Được giới thiệu rộng rãi là thương hiệu Đức, nguồn gốc từ Đức… nhưng sự thật, bếp từ Feuer hay Fandi có phải là thương hiệu Đức hay không, chủ sở hữu thương hiệu này cũng không dám chắc chắn. Trong một diễn biến khác, Tổng cục Hải quan cho biết, 91% bếp từ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Sản phẩm thương hiệu Đức?
Theo phản ánh, hàng loạt những sản phẩm của hai thương hiệu trên đang được nhiều đại lý, cũng như các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, quảng cáo, giới thiệu tới khách hàng rằng thương hiệu có xuất xứ từ Đức và được nhập khẩu nguyên chiếc. Thế nhưng khi mua được những chiếc bếp này người tiêu dùng lại nghe được những sự thật “đắng cay”.
Chỉ cần gõ từ khóa bếp từ thương hiệu Đức tại công cụ tìm kiếm trên Internet, hàng nghìn kết quả được hiện ra với thông tin giới thiệu, quảng cáo Feuer, Fandi… là thương hiệu “chuẩn” Đức.
Trong vai khách hàng, phóng viên có mặt tại một cửa hàng bán bếp từ trên phố đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) và được nhân viên tại đây giới thiệu Model bếp từ mang nhãn hiệu Feuer F88. Ngoài ra, trong khi giới thiệu sản phẩm bếp của thương hiệu này, nhân viên liên tục khẳng định: “Sản phẩm hiện nay được nhập khẩu nguyên chiếc tại Đức, khi mua sản phẩm sẽ được tặng kèm 1 bộ nồi và được bảo hành trong vòng 2 năm tại nhà”.
Cũng tương tự, Model Fandi Star – 928MS của thương hiệu Fandi, nhân viên này giới thiệu: “Nếu như thích hàng Đức anh có thể tham khảo qua sản phẩm này, đang có chương trình giảm giá từ 18 triệu 500 còn 16 triệu và được tặng kèm một bộ nồi. Nếu như anh mua cho người có tuổi dùng thì dùng hãng này rất tiện, vì có hai bảng điều khiển riêng biệt mà hiện nay ít hãng bếp sở hữu thiết kế này”.
Thắc mắc về về loại giấy có thể chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ nhân viên này thẳng thừng chia sẻ: “Bếp từ hiện nay trên thị trường rất nhập nhèm, hãng người ta bảo Đức thì nó là của Đức, chứ không ai có thể bán hàng Trung Quốc mà quảng cáo là Đức cả, ngoài ra bên e cũng có loại giấy CO photo từ bản chính của hãng để cho khách hàng tham khảo nên anh cứ yên tâm”.
Tiếp tục khảo sát, tại nhiều cửa hàng trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn, Hoàng Quốc Việt… tất cả đều được quảng cáo Feuer, Fandi là chuẩn Đức. Thế nhưng, khi tìm kiếm thông tin về những thương hiệu này qua công cụ tìm kiếm google lại không hề thấy thông tin liên kết tới doanh nghiệp hay của một công ty nào có trụ sở tại Châu Âu.
“Nhập nhèm” thương hiệu
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Huyền (Đống Đa, Hà Nội) phản ánh: “Tôi đang có nhu cầu mua sắm bếp từ và có tham khảo một số sản phẩm. Tuy nhiên, khi đi một số cửa hàng để tham khảo tôi rất băn khoăn khi cùng một mẫu sản phẩm lại có giá thành khác nhau, chênh đến vài triệu đồng. Ngoài ra, một số nơi lại giới thiệu sản phẩm Feuer hay Fandi là thương hiệu của Đức, thế nhưng khi mua về nhiều bạn bè tôi đều bảo là thương hiệu Việt Nam chứ không phải như những lời quảng cáo giới thiệu của nhân viên bán hàng. Không biết dùng một thời gian nữa có vấn đề gì không?”.
Trước những thắc mắc trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Công ty Cổ phần Fandi Việt Nam để tìm câu trả lời, nhưng đến thời điểm hiện tại đã hơn một tháng trôi quá phía công ty luôn từ chối cung cấp thông tin với lý do sếp đi vắng.
Trong một diễn biến khác, trao đổi phóng viên, bà Lê Thúy Trinh, đại diện cho Công ty Cổ phần đầu tư Châu Á – Toàn cầu (địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà 447, Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “ Công ty đã hoạt động về lĩnh vực bếp từ năm 2014 cho đến thời điểm hiện tại. Về thương hiệu Feuer là của gì thì chị không rõ, chỉ biết nguồn gốc tại nước nào thì các sản phẩm sẽ được lắp ráp tại nước đó và đề nơi sản xuất lên bao bì. Công ty hiện có dòng sản phẩm của Malaysia và Đức”.
Về giá thành của các sản phẩm, và linh kiện được sử dụng trong mỗi chiếc bếp, bà Trinh lý giải: “Thực chất giá thành khác nhau như vậy, là do các đại lý, còn khi nhập từ công ty tất cả đều chung một giá, việc này có thể là cách bán hàng của từng đại lý chứ không có chuyện bán lệch giá niêm yết của Công ty đưa ra. Về linh kiện, khi mỗi chiếc bếp về tới Việt Nam, tất cả đã được hoàn thiện 100%, vậy nên, linh kiện sử dụng ở đâu là do nhà máy còn không thể khẳng định được linh kiện là của nước nào. Trong năm 2018 bên Công ty nhập khoảng hơn 1000 chiếc bếp từ Đức”.
91% bếp từ, điện từ nhập khẩu từ Trung Quốc
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam khai báo đã nhập hơn 2,1 triệu bếp từ, điện từ (không bao gồm linh kiện, phụ tùng) với tổng giá trị hơn 65 triệu USD.
Đáng chú ý, 91,5% số bếp từ, điện từ này có nguồn gốc từ Trung Quốc (tức gần 2 triệu bếp từ, điện từ).
Trong khi đó, các sản phẩm đến từ Châu Âu lại có tỷ lệ nhập khẩu rất ít. Cụ thể: Nhập từ Tây Ban Nha 44 nghìn sản phẩm, chiếm 2%; nhập từ Đức 15 nghìn sản phẩm, chiếm 0,7%; các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan cũng chỉ từ 0,2 – 1%...
Huy Đức - Thành Tú
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng