Sự kiện hot
6 năm trước

Cấp cứu TNGT ở Bệnh viện Việt Đức cao chưa từng có

Đêm 30 Tết, trong khi nhà nhà đoàn tụ đón xuân, thì không ít người nhà của các bệnh nhân bị TNGT vẫn ngồi gục trên ghế ở sảnh, căng thẳng chờ đợi tin tức của người thân từ phòng mổ, hoặc phòng bệnh. Không chỉ những người bị TNGT không có Tết, mà cả những người thân của họ cũng bị mất Tết vì họ.

Trọn một cái Tết, người mẹ trẻ sống trong nước mắt, khi tang thương ập đến với chị quá nghiệt ngã. Ngày cuối cùng của năm âm lịch, chồng chị Nguyễn Thị T (Lạng Giang, Bắc Giang) chở 2 con đi trên đường và tai nạn bất ngờ dội xuống khi xe máy của anh va chạm với một ô tô.

Con gái 12 tuổi của chị tử vong ngay tại chỗ. Chồng và con trai chị được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Việt Đức trong tình trạng anh bị vỡ gan, vỡ tụy, vỡ thận và dập nát ruột non, còn con trai 10 tuổi bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu.

Ngày 4 Tết, khi chúng tôi có mặt ở BV, chị T. vẫn phờ phạc bên giường bệnh cậu con trai bất tỉnh, và không biết chồng có qua nổi không dù đã được phẫu thuật. Chị chỉ có thể trả lời những câu hỏi của chúng tôi trong nước mắt.

Cháu Phạm Trung K. (10 tuổi ở Bắc Giang) vẫn hôn mê sau vụ TNGT khiến chị gái cháu tử vong và bố cháu vẫn đang cấp cứu

Ở Khoa phẫu Thần kinh của BV Việt Đức, người vào cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT) vẫn liên tục. Một bệnh nhân không ngừng kêu gào như mê sảng, đập giường ầm ầm và còn liên tục nhổ nước bọt vào mặt người nhà đang ngồi cạnh chăm sóc.

Bác sĩ giải thích anh này bị chấn thương sọ não, nên không còn kiểm soát được hành động của mình. Còn lại đa phần nằm hôn mê, bất động, “may mắn” hơn thì băng quấn toàn thân, chân tay, mặt mày tím bầm… Vì bệnh nhân đông, nhưng cũng không thể để nằm ghép nên một số người bệnh nhẹ hơn được bố trí nằm ở lối đi giữa 2 dãy phòng bệnh.

Dĩ nhiên, các bác sĩ phải vất vả hơn rất nhiều để có thể điều trị, chăm sóc cho số bệnh nhân đã tăng đột biến lại còn đều ở tình trạng rất nặng. Thế mà theo kinh nghiệm của các bác sĩ ở đây, cao điểm về số vụ TNGT thường tập trung vào ngày cuối cùng của đợt nghỉ Tết, tức là ngày 5 Tết. Do đó, dự báo, các bác sĩ sẽ còn phải căng thẳng hơn nhiều vào ngày cuối tuần này.

Đêm 30 Tết, trong khi nhà nhà đoàn tụ đón xuân, thì không ít người nhà của các bệnh nhân bị TNGT vẫn ngồi gục trên ghế ở sảnh, căng thẳng chờ đợi tin tức của người thân từ phòng mổ, hoặc phòng bệnh. Không chỉ những người bị TNGT không có Tết, mà cả những người thân của họ cũng bị mất Tết vì họ.

Đó chỉ là một vài phác thảo về “bức tranh” TNGT trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua đang diễn ra ở BV Việt Đức. Có lẽ đây là cái Tết có số vụ TNGT bị cấp cứu nhiều nhất từ trước đến nay ở BV Việt Đức, khi số vụ tăng khoảng 10% và đều trong tình trạng rất nặng.

Ở Phòng cấp cứu tại Khoa khám bệnh của BV Việt Đức, cả 6 người bệnh vừa nhập viện ngày mồng 4 Tết do TNGT đều bị chấn thương sọ não, hoàn toàn không biết gì và phải thở máy. Người lớn tuổi nhất 72 tuổi, bị ô tô đâm vào.

Đáng lưu ý là hơn 90% số vụ cấp cứu ở BV Việt Đức trong dịp Tết là TNGT và hầu hết đều có liên quan đến rượu bia: Người gây ra TNGT và cũng là nạn nhân do uống rượu, hoặc bị người uống rượu đâm phải.

GS. Trần Bình Giang – Giám đốc BV Việt Đức cho biết ngày 29 Tết, số người bị TNGT vào BV Việt Đức cấp cứu cao chưa từng có: 536 người, tăng hơn 5 lần so với Tết mọi năm. Do hầu hết đều bị đa chấn thương rất nặng, nhiều người bị chấn thương sọ não phải mổ cấp cứu, BV phải huy động tối đa số bàn mổ và phải tăng thêm so với bình thường mới kịp cấp cứu.

Tuy nhiên, do số bệnh nhân đều rất nặng nên BV không đủ máy thở, vì thế, BV buộc phải chuyển bớt một số người nhẹ nhất về các BV khác như BV Bạch Mai, BV E, BV Thanh Nhàn…

Thế nhưng, 21h30 đêm 30 Tết, khi đang trao đổi với chúng tôi, GS. Trần Bình Giang đã nhận được điện thoại báo cáo không còn máy thở cho bệnh nhân. Dĩ nhiên, ngày ngày Tết này cũng là thời điểm các bác sĩ của BV Việt Đức phải căng mình hơn bao giờ hết.

GS. Trần Bình Giang còn cho hay, ngày nào cũng có 5-6 người bị TNGT chấn thương nặng quá nên gia đình xin về, vì cơ hội sống không còn, nên chắc chắn sẽ tử vong ở nhà hoặc trên đường về nhà. Tuy nhiên, vì không tử vong tại hiện trường TNGT, cũng không tử vong tại BV, nên những người này không được tính vào số người chết do TNGT. Do đó con số tử vong do TNGT thực tế chắc chắn cao hơn nhiều con số công bố.

Đa chấn thương do TNGT tăng cao ở BV Việt Đức

Bên cạnh đó, số người may mắn sống sót sau đa chấn thương thì cơ hội trở lại lành lặn như cũ là gần như không thể. Trong khi đó, chi phí điều trị cho một trường hợp là không hề ít, vài trăm triệu đồng, hoặc cả tỉ đồng. Nhiều người còn bị di chứng cả đời, sống phụ thuộc, trở thành gánh nặng của người thân.

Mặc dù năm nào, báo chí cũng thống kê các vụ TNGT, cũng cảnh báo về các vụ TNGT tăng đột biến ở các BV do rượu bia, nhưng rồi, số vụ vẫn không giảm, số tử vong cũng tỉ lệ thuận. Không khó khăn gì để thấy rằng, nguyên nhân của các vụ TNGT này là do người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, nhất là uống rượu vẫn cầm lái, đã gây ra cho chính mình, hoặc đâm phải người khác.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ANTG Quốc gia cho biết, chiều mồng 3 Tết, chỉ đi một đoạn đường ngắn mà xe ông bị 6 lần ô tô, xe máy ‘tạt’ đầu rất nguy hiểm.

Thực tế, trên nhiều tuyến đường chúng tôi đi ở Hà Nội và các địa bàn lân cận, dễ dàng bắt gặp những “tay tổ lái” vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách … như chỗ không người. Với ý thức của những người tham gia giao thông như vậy, không khó khăn gì để hiểu vì sao số người nhập viện do TNGT không hề thuyên giảm.

Thanh Hằng
Theo CAND

Từ khóa: