Nhân kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh (1499 – 2019) và 69 năm ngày giải phóng Cao Bằng (3/10/1950 – 3/10/2019), sáng 9/9/2019, UBND tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức khai trương trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh.
Công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng được lãnh đạo tỉnh Cao Bằng xác định là nhiệm vụ trọng tâm và dành nhiều sự tập trung chỉ đạo thực hiện, qua đó đã đạt được những kết quả nhất định về xây dựng thể chế, cải cách TTHC, thực hiên cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây kết quả đạt được trong công tác cải cách TTHC và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Cao Bằng còn nhiều hạn chế, hiệu quả công tác này chưa cao.
Mức độ hòa đồng của người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện TTHC không cao, thậm chí là thấp và rất thấp. Điều này thể hiện qua các chỉ số của tỉnh Cao Bằng như (chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh PAR INDEX; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước SIPAS) trong những năm qua luôn ở nhóm thấp của cả nước.
Việc thành lập trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh thể hiện quyết tâm của tập thể lãnh đạo tỉnh Cao Bằng trong việc tạo bước đột phá trong công tác cải cách TTHC nhằm tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.
Việc khai trương trung tâm nhằm chính thức công bố rộng rải đến toàn thể người dân và tổ chức về một cơ quan nhà nước làm đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của cá cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh cũng như TTHC liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Cao Bằng đi vào hoạt động sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, qua đó đem lại sự thuận tiện, hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước, tăng cường tính liên thông, minh bạch, hiệu quả trong việc giải quyết TTHC. Qua đó tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với cơ quan, cán bộ công chức, viên chức nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Văn Tiến
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng