Sau khi hợp đồng ký gửi 1.000 tỷ hết hạn tại ngân hàng, giữa ông P. và chị L. - hai người thân của người phụ nữ đột tử để lại tài sản khổng lồ - nảy sinh mâu thuẫn về việc xử lý hợp đồng.
Sau khi hợp đồng ký gửi 1.000 tỷ hết hạn tại ngân hàng, giữa ông P. và chị L. - hai người thân của người phụ nữ đột tử để lại tài sản khổng lồ - nảy sinh mâu thuẫn về việc xử lý hợp đồng.
Liên quan đến việc bà T.K.P. đột ngột qua đời không để lại di chúc với khối tài sản lên tới 1.000 tỷ đồng, hiện có nhiều thông tin mới xung quanh khối tài sản này. Hiện khối tài sản này đang nằm trong tay ai?
Có mặt trước Câu lạc bộ thể thao Lan Minh (đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM), PV đi tìm hiểu về bà T.K.P. - người phụ nữ quá cố để lại khối tài sản cả ngàn tỷ đồng gây xôn xao dư luận.
Tạo lập từ gian khó
Cánh cửa Câu lạc bộ thể thao Lan Minh đóng chặt, đáp lại tiếng gõ cửa chỉ có sự im lặng. Lúc lâu sau, một người đàn ông chừng 30 tuổi từ bên trong câu lạc bộ bước ra.
|
Một trong rất nhiều nhà xưởng do bà P. đứng quyền chủ sở hữu cho thuê
|
Khi được hỏi về “cô Năm” – nữ đại gia ngàn tỷ, người đàn ông tỏ ra dè dặt: “Chị là ai? Muốn hỏi về cô Năm có chuyện gì?”.
Trước những câu hỏi về người phụ nữ quá cố, anh chỉ cười nhẹ: “Tôi không biết nhiều về tiểu sử cô Năm đâu nhưng cô ấy là người sống giản dị, không thích sự ồn ào”.
Người đàn ông này cũng cho biết anh đã làm việc cho bà T.K.P (cô Năm) từ nhỏ. Nhà ở gần đó, hàng ngày anh có nhiệm vụ lui tới câu lạc bộ để kiểm tra, trông coi, sửa chữa những vật dụng nơi đây.
Từ khi cô Năm mất, anh tiếp tục làm việc cho người con gái nuôi là chị T.H.H.L. Một người họ hàng của bà P. ở sát câu lạc bộ là một chủ tiệm tạp hóa. Thế nhưng cửa hàng tạp hóa cũng đóng cửa, không một bóng người.
Theo một số người thân bà T.K.P cho biết, vào những năm đầu sau giải phóng, bà P. đã kế nghiệp cha mẹ mở cơ sở sản xuất bún gạo khô.
Thời đó làm bún theo phương pháp thủ công nên cần nhiều đất để phơi bún, bà P. được nhà nước giao đất để mở rộng sản xuất. Sau này, công việc làm ăn tiến triển tốt, anh em ở nước ngoài lại gửi tiền về nên bà thường xuyên mua thêm đất để mở rộng cơ sở sản xuất bún. Khi đất đai có giá, bà còn kinh doanh cả bất động sản nên khối tài sản cứ thế sinh sôi.
Năm 2007, bà P. nghỉ hẳn nghề làm bún, xây dựng nhiều nhà xưởng cho thuê và dừng luôn việc kinh doanh đất đai để nghỉ ngơi tuổi già. Tháng 3.2011, bà đột ngột qua đời. Lúc này, con gái nuôi bà P. là chị T.H.H.L. (SN 1987) đang du học tại Đức đã về chịu tang mẹ.
Sau khi bà P. chết, do phát sinh tranh chấp nên chị L. và anh chị em ruột của bà P. đã mời Thừa phát lại quận Bình Thạnh đến để ghi nhận tài sản bà để lại trong két sắt và phòng riêng của mình. Thừa phát lại ghi nhận tại đây bà P. đã để lại 100 lượng vàng, tiền mặt VNĐ và 1 triệu USD, nhiều kim cương, 17 cuốn sổ tiết kiệm (trong đó có nhiều sổ ghi số tiền hàng chục tỉ đồng).
Ngoài ra còn một số giấy tờ, hồ sơ thể hiện bà P đứng tên chủ quyền nhiều nhà xưởng, đất đai ở quận Tân Phú (TP.HCM) và vài tỉnh lân cận.
Tài sản đang nằm trong tay ai?
Sau khi Thừa phát lại kiểm kê, ghi nhận, do số tài sản quá lớn nên ông T.V.P. (em trai bà T.K.P.) và con gái nuôi của bà đồng ý đứng tên đồng sở hữu ký hợp đồng thuê hai ngăn tủ sắt của Sacombank để gửi giữ tài sản với thời hạn một năm.
Sau khi hợp đồng hết hạn, bên chủ sở hữu và phía ngân hàng có thể thanh lý hợp đồng hoặc tiếp tục gia hạn hợp đồng.
Tuy nhiên, sau khi hợp đồng ký gửi khối tài sản và các hồ sơ liên quan hết hạn, giữa ông P. và chị L. nảy sinh mâu thuẫn về việc xử lý hợp đồng.
Chị L. muốn thanh lý hợp đồng, lấy toàn bộ tài sản về nhưng ông P. muốn tiếp tục gia hạn để chờ thêm anh em ở nước ngoài về giải quyết.
Ngày 23.5.2012, Sacombank gửi thông báo đến ông P. và chị L. về việc chấm dứt hợp đồng thuê ngăn tủ sắt, đề nghị hai bên có mặt tại ngân hàng lúc 14 giờ ngày 30.5.2012 để giải quyết. Nếu bên thuê chỉ có một người đến nhận những tài liệu, tài sản chứa trong ngăn tủ sắt, ngân hàng sẽ bàn giao cho người đến nhận và được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm liên quan đến các hợp đồng thuê ngăn tủ sắt này.
Cuối ngày 30.5, cả ông P. và chị L. đều có mặt. Sau nhiều giờ làm việc hai bên vẫn không đạt được thỏa thuận.
Chị L. chỉ đồng ý ký tiếp hợp đồng gửi tài sản thêm 30 ngày với điều kiện: “trong vòng 30 ngày nếu ông P. không đưa ra được bất kỳ di chúc, văn bản giấy tờ hợp pháp nào chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản hoặc bất kỳ quyết định nào của Tòa án hoặc cơ quan nào khác có thẩm quyền thì chị L. được phép rút toàn bộ tài sản ra khỏi két sắt Ngân hàng”.
Tuy nhiên, ông P. không đồng ý nên đã từ chối đề nghị của ngân hàng về phương án trên.
Ngày 31.5, ngân hàng gửi thông báo chấm dứt hợp đồng thuê két sắt từ ngày 30.5.2012 do hai bên không đạt được thỏa thuận. Chị L. có trách nhiệm trao đổi lại với ông P. về việc xử lý khối tài sản để trong hai ngăn tủ sắt sau khi thanh lý hợp đồng.
Vậy hiện khối tài sản trên đang nằm trong tay ai? Theo thông tin mới nhất, chiều 1.6, khi ông P. liên hệ thì đại diện Sacombank có xác nhận miệng rằng ngân hàng đã giao một phần tài sản cho chị L. Như vậy, trong khi hai bên đang tranh chấp, một phần trong khối tài sản kếch xù đã được giao lại cho chị L. quản lý.
Ông P. cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại ngân hàng về vụ việc trên.
Theo VietnamNet