Sự kiện hot
5 năm trước

Cảnh báo sản phẩm của L’Oréal bị giả mạo tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử

Tập đoàn mỹ phẩm L'oreal có thông báo cảnh báo mỹ phẩm KÉRASTASE giả, một nhãn hiệu hãng hoàn toàn không sản xuất đã có mặt ở Việt Nam với mức giá cao, dưới danh nghĩa hàng xách tay.

Theo L’Oreal Việt Nam, gần đây trên các trang mạng và trang thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee… xuất hiện ồ ạt các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm KÉRASTASE bao gồm các sản phẩm thuộc nhóm điều trị chăm sóc da với mức giá khá đắt đỏ và dao động từ 500 ngàn đến hàng triệu đồng một bộ, dưới “mác” hàng xách tay. Chỉ cần sử dụng công cụ tìm kim trên Google, có thể dễ dàng tìm thấy hơn chục cửa hàng đang chạy quảng cáo mỗi ngày về dòng mỹ phẩm này.

Cảnh báo hàng mỹ phẩm KÉRASTASE giả tràn ngập các cửa hàng online.

Thực chất, KÉRASTASE là thương hiệu thuộc tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal và chỉ chuyên về các sản phẩm trong ngành tóc, không hề có dòng mỹ phẩm chăm sóc da KÉRASTASE. Với lịch sử hơn 55 năm và hiện có mặt trên 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, KÉRASTASE là dòng sản phẩm chăm sóc cao cấp được các nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp và các salon sang trọng sử dụng trên khắp thế giới.

L’Oreal Việt Nam khẳng định toàn bộ những sản phẩm trên đều là những sản phẩm giả mạo thương hiệu KÉRASTASE và sẽ không chịu trách nhiệm về bất cứ hệ lụy và hậu quả nào mà các sản phẩm mạo danh này gây ra cho người tiêu dùng.

L’Oreal Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng Việt Nam thận trọng trong việc sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm mang tên KÉRASTASE nói trên.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp phải lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng về trường hợp các sản phẩm của mình bị giả mạo trên các sàn thương mại điện tử. Trước đó, đã có một số doanh nghiệp cho biết mình có sản phẩm bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Tây - Bitex (máy tính casio), Công ty TNHH GH Consults (các sản phẩm của Amway, Herbalife và Orilflame)... và đã yêu cầu các sàn như Lazada, Sendo, Shopee, Vatgia... gỡ bỏ hàng nghìn sản phẩm vi phạm.

Mới đây, trong báo cáo về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định tình trạng này đang diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ việc được phanh phui.

Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2019, sau lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”, đã có trên 3.700 sản phẩm vi phạm, 632 gian hàng và website phải gỡ bỏ. Trong đó, có một trường hợp nghi ngờ lợi dụng sàn thương mại điện tử Shopee để bán bánh có chứa cần sa đã được chuyển cho cơ quan an ninh điều tra, xử lý.

Trước đó, trong năm 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn là gần 36.000 sản phẩm và hơn 3.100 tài khoản/gian hàng trên các sàn thương mại điện tử đã bị khóa.

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), phương thức và thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tinh vi khiến người tiêu dùng khó nhận biết được hàng hóa thật - giả trên mạng. Việc đưa thông tin lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân khách hàng cũng khó phát hiện. 

Theo Thuongtruong

Từ khóa: