dược phẩm và nước giải khát là 30%. Trường hợp chi phí QC khấu trừ trong năm bị vượt so với tỷ lệ này thì phần vượt sẽ được tiếp tục khấu trừ vào năm tiếp theo.

Tương tự, nhiều quy định khống chế về tỷ lệ diện tích, thời lượng và cả vị trí QC đối với các phương tiện truyền thông (10% đối với báo in, 5% đối với báo nói và báo hình) cũng chưa hợp lý. Việc khống chế thời lượng hay phụ trang QC không được lớn hơn số trang nội dung là không cần thiết, con số này tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của bạn đọc và các đối tác kinh doanh đối với cơ quan truyền thông. Bản thân thông tin QC cũng là một loại thông tin cần thiết với bạn đọc, thúc đẩy cung cầu, nhất là thông tin quảng bá hình ảnh, chất lượng của hàng Việt.

 

Nhiều quy định khống chế về tỷ lệ diện tích, thời lượng và cả vị trí QC đối với các phương tiện truyền thông (10% đối với báo in, 5% đối với báo nói và báo hình) cũng chưa hợp lý

Bên cạnh đó, việc kiểm duyệt nội dung sản phẩm QC trên báo nói và báo hình và cả các phương tiện truyền thông khác cần có sự nhất quán trong cả nước và cơ chế cấp phép QC, tránh tình trạng một nội dung QC đã được cấp phép trên truyền hình nhưng khi đăng ký QC trên báo giấy thì phải xin giấy phép khác. Việc bổ sung quy định cụ thể các loại QC nào cần phải xin cấp phép cùng với quy định mở rộng phạm vi sử dụng của việc cấp phép, đơn giản hóa thủ tục xin và cấp phép là điều cần thiết, tránh gây lãng phí thời gian và công sức của DN.

Cần định tính, định lượng rõ ràng, cụ thể

Nhiều quy định cấm liên quan đến QC còn chung chung. Chẳng hạn, “Cấm các loại hàng hóa dịch vụ có tính chất bạo lực, QC trái thuần phong mỹ tục của dân tộc VN” cần có quy định cụ thể hơn để xác định mức độ. Tương tự, đối với các QC có tính quảng bá về du lịch, văn hóa, kinh tế VN ra thế giới thì việc không được sử dụng quốc kỳ hay hình ảnh tiền VN cần được cân nhắc thêm trong một số ngành, lĩnh vực nhất định. Cấm QC đối với các khái niệm “duy nhất” hay “số một” cũng cần quy định rõ. Nhiều DN đoạt được vị trí số 1 tại các bình chọn hoặc cuộc thi uy tín trong và ngoài nước thì quy định cấm QC “số 1, lớn nhất, duy nhất” vô tình không khuyến khích các DN nỗ lực vươn đến vị trí tốt nhất, giỏi nhất... 

Hiện nay, các loại hình QC trên các phương tiện truyền thông mới phát triển như báo điện tử hay QC các thiết bị di động gần như được dùng chung quy định với báo in, báo hình, báo nói trong khi phương thức QC của các loại hình này rất mới mẻ, đa dạng; đặc biệt, đối với các QC có yếu tố nước ngoài. Báo điện tử không có giới hạn về phạm vi lãnh thổ thì nhu cầu QC phát sinh từ các DN nước ngoài tìm đến cộng đồng người Việt trên thế giới thông qua quảng bá các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, giao thương quốc tế ngày càng nhiều. Do vậy, các quy định về pháp luật đối với ngành QC cần tương thích và phù hợp với thực tế này.  

Ước tính, doanh thu từ ngành QC hằng năm ở nước ta là con số hàng chục ngàn tỉ đồng. Mặt khác, nền công nghiệp QC phản ánh phần nào sự phát triển đa dạng của nền kinh tế thị trường, năng động và không ngừng phát triển nên các quy định pháp luật về QC cần mở rộng, điều chỉnh theo hướng thúc đẩy sản xuất, dịch vụ đồng thời đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế thế giới.

Làm sao để sớm có những quy định phù hợp với nhiều phương thức QC mới đang và sẽ tương tác với người tiêu dùng, đảm bảo tính pháp quy song song với việc tạo điều kiện để ngành QC phát triển lành mạnh là điều mong đợi của DN, giới QC và cả giới truyền thông.

Bên cạnh đó, cần phải có biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm minh các hình thức QC lậu, QC trá hình... 

Trần Phước
theo Thanh Niên

Từ khóa: