Trong quá trình thu thập thông tin về sản phẩm của Công ty Hoàng ZN và Công ty Zini Hoàng, chúng tôi phát hiện trên thị trường có 1 loại sản phẩm tên là “Cao Plus” (Cao lá rừng ZN cải tiến) có dấu hiệu phạm luật...
Ghi nhận trên Website www.zinihoang.com thể hiện hình ảnh sản phẩm có tên gọi là “Cao Plus” cùng đoạn giới thiệu: “Cao plus (Cao lá rừng ZN) là bài thuốc đông y gia truyền được chiết xuất từ phần lớn thảo dược quý hiếm trên núi cao có tác dụng đánh tan hiệu quả lượng mỡ thừa ở bụng, eo, đùi, bắp chân tay,…và xóa tan các vết rạn da mất thẩm mỹ”.
Thế nhưng, từ những gì bạn đọc phản ánh thì có khả năng là loại sản phẩm “THẢO DƯỢC QUÝ HIẾM TRÊN NÚI” này chưa được cấp phép mà chỉ sản xuất “chui” rồi bán tràn lan ra ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, theo các phương tiện truyền thông thì ngày 20/6/2016, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm Cao lá rừng ZN của cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm Hoàng Thị Tuyết Mai do “Sản phẩm lưu thông được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn ‘Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm’ của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) hoặc tương đương được Hội đồng mỹ phẩm ASEAN thừa nhận”.
Nhằm làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, phóng viên đặt mua 1 sản phẩm Cao Plus với giá 350.000đ, trên nhãn ghi Công ty TNHH SX & TM Hoàng ZN (Công ty Hoàng ZN), địa chỉ 89/994E, Lê Đức Thọ, P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Tuy nhiên, trên Tem sản phẩm thì lại ghi Công ty TNHH TM & DV Zini Hoàng (Công ty Zini Hoàng). Và người đại diện pháp luật của Công ty Zini Hoàng chính là bà Hoàng Thị Tuyết Mai.
Qua xem xét kỹ trên bao bì, chúng tôi nhận thấy Cao Plus có nhiều dấu hiệu sai phạm. Bởi nếu là thuốc thì nhãn sản phẩm này không có: Số giấy đăng ký lưu hành hoặc số giấy phép nhập khẩu, số lô sản xuất; tiêu chuẩn chất lượng; điều kiện bảo quản cần thiết về nhiệt độ; … Theo như quy định tại Luật Dược 2016 và Thông tư hướng dẫn ghi nhãn thuốc của Bộ Y tế.
Còn trong trường hợp là mỹ phẩm thì việc ghi công dụng “Giảm mỡ” lại không phù hợp với hướng dẫn của Cục Quản lý dược về tính năng, công dụng của sản phẩm.
Căn cứ quy định của Bộ Y tế thì: “Mỹ phẩm l¬ưu thông có nhãn ghi công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố hoặc không đáp ứng quy định về ghi nhãn sản phẩm của Thông tư này, tùy mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ lưu hành và thu hồi”.
Ngoài ra, tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm hoặc thuốc vi phạm các quy định của Nghị định này thì ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị buộc tiêu hủy sản phẩm.
“Vì tin vào quảng cáo mà lỡ mua sản phẩm Cao Plus rồi, giờ mà bỏ thì thấy tiếc tiền, nhưng nếu tiếp tục sử dụng thì không biết hậu quả thế nào. Liệu sản phẩm này đã được cơ quan chức năng cấp phép chưa? Có đảm bảo an toàn không?”, chị Nguyễn Thanh Thảo (sống tại TP.HCM) ngậm ngùi chia sẻ.
Từ những vấn đề nêu trên đã khiến dư luận hoài nghi, liệu có phải sau khi bị Sở Y tế tỉnh Bình Phước buộc đình chỉ lưu hành, thu hồi thì Cao lá rừng ZN đã “lột xác” thành Cao Plus để qua mặt cơ quan chức năng và đánh lừa người tiêu dùng?
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì ngày 30/7/2018, cơ quan này đã ban hành quyết định thu hồi 03 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm bổ sung do Công ty Hoàng ZN sản xuất, kinh doanh có vi phạm về chất lượng.
Sau đó, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã tiếp tục ban hành quyết định xử phạt Công ty Hoàng ZN với số tiền 468.505.000đ. Do có 6 hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng.
Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!
Hồ Ninh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng