Mới đây, một bệnh nhân nam ở Sơn La đã tử vong do uống quá liều thuốc paracetamol sau khi được cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai. Trước đó bệnh nhân đã uống 19 viên thuốc paracetamol loại 500mg chỉ trong hai ngày để hạ sốt. Người bệnh được đưa đến cấp cứu trong tình trạng tổn thương gan, viêm gan rất nặng, có dấu hiệu suy gan. Việc bệnh nhân dùng quá liều thuốc paracetamol dẫn đến ngộ độc, lại có tiền sử viêm gan B làm tăng tình trạng nặng của bệnh, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc người dân tự ý tăng liều dùng của các thuốc thông thường bán không cần đơn. Mặc dù đã được khuyến cáo nhiều, nhưng việc tự ý tăng liều các thuốc không kê đơn là tình trạng vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng.
Paracetamol hiện có nhiều dạng, từ thuốc viên, con nhộng, viên sủi, thuốc bột, dạng siro… với nhiều tên khác nhau, hàm lượng khác nhau, từ 80mg, 150mg, 250mg... đến 500mg. Không thể phủ nhận thuốc paracetamol điều trị khá hiệu quả các bệnh giảm đau nhưng ngoài những tác dụng chữa bệnh rất tốt đó thì thuốc paracetamol cũng có nhiều tác dụng phụ đáng sợ nếu dùng quá liều.
Trong điều trị các chứng đau, sốt thông thường, người bệnh thường tự mua thuốc dùng ở nhà. Nhiều người không để ý vừa uống hạ sốt, lại uống giảm đau sẽ làm tăng liều nạp vào cơ thể. Hay gặp nhất là trường hợp sốt cao tái diễn, dùng thuốc hạ sốt liên tục trong khi phải sau 5 tiếng mới nên uống tiếp. Việc tuân thủ liều quy định là hết sức quan trọng. Không nên thấy chưa giảm đau, nhiệt độ chưa hạ liền uống thêm thuốc sẽ dẫn đến quá liều. Nếu không để ý đến hàm lượng thuốc, người dùng rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc paracetamol. Chỉ cần hai ngày liền dùng trên 3g paracetamol (tức là 6 viên 500mg) là đã có nguy cơ viêm gan ngay cả với người khỏe mạnh.
Trường hợp bị ngộ độc paracetamol rất nhanh, có thể chỉ sau vài giờ uống thuốc. Triệu chứng thường gặp là chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Sau 1, 2 ngày, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu. Khi ngộ độc paracetamol, nồng độ paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, sẽ làm chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp, đến thận gây suy thận, thậm chí thấm vào não khiến bệnh nhân bị hôn mê…Trong trường hợp nặng bệnh nhân kích động, mê sảng, suy hô hấp và có thể tử vong do suy đa tạng (thận, gan). Với phụ nữ mang thai, nếu dùng quá liều paracetamol có thể gây độc với thai vì thuốc này dễ dàng truyền qua nhau thai. Việc điều trị chậm trễ tình trạng ngộ độc paracetamol có thể dẫn đến tử vong cho bào thai. Với những người hay uống rượu, khi dùng quá liều paracetamol sẽ có nguy cơ ngộ độc cao hơn và một số nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường vì paracetamol và rượu đều cùng có hại cho gan, phá hủy tế bào gan, làm mức độ nguy hại tăng lên nhiều lần.
Theo các chuyên gia y tế, không chỉ có ngộ độc ngộ độc paracetamol mà còn nhiều loại thuốc bao gồm thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền (thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc y học dân tộc). Khi nghi ngờ bị ngộ độc thuốc người bệnh và người nhà cần tiến hành các biện pháp cấp cứu tức thời như gây nôn (bằng cách ngoáy họng...), làm loãng độc chất (bằng cách uống nhiều nước...) và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Để phòng ngừa ngộ độc thuốc, người bệnh chỉ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý dùng bất cứ một loại thuốc nào kể cả thuốc bổ, vitamin và khoáng chất, thuốc không cần kê đơn...
Bên cạnh đó, để sử dụng thuốc paracetamol cho an toàn chúng ta cần thực hiện những lời khuyên như : đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi dùng thuốc;. không dùng thuốc khi không đau nhức, không sốt cao trên 38,5 0C. Đặc biệt lưu ý với trẻ em: chỉ dùng khi trẻ sốt trên 38,5 0C, có nguy cơ co giật. Không dùng paracetamol điều trị đau nhức, cảm sốt quá 5 ngày ở trẻ em và quá 10 ngày ở người lớn, trừ khi được bác sĩ chỉ định; trong các trường hợp đau đầu, đau răng, đau khớp, đau do ngã, chấn thương… bắt buộc phải uống paracetamol thì cần lưu ý là thuốc có tác dụng sau khi uống khoảng 15 – 30 phút và tác dụng tối đa trong 3 đến 4 giờ. Vì vậy, phải dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4 giờ. Thuốc được chuyển hóa ở gan thành chất hòa tan trong nước và thải trừ ra ngoài qua nước tiểu. Trong trường hợp sốt cao, người bệnh nên kết hợp uống hạ sốt và chườm ấm, uống nhiều nước, không nên uống quá nhiều thuốc hạ sốt dễ dẫn đến quá liều lượng gây ngộ độc thuốc. Nếu thực hiện theo phác đồ này không đỡ sốt thì người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bằng các biện pháp khác.
Hồng Vân